Hàng năm, tại khoa Chống độc BVHNĐK Nghệ An tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử phức tạp tại vết cắn, phải phẫu thuật cắt lọc tổ chức hoại tử, mất một phần chức năng của chi. Nhìn chung các biện pháp sơ cứu tại chỗ của người dân đa số không đúng, gây nhiễm trùng vết thương, thiếu máu tổ chức làm nặng thêm tổn thương.
1. Các loại rắn hổ mang
– Rắn hổ mang cắn là loại rắn độc cắn thường gặp nhất ở Việt Nam
Rắn hổ mang miền Bắc ( Naja atra )
– Các loại rắn hổ mang thường gặp ở Việt Nam là rắn hổ mang miền Bắc (Naja atra) hay còn gọi là rắn hổ mang thường, rắn hổ mang Trung Quốc, đặc điểm nhận dạng: Ở mặt sau của vùng mang phình có hình hoa văn ở giữa với 2 vệt trắng (2 gọng kính) nối từ hoa văn sang hai bên và nối liền với phần máu trắng ở phía trước cổ, phân bố chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Rắn hổ mang miền Nam( Naja kouthia )
Rắn hổ mang miền Nam (Naja kouthia) hay còn gọi là rắn hổ mang đất, đặc điểm nhận dạng: Ở mặt sau của vùng mang phình có hình một mắt kính (monocle) dạng vòng tròn, phân bố chủ yếu ở Miền Nam, và được nuôi quy mô ở một số vùng tại miền Bắc. Ít gặp nhất là rắn hổ mèo ( Naja siamensis )
– Nọc của rắn hổ mang chứa thành phần chính là các độc tố có bản chất là các enzyme, polypeptide gây tổn thương tổ chức, gây sưng nề và hoại tử, độc với thần kinh (độc tố thần kinh hậu synape, loại alpha) gây liệt cơ.
2. Lý do bị rắn cắn
– Rắn hổ mang là giống rắn độc có số lượng cá thể nhiều, sống cả ở tự nhiên, xen kẽ trong khu dân cư và được nuôi nhốt nên con người dễ có nguy cơ bịcắn.
– Lý do thường gặp nhất là chủ động bắt rắn. Các lý do dẫn tới tiếp xúc giữa rắn và người dẫn tới tai nạn rắn cắn là do rắn hay ẩn nấp ở các vị trí kín đáo như khe kẽ, hang, hốc, đống gạch,…ở khu dân cư hay cánh đồng, hoặc hay đi tìm thức ăn( cóc, nhái, các nơi có gia cầm,…)
3. Biểu hiện lâm sàng của rắn cắn
– Vết răng độc có thể rõ ràng, dạng một vết hoặc hai vết hoặc một dãy sắp xếp phức tạp nhiều các vếtrăng.
– Thường có tổn thương trực tiếp ở vị trí cắn, vùng vết cắn đau, đỏ da,
sưng nề, hoại tử, bọng nước có thể xuất hiện và tiến triển nặng dần.
– Vết cắn rất đau, sau vài giờ đến một ngày, vùng da xung quanh vết cắn thâm lại, thường có màu tím đen và hiện tượng môc hết (hoại tử) xuất hiện.Hoại tử có thể lan rộng trong vài ngày và hình thành đường viền quanh vết cắn.
– Có thể có sưng và đau hạch trên hệ bạch huyết vùng bị cắn, ví dụ hạch nách, bẹn khoeo,khuỷu.
– Tốc độ tiến triển của sưng nề, hoại tử và bọng nước thường là dấu hiệu chỉ dẫn mức độ nhiễm nọc độc.
– Sưng nề và tổn thương tổ chức có thể nặng và gây hội chứng khoang, chèn ép ngọn chi và nguy cơ gây tổn thương thiếu máu. Biểu hiện vùng chi sưng nề căng, ngọn chi lạnh, nhịp mạch yếu hoặc không thấy.
– Thần kinh: có thể có liệt cơ, rắn hổ đất dường như thường gây liệt cơ hơn rắn hổ mang miền Bắc. Liệt thường xuất hiện sau cắn từ 3 giờ trở lên và có thể tới 20 giờ. Biểu hiện thường theo thứ tự sụp mi, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi, liệt cơ hô hấp và liệt các chi. Liệt cơ thường dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Liệt đáp ứng tốt với huyết thanh kháng nọc rắn và khi không có huyết thanh kháng nọc rắn thì liệt hồi phục trong vòng vài ngày.
– Hô hấp: có thể có suy hô hấp do liệt cơ, co thắt phế quản hay phù nề thanh quản do dị ứng với nọc rắn, một số trường hợp sưng nề lan tới vùng cổ nguy cơ chèn ép đường hô hấp trên (nhiễm độc nặng hoặc vết cắn vùng ngực, đầu mặt cổ).
– Tim mạch: có thể có tụt huyết áp do phản vệ với nọc rắn, do sốc nhiễm khuẩn.
– Tiêu hóa: có thể buồn nôn và nôn, đau bụng và ỉa chảy.
– Tiết niệu: tiểu tiện ít, nước tiểu sẫm màu hoặc đỏ do tiêu cơ vân, suy thận cấp.
4. Sơ cứu
4.1. Sơ cứu:
– Tránh sử dụng các biện pháp như garô, trích rạch, rặn máu, đắp các loại lá cây, bột, thuốc không rõ nguồn gốc vì sẽ làm nặng thêm tổn thương
– Vì nọc rắn chủ yếu hấp thu qua đường bạch huyết nên biện pháp đúng là bất động chi bị cắn và băng ép tại chỗ. Sau đó chuyển sớm nhất có thể đến các cơ sở có chuyên khoa chống độc, có điều trị huyết thanh kháng nọc rắn. Khi đi nên mang theo rắn ( nếu có ) để các bác sỹ nhận dạng.
4.2. Kỹ thuật sơ cứu:
– Vết cắn ở chân, tay, thực hiện theo các bước sau (theo thứ tự từ trên xuống dưới)
+ Đặt băng ở vùng quanh ngón tay, chân. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (vẫn còn sờ thấy mạch đập, đủ để luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng một cách khó khăn).
+ Bắt đầu băng từ ngón tay hoặc chân tới bẹn hoặc nách (để hở móng tay, chân).
+ Dùng nẹp cứng (miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) để cố định chân, tay.
– Vết cắn ở bàn, ngón tay, cẳng tay
+ Băng ép bàn, ngón tay, cẳng tay.
+ Dùng nẹp cố định cẳng bàn tay.
+ Dùng khăn hoặc dây treo lên cổ người bệnh.
– Vết cắn ở thân mình, đầu, mặt cổ
Dùng gạc, vải hoặc giấy gấp tạo thành miếng có kích thước khoảng 5cm2 , dày 2-3cm đặt trực tiếp lên vết cắn và ấn giữ liên tục lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực hay hít thở của người bệnh.
5. Điều trị:
– Ổn định chức năng sống
– Kháng sinh
– Điều trị đặc hiệu: Dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Việc dùng huyết thanh kháng nọc rắn sớm nhất có thể, lý tưởng là dưới 12h sẽ trung hoà được độc tính của nọc rắn, làm bệnh nhân cải thiện triệu chứng liệt nếu có, giảm đau, giảm sưng nề và đặc biệt là giảm độ lan rộng của hoại tử để tránh tổn thương chức năng của chi sau này. Hiện tại khoa chống độc bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất để điều trị cho các bệnh nhân bị rắn hổ mang miền Bắc và rắn hổ mang miền Nam cắn
– Các bệnh nhân sau khi được dùng huyết thanh kháng nọc rắn đủ liều lượng sẽ được chuyển về chuyên khoa bỏng để xử trí tổn thương hoại tử
6. Phòng tránh rắn cắn
Phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người chủ động bắt rắn hoặc trêu rắn (vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ). Các biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn:
– Biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Biết về thời gian trong năm,trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất, ví dụ mùa hè, mưa, trời tối.
– Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
– Đi ủng, dày cao cổ và quần dài khi đi trong đêm tối, đi khu vực nhiều cây cỏ. Dùng đèn khi đi ban đêm.
– Càng tránh xa rắn thì càng tốt: không biểu diễn rắn, không cầm, không đe doạ rắn. Không bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.
– Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.
– Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.
– Không cầm, trêu rắn đã chết hoặc giống như đã chết.
– Thận trọng khi ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, tổ mối, chuồng gà, ổ gà, nơi nuôi các động vật của gia đình.
– Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tuờng xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt).
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN