Sau gần 10 năm thực hiện đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám chữa bệnh (29/4/2004 – 2014), ngành Y tế đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận: khoa học chuyên về y dược có bước phát triển; tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên trong khám, chữa bệnh đã cải thiện đáng kể, tạo được dư luận tốt trong cộng đồng… Để làm rõ hơn những kết quả đạt được, cũng như những mặt còn tồn tại trong quá trình thực hiện đề án, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế.
Y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An tham gia hiến máu tình nguyện.
P.V: Qua 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám, chữa bệnh, xin ông cho biết những kết quả đạt được?
BS Bùi Đình Long: Đánh giá kết quả 10 năm triển khai Đề án “Nâng cao y đức”, có thể khẳng định rằng, ngành Y tế đã gặt hái nhiều thành công thông qua thực hiện đề án này. Cụ thể là sự thay đổi về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý đối với công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên. Còn đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế cũng đã có sự thay đổi, tiến bộ về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, cách ứng xử với nhân dân. Đề cao việc nâng cao y thuật, đại đa số cán bộ đều đã tự đào tạo, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, trong 10 năm qua, ngành Y tế đã nghiên cứu, áp dụng, sử dụng thành công các kỹ thuật cao để cứu chữa người bệnh. Ví dụ như kết thúc năm 2013, ngành Y tế đã triển khai được 1 ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 1 ca ghép tủy tại Bệnh viện Ung bướu. Điều này cho thấy ngành Y tế tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã triển khai được kỹ thuật chuyên sâu.
Song song với đó, thực hiện đề án nâng cao y đức, 10 năm qua chúng ta đã tôn vinh được nhiều gương sáng y đức. Trong năm 2013 này, Hội đồng y đức của ngành đã xét, tuyển chọn, tôn vinh được 53 gương sáng y đức. Điều đáng mừng là trong dịp này có nhiều cán bộ phục vụ trực tiếp cho người bệnh là những y tá, điều dưỡng được tôn vinh nhiều hơn so với trước đây. Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện Đề án nâng cao y đức đã giúp ngành có nhiều chuyển biến tích cực, kể cả nhận thức, trách nhiệm và hành động.
P.V: Thưa ông! Đâu là nguyên nhân dẫn đến những thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của đề án?
BS Bùi Đình Long: Để có những kết quả nói trên, cần phải thấy rằng Đề án “Nâng cao y đức” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo quyết liệt. Ở các cơ sở khám, chữa bệnh, Đề án được triển khai xây dựng thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với từng đơn vị, từng giai đoạn khác nhau. Ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền tới người bệnh và cộng đồng. Phát huy vai trò giám sát, phát hiện, cung cấp thông tin của các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng. Đặc biệt là các cơ quan báo chí về vấn đề y đức của cán bộ y tế để kịp thời xử lý, góp phần tích cực vào hiệu quả triển khai đề án. Bằng các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa, các đơn vị y tế đã từng bước bổ sung các thiết bị y tế hiện đại, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, góp phần quyết định vào hiệu quả khám, chữa bệnh và triển khai Đề án “Nâng cao y đức”.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế vẫn còn rất nhiều tồn tại ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Ông có thể nói về điều này?
BS Bùi Đình Long: Thời gian qua, ngành Y tế phải đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn. Đó là: sự thay đổi về mô hình bệnh tật, các dịch bệnh liên tục xuất hiện với nhiều chủng loại. Thứ đến, nhu cầu khám, chữa bệnh nhân dân tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là một nhu cầu rất chính đáng song sự phát triển của ngành chưa theo kịp như mong muốn so với yêu cầu của nhân dân. Thứ ba, nguồn lực đầu tư cho y tế có tăng lên trong những năm gần đây, tuy vậy so với yêu cầu thực tế là còn hạn chế. Ví dụ như các cơ sở khám, chữa bệnh ở tỉnh đều trong tình trạng xuống cấp. 25 năm nay tỉnh chúng ta mới khai trương được thêm 1 bệnh viện mới; Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh xây dựng 10 năm nay nhưng chưa xong; 8 cơ sở bệnh viện nữa đã có quyết định của UBND tỉnh nhưng chưa có trụ sở. Nói như vậy để thấy rằng, ngành Y tế đang gặp rất nhiều thách thức.
Và thực tế cũng cho thấy rằng, những tồn tại của ngành đang rất nhiều: Chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh của một số cán bộ ở một số bệnh viện còn yếu. Y đức trong toàn ngành đã được chấn chỉnh một bước đáng kể song vẫn còn dư luận trong cán bộ, nhân dân về một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế có thái độ chưa tốt, tinh thần phục vụ chưa cao, ngại khó khăn, lời nói chưa thông cảm, thậm chí còn có biểu hiện tiêu cực trong khi chăm sóc, khám, chữa bệnh, chuyển viện cho người bệnh. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại đơn vị. Trong ngành, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh còn thiếu thông tin để xử lý những cán bộ vi phạm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ phục vụ tốt. Cán bộ được công nhận gương sáng y đức qua các năm còn chiếm tỷ lệ thấp. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, đặc biệt trong thanh, quyết toán đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
P.V: Xin ông cho biết những mục tiêu chính của Đề án “Nâng cao y đức” giai đoạn 2014 -2023 cũng như các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó?
BS Bùi Đình Long: Xác định rõ những tồn tại và thách thức đang đối mặt, ngành Y tế xác định rằng trong những năm tiếp theo ngành vẫn tập trung đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Và để làm được điều này, rõ ràng ngành Y tế phải cải thiện toàn diện kể cả chất lượng khám, chữa bệnh, kỹ thuật kỹ năng, tinh thần thái độ phục vụ. Khối lượng công việc mà ngành đã, đang thực hiện là rất lớn. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, ngành đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể đó là: tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên, có chất lượng với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao y đức, giảm phiền hà cho người bệnh. Tăng dần số lượng bệnh viện đạt “Tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện” và nhiều cán bộ, nhân viên đạt danh hiệu Gương sáng Y đức.
Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Y đức các cấp để thực hiện tốt đề án. Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt y đức trong công tác phục vụ người bệnh và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gương sáng Y đức”. 100% đơn vị tiếp tục quán triệt, học tập và đẩy mạnh việc thực hiện Quy định 12 điều Y đức, Quy định về Chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, Chỉ thị số 03/CT – BYT ngày 1/4/2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 100% các đơn vị niêm yết công khai những nội dung chính các quy định liên quan đến y đức tại nơi dễ nhìn thấy, đông người qua lại để cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà người bệnh giám sát. Phổ biến riêng hoặc lồng ghép trong các buổi họp, hội thảo, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, sinh hoạt khoa phòng… Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác cải cách hành chính. Tổ chức đánh giá phân loại cơ sở khám, chữa bệnh về chuyên môn, y đức và lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ, sự hài lòng người bệnh định kỳ, đột xuất.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN