Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > MỘT SỐ KỸ THUẬT CAN THIỆP NỘI MẠCH TẠI TRUNG TÂM ĐỘT QUỴ, BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

MỘT SỐ KỸ THUẬT CAN THIỆP NỘI MẠCH TẠI TRUNG TÂM ĐỘT QUỴ, BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

Nhận biết sớm – Vận chuyển ngay – Cơ may cứu não” – Hotline 096 862 3337

Đột quỵ não là tình trạng một hoặc nhiều khu vực của não bị tổn thương do mạch máu não bị tắc nghẽn (nhồi máu não), hoặc do mạch máu não bị vỡ khiến máu tràn vào nhu mô não (chảy máu não) hoặc khoang dưới nhện (chảy máu dưới nhện). Đây là bệnh lý có nguy cơ gây tử vong và tàn phế cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Trong hơn hai thập kỷ qua, các phương pháp điều trị đột quỵ não đã và đang phát triển rực rỡ, đạt được nhiều bước tiến ngoạn mục, giúp hạn chế tỷ lệ tử vong và giảm thiểu mức độ di chứng cho người bệnh, trong đó nổi bật là các kỹ thuật can thiệp nội mạch. Với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên can thiệp chuyên môn cao và hệ thống máy chụp mạch não số hoá xoá nền (DSA) hiện đại, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tự hào là một trong số ít trung tâm trên toàn quốc có đầy đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội mạch tiên tiến nhất.

Tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học

Theo ước tính, khi mạch máu não bị tắc nghẽn, cứ sau mỗi phút, có hai triệu tế bào não chết đi. Bởi vậy, mục tiêu chính của điều trị nhồi máu não cấp là tái thông mạch máu, phục hồi dòng máu tới khu vực não bị ảnh hưởng càng sớm càng tốt, hạn chế tối đa các tổn thương có thể xảy ra, giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như mức độ di chứng cho người bệnh. Bên cạnh điều trị tái thông bằng thuốc tiêu huyết khối (trong vòng 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng), tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học (trong vòng 6 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng) là kỹ thuật quan trọng trong xử trí nhồi máu não cấp, đặc biệt hữu ích trong trường hợp các mạch máu não lớn bị lấp tắc. Việc nhận biết triệu chứng chính xác, vận chuyển người bệnh kịp thời tới bệnh viện có khả năng điều trị tái thông mạch máu não trong cửa sổ điều trị là yếu tố sống còn quyết định kết cục của người bệnh.

Kỹ thuật được thực hiện bằng cách luồn các dụng cụ can thiệp (stent có thể thu hồi, ống hút huyết khối) đi trong lòng mạch máu qua một lỗ chọc nhỏ ở động mạch đùi, tới vị trí tắc mạch và lấy huyết khối. Ngoài ra, ở một số trường hợp như hẹp mạch mạn tính hay khó khăn trong tiếp cận vị trí tắc mạch, các kỹ thuật điều trị hỗ trợ như nong bóng, đặt stent vĩnh viễn, tiêu huyết khối đường động mạch có thể được sử dụng để cải thiện tỷ lệ và mức độ tái thông.

Hình 1: Các phương pháp tái thông mạch máu bằng dụng cụ cơ học

Nút túi phình mạch máu não và đặt stent đổi hướng dòng chảy

Túi phình mạch máu não là nguyên nhân chính của chảy máu dưới nhện, dạng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng, cần được phát hiện và xử trí kịp thời. Túi phình mạch máu não có thể được điều trị bằng các kỹ thuật can thiệp nội mạch (nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại (coil), đặt stent đổi hướng dòng chảy) hoặc phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình.

Kỹ thuật nút túi phình mạch máu não được thực hiện bằng cách luồn ống thông đi trong lòng mạch máu qua một lỗ chọc nhỏ ở động mạch đùi, tới vị trí có túi phình; sau đó, dưới sự hướng dẫn của máy DSA, các vòng xoắn kim loại được thả vào và lấp đầy túi phình, ngăn không cho máu tiếp tục chảy vào túi phình và khoang dưới nhện. Trong một số trường hợp, dụng cụ dạng lưới kim loại (stent) có thể được sử dụng để đổi hướng dòng chảy mạch máu với cùng mục đích không cho máu tiếp tục chảy vào túi phình.

Nếu túi phình đã vỡ và gây chảy máu dưới nhện, một trong các phương pháp điều trị nêu trên sẽ được thực hiện nếu tình trạng lâm sàng của người bệnh cho phép. Với túi phình mạch máu não chưa vỡ, quyết định điều trị phụ thuộc vào kích thước, đặc điểm túi phình; trong trường hợp chưa có chỉ định điều trị, người bệnh nên được theo dõi bằng chẩn đoán hình ảnh định kỳ.

Hình 2: Các kỹ thuật điều trị túi phình mạch máu não (từ trái sang: nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại, kẹp clip cổ túi phình, đặt stent đổi hướng dòng chảy)

Nút dị dạng mạch máu não

Dị dạng thông động – tĩnh mạch não (AVM) là một đám rối hình thành do sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch, có nguy cơ vỡ và dẫn đến chảy máu trong não. Chỉ định điều trị tuỳ thuộc vào tình trạng vỡ hay chưa vỡ; vị trí, kích thước và cấu trúc mạch máu của khối dị dạng; tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm can thiệp nội mạch nút khối dị dạng, phẫu thuật, xạ trị,…

Với kỹ thuật can thiệp điều trị dị dạng thông động – tĩnh mạch não, ống thông sẽ được luồn vào qua một lỗ chọc nhỏ ở động mạch đùi, đi trong lòng mạch máu dưới sự hướng dẫn của máy DSA, tới vị trí các động mạch nuôi dưỡng cho khối dị dạng; sau đó qua ống thông, chất tắc mạch chuyên dụng được bơm vào để làm tắc ổ dị dạng.

Hình 3: Các kỹ thuật điều trị dị dạng thông động – tĩnh mạch não

MỘT SỐ KỸ THUẬT KHÁC

  • Một số kỹ thuật can thiệp nội mạch khác chúng tôi có thể thực hiện bao gồm:
  • Can thiệp nội mạch điều trị rò động mạch cảnh – xoang hang (CCF)
  • Can thiệp nội mạch điều trị rò động – tĩnh mạch màng cứng (DAVF)
  • Đặt stent động mạch cảnh, động mạch đốt sống điều trị hẹp động mạch
  • Nút mạch điều trị chảy máu mũi, chảy máu vùng hàm mặt khó cầm
  • Nút mạch tiền phẫu các khối u vùng hàm mặt

KẾT LUẬN

Các kỹ thuật can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị tân tiến, hiện đại trong lĩnh vực đột quỵ não, cho kết quả điều trị tốt và giảm thiểu mức độ xâm lấn so với các phương pháp phẫu thuật truyền thống. Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An – Hotline 096 862 3337 với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não, các bệnh lý thần kinh mạch máu và các bệnh lý liên quan khác.