Ngày 25/10, tại xóm 4 xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành xảy ra 1 vụ ngộ độc cá nóc, với 8 người bị ngộ độc, trong đó 6 người phải nhập viện điều trị… Nhờ sự điều trị tích cực, kịp thời, đến nay đã có 5 người xuất viện, người còn lại cũng đã qua cơn nguy kịch.
Ngày 25/10, anh Hồ Sỹ Hải (sinh năm 1974, ở xóm 4, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) chở con gái đi huyện Diễn Châu mua 16kg cá tươi. Sau khi mua, anh Hải phát cho mỗi gia đình thân quen mỗi ít. Còn một con cá nặng khoảng 1,1kg (khả năng nhiều đây là cá nóc) anh Hải chế biến để ăn. Bữa ăn tối, ngoài các thành viên trong gia đình, anh Hải có mời thêm anh Nguyễn Đình Huy (sinh năm 1984) và anh Nguyễn Công Lam (sinh năm 1970) ở cùng xã đến ăn cùng.
Sau khi ăn xong, khoảng 18h 55 phút cùng ngày, anh Nguyễn Công Lam xuất hiện triệu chứng khó thở, tím môi, tê đầu chi, buồn nôn, nôn, đau bụng, run tay, hoa mắt. 7 người còn lại cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự. 19 giờ, cả 8 người đã được đưa đến Trạm Y tế xã Mỹ Thành để cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành điều trị. Có 3 người ngộ độc nặng được chuyển thẳng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Sau khi được các bác sỹ điều trị tích cực, 5 người ngộ độc nhẹ điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành đã hồi phục, xuất viện; 3 người ngộ độc nặng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã qua cơn nguy kịch. Người ngộ độc nặng nhất là anh Nguyễn Công Lam (đã ăn bộ phận gan cá) cũng đã hồi tỉnh trong sáng nay.
Nhờ sự cấp cứu kịp thời, đến nay các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch và từng bước hồi phục. Sáng 27/10, bệnh nhân nặng nhất là anh Nguyễn Công Lam cũng đã hồi tỉnhNgay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã cử cán bộ điều tra tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân vụ việc…
Được biết đây là vụ ngộ độc cá nóc thứ 2 được ghi nhận ở tỉnh Nghệ An từ đầu năm đến nay. Vụ ngộ độc đầu tiên xảy ra vào ngày 24/01/2015 ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò với 5 người mắc.
Cá nóc còn có tên gọi là Puffer fish, Balloon fish, Fugu là loại cá chưa chất độc Tetrodotoxin. Tetrodotoxin là chất độc không protein, tan trong nước và không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay làm khô, chất độc bị bất hoạt trong môi trường acid và kiềm mạnh. Tetrodotoxin tập trung ở trứng cá, ruột gan và tinh hoàn của cá.
Triệu chứng ngộ độc cá nóc thường xuất hiện sau ăn 10 – 30 phút như tê miệng, lưỡi, hai môi, đau đầu, nôn, nói khó, tê ở ngón, bàn tay bàn chân, yếu và mệt, tử vong do liệt cơ hô hấp hoặc suy tuần hoàn cấp. Các dấu hiệu khác: tim chậm, rối loạn nhịp, hạ huyết áp, hạ nhiệt độ, tăng tiết nước bọt, tím, ngừng thở, mất phản xạ gân xương và trương lực cơ.
Độ nặng của ngộ độc cá nóc tuỳ thuộc vào lượng độc tố và thời gian được cấp cứu: Nếu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể theo dõi và khỏi được; Nếu có triệu chứng rõ, chưa bị tím, điều trị cấp cứu ban đầu và hồi sức, sẽ cứu được trong vòng 24 giờ; Nếu thiếu oxy lâu, không được cấp cứu ban đầu có thể gây biến chứng hoặc tử vong….
Cách phòng ngừa tốt nhất là không ăn cá nóc, chuẩn bị túi cấp cứu khi cần thiết.
(Báo Nghệ An)
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN