Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Nhận diện và xử trí đúng cách viêm da do kiến ba khoang

Nhận diện và xử trí đúng cách viêm da do kiến ba khoang

Hiện đang là thời điểm kiến ba khoang bắt đầu hoành hành. Chúng thường xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao. Độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng, phồng rộp da… Nếu không được điều trị kịp thời, thương tổn trên diện rộng có thể gây ra sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.. thậm chí có thể tử vong.

Nhận diện kiến ba khoang

Kiến ba khoang có thân mình thon dài, có khoang đen cam xen kẽ. Loại kiến này còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, cằm cặp,… Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, cũng thường bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Theo Cục Y Tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Kiến ba khoang không đốt hay cắn nhưng nếu chẳng may tiếp xúc với dịch cơ thể của chúng có thể gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó… Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.

Nhận diện và xử trí đúng cách khi bị viêm da do độc tố của kiến ba khoang - Ảnh 2.

Kiến ba khoang có thân mình thon dài, trong cơ thể có chứa độc tố Pederin

Những triệu chứng thường gặp

Sau khi tiếp xúc cảm thấy rát bỏng tại chỗ, nếu tổn thương trên diện rộng có thể sốt, đau dây thần kinh, đau khớp, nôn ói; Xuất hiện viêm da ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay; Viêm da dạng vệt hồng ban dài, có mụn mủ; Qua một thời gian, vết thương do bị kiến ba khoang cắn sẽ trở nên ngứa ngáy, nổi bọng nước, viêm loét,… thương tổn trên diện rộng có thể gây ra sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.. thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Tiến triển của bệnh sau khi bị kiến ba khoang: Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh có cảm giác râm ran; Trong vòng 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ; 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình; Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy; Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh Zona nên cần phân biệt và chẩn đoán đúng bệnh.

Những xử trí sai lầm

Hằng năm rất nhiều người phải nhập viện vì bị kiến ba khoang đốt trong tình trạng nguy kịch, một phần do những sai lầm khi tự xử lý vết thương.

Sau khi bị viêm da do độc tố kiến ba khoang, nhiều người đã tìm đến các bài thuốc, mẹo vặt dân gian như: Đắp lá, dùng gạo, đậu xanh xay lấy nước bôi,… hay mua các loại thuốc trị côn trùng cắn, thuốc chữa viêm da, dị ứng tại các hiệu thuốc mà không qua kê đơn. Các biện pháp này có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, tổn thương da nặng hoặc lan ra các vùng da khác, gây sẹo xấu, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, nhiều người theo thói quen dùng tay đập kiến, điều này đã vô tình làm độc tố của kiến được giải phóng ra và tiếp xúc với da, gây ngứa rát, sưng đau, nổi mụn mủ. Vì vậy khi phát hiện ra kiến khoang, chúng ta không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi.

Cần hạn chế tối đa việc gãi ngứa. Vết thương do kiến ba khoang rất ngứa rát nên nhiều người theo phản xạ thì thường gãi vết thương. Việc này là hoàn toàn không nên bởi có thể khiến vết thương bị trầy xước, tổn thương sâu hơn. Mặt khác, tay chưa rửa chứa nhiều vi khuẩn khi tiếp xúc với vết thương dễ dẫn đến nhiễm trùng da rất nguy hiểm.

Lời khuyên bác sĩ

Nhận diện và xử trí đúng cách khi bị viêm da do độc tố của kiến ba khoang - Ảnh 3.

Vết thương do bị kiến ba khoang sẽ trở nên ngứa ngáy, nổi bọng nước

Loại bỏ kiến ba khoang ra, không dùng tay trần để bắt, miết, giết; Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ và đến gặp bác sỹ để chữa trị.

Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm .

Cách phòng tránh kiến ba khoang

Để phòng chống kiến ba khoang, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Ngăn chặn kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới chống công trùng ở các cửa sổ và cửa ra vào; Ngủ trong màn; Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho kiến ba khoang; Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; Khi đi làm việc trên đồng ruộng, vườn cây nhất là mùa mưa bão cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như quần áo dài tay, dội mũ/ nón, khẩu trang, đi ủng.

Nguồn: Bộ Y tế