1. Khái quát về sán dây lợn
– Sán dây lợn (Taenia solium) thuộc giống (chi) Taenia, họ sán dây Taeniidae.
– Sán dây lợn dài từ 2-3 m có khi tới 8m, đầu gần như hình 4 góc. Chiều ngang của đầu là 1 mm, có bộ phận nhô ra và hai vòng móc gồm 25-30 móc, bốn hấp khẩu tròn. Đốt cổ ngắn và mảnh. Những đốt đầu chiều ngang lớn hơn chiều dài, những đốt sau chiều dài và chiều ngang bằng nhau, những đốt cuối chiều ngang bằng một nửa chiều dài.
– Lỗ sinh dục của đốt sán chạy ra chạy ra cạnh đốt và trên các đốt những lỗ sinh dục xen kẽ tương đối đều chạy cả sang phải và sang trái. Những đốt già ở cuối thân thường rụng thành từng đoạn ngắn, 5-6 đốt liền nhau rồi theo phân ra ngoài.
Hình 1: Hình ảnh sán dây lợn (Taenia solium)
– Trứng sán: Hình cầu, kích thước 20 – 50 micromet, có vỏ rất dày, màu nâu sẫm, chất chứa bên trong là một khối tròn có hạt được bao bọc bởi một màng mỏng có 6 móc chiết quang, hình que, màu vàng.
Hình 2: Hình ảnh trứng sán dây lợn
2. Chu kỳ phát triển của sán dây lợn
– Đường lây chủ yếu qua đường ăn uống, do ăn phải thịt lợn có chứa nang ấu trùng (lợn gạo) chưa được nấu chín gây nên bệnh sán dây lợn.
Ngoài ra, nếu ăn phải trứng sán dây lợn có trong rau, hoa quả tươi, nước uống có thể mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn, hay còn gọi là bệnh người gạo. Trong một số trường hợp, có thể bị mắc bệnh người gạo do đốt sán già trào ngược lên dạ dày theo phản xạ của nhu động ruột, tại dạ dày, đốt già giải phóng trứng và cơ chế như là ăn phải trứng sán.
– Diễn biến chu kỳ:
+ Sán sinh sản bằng cách rụng đốt, đốt già rụng ra khỏi thân sán rồi theo phân ra ngoài. Đốt già ra ngoài môi trường bị thối rữa, giải phóng trứng.
+ Lợn ăn phải trứng sán hoặc đốt sán, đốt sán vào dạ dày dưới tác dụng cơ học giải phóng trúng, trứng tiếp tục nở thành ấu trùng. Ấu trùng chui qua thành ống tiêu hóa vào máu và tới các cơ vân tạo kén ở đó, được gọi là lợn gạo.
+ Người ăn phải lợn gạo có chứa ấu trùng chưa được nấu chín sẽ bị nhiễm bệnh.
+ Ấu trùng vào ruột người, nở thành con sán dây trưởng thành. Sán lớn bằng cách nảy chồi, dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu chất dinh dưỡng ở trong ruột, sinh đốt mới từ cổ, ký sinh ở ruột non nhưng đoạn cuối xuống rận ruột già, sinh sản bằng rụng đốt.
+ Trong một số trường hợp, người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ bị bệnh người gạo. Hoặc có thể mắc do đốt sán già ở ruột trào ngược lên dạ dày, tại dạ dày trứng được giải phóng. Trứng xuống ruột nở thành ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu rồi tới cơ vân, não, mắt để ký sinh.
3. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh gây nên do sán dây lợn
3.1. Xét nghiệm phân trực tiếp tìm trứng sán dây lợn
Đây là kỹ thuật xét nghiệm phân trực tiếp đơn giản, nhanh, không đòi hỏi các dụng cụ, hóa chất phức tạp.
– Cách làm: Trên 1 phiến kính khô, sạch nhỏ 1 giọt nước muối sinh lý và 1 giọt dung dịch Lugol kép. Dùng que xét nghiệm lấy 1 lượng vừa bằng đầu que (khoảng 10 – 15 mg phân) hòa vào giọt nước muối sinh lý, khuấy đều. Sau đó lấy thêm phân lần thứ 2 rồi hòa vào giọt dung dịch Lugol kép và khuấy đều. Đậy lá kính vào mỗi giọt và tiến hành soi trên kính hiển vi quang học để tìm trứng sán.
Độ nhạy của xét nghiệm khoảng 30 – 50%. Cần xét nghiệm trên ít nhất 3 mẫu phân vào 3 ngày liên tiếp để tăng khả năng phát hiện ra đốt sán hay trứng sán.
3.2. Xét nghiệm phân trực tiếp tìm đốt sán dây lợn
Đốt sán rụng theo phân ra ngoài, đặc điểm đốt sán là những đoạn nhỏ bẹt, trắng như xơ mít, đầu bằng, bệnh nhân có thể tự quan sát được. Khi đó, cần thu thập lại ngay và gửi về Phòng xét nghiệm để có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị.
3.3. Phương pháp huyết thanh học tìm kháng thể
– Xét nghiệm ELISA: Phát hiện kháng thể kháng Taenia solium trong huyết thanh/ huyết tương để đánh giá tình trạng đang nhiễm hoặc tái nhiễm của bệnh nhân.
– Mẫu bệnh phẩm: Máu tĩnh mạch thể tích 1.5 – 2mL.
– Bảo quản: Nhiệt độ phòng (15 – 25℃) ổn định trong 2 ngày, muốn bảo quản lâu hơn để nhiệt độ 2 – 8 ℃ /5 ngày.
4. Các biện pháp phòng bệnh gây nên do sán dây lợn
Hình 3: Hình ảnh phòng ngừa bệnh gây nên do sán dây lợn
Để hạn chế tối đa tác động của sán dây lợn đối với sức khỏe thì cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:
– Quản lý nguồn chất thải của lợn và người an toàn sạch sẽ, khoa học, không sử dụng phân tươi để tưới cây hoa màu.
– Không để lợn thả rông.
– Phát hiện và điều trị sớm những người có bệnh.
– Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là các thời điểm trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Ăn chín, uống sôi.
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN