Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do viêm tai biến chứng áp xe não

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do viêm tai biến chứng áp xe não

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do viêm tai biến chứng áp xe não

Sau một thời gian bị viêm tai, chảy mủ kéo dài, ông Hùng bị biến chứng áp xe não, nguy kịch đến tính mạng. Ngày 29/9, sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An, bệnh nhân Nghiêm Xuân Hùng (68 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn) đã được xuất viện, về nhà.

Trung tuần tháng 8, bệnh nhân Hùng nhập viện trong tình trạng tai chảy mủ, đau đầu dữ dội, cơ thể rất yếu. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả chụp CT sọ não, Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm tai xương chũm phải biến chứng áp xe thùy thái dương bên phải sọ não. Tình trạng bệnh khá nghiêm trọng, phải phẫu thuật khẩn cấp nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Sau khi hội chẩn với các bác sĩ về Thần kinh cột sống và các chuyên gia của Viện Tai Mũi Họng Trung ương, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Nghệ An đã quyết định phẫu thuật cấp cứu nhằm loại bỏ bệnh tích ở tai, xương chũm, bộc lộ vùng màng não, tĩnh mạch bên đến đoạn lành, dẫn lưu ổ áp-xe não.

Sau phẫu thuật, tỷ lệ tử vong vẫn còn ở mức 40-50% nên bệnh nhân được điều trị và chăm sóc trong tình trạng đặc biệt.

Người nhà của bệnh nhân cho biết, cách đây khoảng 50 năm, sau một cơn sốt rét, ông Hùng phát hiện dấu hiệu có mủ chảy ra ở tai. Do chủ quan và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông tự chữa bệnh ở nhà bằng cách tự mua kháng sinh về uống. Không ngờ, vết viêm tai không giảm mà còn gây biến chứng đến sọ não.

Bác sỹ Tăng Xuân Hải, trưởng khoa Tai- Mũi – Họng cho biết, đối với những bệnh nhân bị phát hiện viêm tai, có dấu hiệu chảy mủ, cần phải sớm đến các cơ sở y tế để điều trị, theo dõi, tránh tình trạng chủ quan gây nên áp xe não. Nếu chủ quan có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.Trường hợp ông Hùng là bệnh nhân thứ 2 trong vòng 5 năm qua bị áp xe não nặng do viêm tai được đưa vào điều trị tại bệnh viện.

Nguyên nhân gây bệnh là do những viêm nhiễm đi từ tai giữa, xương chũm vào, chủ yếu theo các con đường như: Đường kế cận: bệnh tích lan tới mặt nội sọ của xương chũm, thường gặp cholesteatoma; Đường viêm mê nhĩ mủ theo nội dịch tới não; Đường máu: đường tĩnh mạch tới tĩnh mạch bên, động mạch tới động mạch màng não qua đó gây viêm tắc mạch não; Đường tự nhiên: khe khớp trai đá mở rộng, chưa liền kín thường gặp ở trẻ nhỏ.

Khi bị áp-xe não do tai, người bệnh luôn trong tình trạng nhiễm khuẩn, mệt mỏi. Tình trạng của tai thường thấy chảy mủ tai, ấn vào vùng chũm có phản ứng đau rõ, sưng nề hay xuất ngoại của xương chũm, nghe kém. Ngoài ra còn có triệu chứng của áp-xe não với các biểu hiện như nhức đầu thành cơn, đau đầu dữ dội kèm theo triệu chứng như: nôn, giao tiếp chậm, mờ mắt một bên,sốt kéo dài, không cao,…

Để phòng tránh bệnh, biện pháp quan trọng đối với người bệnh là vệ sinh mũi họng, phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên để phòng chảy mủ tai. Nếu bị chảy mủ tai cần điều trị triệt để tránh thành viêm tai giữa nguy hiểm. Với các trường hợp viêm tai giữa nguy hiểm cần được điều trị, phẫu thuật sớm, nhất là khi có cholesteatoma. Người bệnh cần được phát hiện sớm và xử trí cấp viêm tai xương chũm hồi viêm, xuất ngoại cũng như các biến chứng nội sọ do tai, chuyển phẫu thuật cấp cứu để tránh tai biến, biến chứng phối hợp.

Hoàng Yến