Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Ngày thế giới phòng chống Lao 24/3 – Kiểm soát tốt bệnh lao: Cần giải pháp đột phá

Ngày thế giới phòng chống Lao 24/3 – Kiểm soát tốt bệnh lao: Cần giải pháp đột phá

Ngày thế giới phòng chống Lao 24/3 – Kiểm soát tốt bệnh lao: Cần giải pháp đột phá

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) năm 2013, khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao; 12 triệu người hiện mắc lao; 8,6 triệu người mới mắc lao; 13% số mắc lao có đồng nhiễm HIV; 1,3 triệu người tử vong do lao.

Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm khuẩn. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh cùng với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn; bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người, không miễn trừ ai. Đầu tư cho phòng, chống lao là đầu tư có hiệu quả kinh tế rất cao, vì vậy sẽ góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.

Năm 1986, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam (CTCLQG) đã hình thành và triển khai các hoạt động phòng chống lao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), sau đó từ năm 1995 được Chính phủ đưa thành một dự án thành phần trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Phòng chống một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm, HIV/AIDS. Với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế, các nhà tài trợ quốc tế, cùng với sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, công tác chống lao Việt Nam đã có những kết quả tích cực, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Để đánh giá chính xác tình hình bệnh lao ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo điều tra dịch tễ lao toàn quốc vào năm 2006 – 2007 với sự tham gia của TCYTTG, KNCV và các đối tác quốc tế. Kết quả cho thấy số ước tính trước đây của TCYTTG là ước tính dưới mức thực tế. Do vậy, phát hiện sớm tất cả các thể lao là định hướng cần được ưu tiên hàng đầu của Chương trình Phòng chống lao ở Việt Nam.

Kiểm soát bệnh lao là một trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới, đó là vào năm 2015 giảm 50% số mắc và tử vong do lao so với năm 2000. Qua phân tích hiện tại, chương trình cần phải có đầu tư và chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để vượt qua các khó khăn, thách thức thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu MDGs về phòng chống bệnh lao.

Để thực hiện được, CTCLQG đang đứng trước các khó khăn, thách thức chủ yếu là: Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, một số lượng lớn ca bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, tiếp tục là nguồn lây; lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp (25% năm 2013), nguồn lực cho lao đa kháng thuốc hoàn toàn từ ngân sách viện trợ; đại dịch HIV, tuy bước đầu đã được khống chế nhưng số ca nhiễm HIV tích lũy tiếp tục tăng lên và đến lúc có nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội xuất hiện mà lao là bệnh phổ biến nhất ở người nhiễm HIV, chẩn đoán lao/HIV còn khó khăn, kết quả điều trị lao/HIV còn chưa cao do tỷ lệ được điều trị ARV còn thấp.

Đặc biệt, thách thức rất lớn về nguồn lực do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế trong những năm tiếp theo đối với các nước có thu nhập trung bình và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, nếu không có các giải pháp đầu tư đột phá từ chính phủ về nhân lực và tài chính sẽ không giải quyết được vấn đề bệnh lao.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có rất nhiều công nghệ mới mở đường cho việc thay đổi chiến lược từ ngăn chặn bệnh lao chuyển thành chiến lược thanh toán bệnh lao trên toàn cầu. Vì vậy, mỗi nước thành viên cần có chiến lược mang tầm quốc gia để vừa duy trì và phát huy các thành quả đạt được, vừa đủ khả năng ứng dụng các công nghệ mới đẩy nhanh tiến trình cắt giảm nguồn lây một cách bền vững dựa trên nguồn nội lực là chính với sự hỗ trợ kỹ thuật của TCYTTG và các đối tác quốc tế.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm và gánh nặng mà bệnh lao gây ra, ngày 4 tháng 3 năm 2014, Bộ Y tế đã trình Chính phủ “Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể và các giải pháp phòng chống lao mang tính tổng thể, dài hạn và đột phá nhằm huy động được sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các tổ chức trong và ngoài nước bảo đảm tính hiệu quả cao, bền vững, góp phần quan trọng vào nâng cao sức khỏe nhân dân và công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Chương trình Chống lao quốc gia