Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tê tay chân có nguy hiểm không – Lợi ích của kỹ thuật đo điện cơ trong chẩn đoán căn nguyên.

Tê tay chân có nguy hiểm không – Lợi ích của kỹ thuật đo điện cơ trong chẩn đoán căn nguyên.

Tê bì chân tay là biểu hiện cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn, có thể đe dọa đến sức khỏe của người bệnh. Đó là triệu chứng phổ biến của các bệnh về thần kinh, thường gặp ở nhiều đối tượng, từ người già đến người trẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Thời gian đầu, bệnh không có nhiều biểu hiện đáng chú ý, dễ khiến nhiều người chủ quan và bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất. Vậy, tê tay chân là bệnh gì? Chúng ta cần làm gì để nhận biết và điều trị bệnh ngay từ sớm?

Ca bệnh số 1: Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, nghề nghiệp nội trợ, bị bệnh hơn 1 tháng nay, bệnh nhân có cảm giác tê bì, đau buốt ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa bàn tay 2 bên, thường xảy ra vào ban đêm hay lúc đi xe máy. Gần đây bệnh nhân thấy bàn tay cầm nắm yếu, khó khăn trong việc thực hiện các động tác  hàng ngày. Bệnh nhân đến khám tại khoa Thần kinh, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, được chỉ định đo dẫn truyền thần kinh chi trên (kỹ thuật ghi điện cơ), chẩn đoán xác định bị hội chứng ống cổ tay. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hoàn toàn, nếu muộn dây thần kinh giữa sẽ bị tổn thương không hồi phục, để lại di chứng gây tàn phế cho người bệnh.

Ca bệnh số 2: Bệnh nhân nam, 66 tuổi tiền sử ĐTĐ typs 2, THA 6 năm nay, điều trị không thường xuyên. 3 tháng nay bệnh nhân có biểu hiện tê tay chân, cảm giác châm chích, kiến bò, đau bàn chân, mất cảm giác bàn chân, đi rớt dép không biết. Bệnh nhân được đo dẫn truyền thần kinh chi trên, chi dưới (kỹ thuật ghi điện cơ) cho thấy giảm tốc độ và biên độ dẫn truyền thần kinh ở nhiều dây thần kinh chi trên, chi dưới. Bệnh nhân được chẩn đoán Viêm đa dây thần kinh do biến chứng thần kinh trong bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt.

  1. Triệu chứng tê bì tay chân biểu hiện thế nào?

Tê bì tay chân là tình trạng mất cảm giác một phần hoặc toàn phần ở chân hoặc tay, do dây thần kinh gặp vấn đề khi truyền thông tin đến não. Người hay bị tê chân tay thường có những biểu hiện như:

  • Tê tay chân, cảm giác như kim đâm hoặc kiến bò.
  • Tê ngứa ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa giống như hội chứng ống cổ tay.
  • Tê ngón út và áp út giống như tổn thương thần kinh trụ, kèm theo đau cứng khớp bàn tay.
  • Tình trạng tê bì kéo dài khiến tay, chân mất đi cảm giác, thường gặp khi về đêm.
  • Tê bì chân tay kèm theo đau mỏi cổ, vai, gáy lan xuống nửa người.
  • Có cảm giác nóng ran, tê ngứa châm chích và nóng bỏng ở tứ chi giống như bệnh lý viêm đa dây thần kinh trong tiểu đường, hoặc bệnh lý tổn thương đa rễ thần kinh.
  • Tê bì chân tay có thể lan đến hết cánh tay, cổ chân, cẳng chân và hạn chế vận động.
  • Tay chân bị chuột rút, co thắt cơ đột ngột, dẫn đến đau nhức âm ỉ ở bắp tay hoặc bắp chân.
  • Triệu chứng tê bì chân tay kiểu trung ương, kèm theo thay đổi cảm giác, phản xạ và có tổn thương thần kinh sọ.
  1. Nguyên nhân gây tê bì tay chân là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê bì chân tay, có thể do sinh lý hoặc do bệnh lý.

  • Nguyên nhân sinh lý: chủ yếu là do người bệnh hoạt động sai tư thế, mặc đồ quá bó, khoanh chân hoặc đứng quá lâu có thể dẫn đến tê ở tay, chân. Bên cạnh đó, căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài hay một số người nhạy cảm, khó thích ứng khi có sự thay đổi đột ngột của môi trường cũng có thể gây tê tay, tê chân.
  • Nguyên nhân bệnh lý: Tê bì chân tay có thể là biểu hiện của một số bệnh lý, thậm chí là những bệnh nguy hiểm như:
  • Bệnh thoái hóa đốt sống: Khi bị thoái hóa đốt sống, dây thần kinh, động mạch đốt sống cổ bị chèn ép, gây cản trở đến sự lưu thông máu và dẫn đến nhiều triệu chứng trong đó có tê bì chân tay. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm sẽ ngày càng nặng và thường xuyên xảy ra. Thậm chí, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng như teo chân tay, liệt tay chân.
  • Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường, tràn ra khỏi bao xơ đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh cột sống dẫn đến tình trạng tê bì tay chân và một vài triệu chứng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến vận động của người bệnh.
  • Bệnh tim mạch: Tê bì chân tay có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch. Khi tim hoạt động kém sẽ dẫn đến máu không lưu thông tốt và gây tê bì tay chân.
  • Thoái hóa khớp: Khớp tay, khớp háng, khớp đầu gối bị tổn thương, bào mòn có thể dẫn đến tê tay, tê chân và gây hạn chế vận động.
  • Đa xơ cứng: Đây là bệnh rối loạn tự miễn, có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh Trung ương và có thể dẫn đến tình trạng tê bì tay chân.
  • Viêm đa khớp dạng thấp: Khớp tay, khớp chân bị viêm nhiễm sẽ gây tê bì tay chân, nhất là khi người bệnh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một vị trí.
  • Hẹp ống sống: Đây là bệnh bẩm sinh do cột sống bị biến dạng. Cột sống thu nhỏ khiến các rễ thần kinh bị chèn ép và gây tê bì tay chân.
  • Xơ vữa động mạch: Bệnh lý này gây hẹp lòng mạch và chèn ép những dây thần kinh chạy qua nên dẫn đến hiện tượng tê bì tay chân.
  • Viêm đa rễ thần kinh: Bệnh lý này xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương, dẫn đến rối loạn cảm giác, tê bì tay chân và hạn chế vận động.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, tê bì tay chân có thể là hậu quả của tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống lao (rimifon), thuốc chống trầm cảm (amitriptyline)…

  1. Đo điện cơ để làm gì?

– Ghi điện cơ (electromyography) và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh (nerve conduction studies) là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong thăm khám, chẩn đoán bệnh.

– Khi đo điện cơ, các bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị rất nhỏ gọn là các điện cực để dẫn truyền và phát hiện các tín hiệu điện này. Đồng thời, các điện cực bằng kim châm sẽ châm trực tiếp vào bắp cơ để ghi lại hoạt động của cơ đó.

– Đo tốc độ dẫn truyền dây thần kinh chính là một phần khác của điện cơ, nó sử dụng các điện cực để gắn lên da giúp đo tốc độ và khoảng cách của các tín hiệu dẫn truyền giữa hai hay nhiều điểm.

  1. Lợi ích của đo điện cơ

Giúp đánh giá chức năng của các dây, rễ thần kinh ngoại vi, khớp thần kinh – cơ và các cơ. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận lợi ích của đo điện cơ trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh ở các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện tê tay chân.

Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã triển khai kỹ thuật ghi điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh trong chẩn đoán các bất thường về thần kinh và cơ từ tháng 12/2017. Đây là một kỹ thuật rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh thần kinh – cơ.

Phương pháp hỗ trợ chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt bản chất tổn thương (tế bào thần kinh vận động, myelin, sợi trục hay tổn thương phối hợp), chẩn đoán định khu và tiên lượng bệnh.

Phương pháp này được thực hiện bởi đội ngũ y bác sỹ được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, tiên tiến cùng chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp, từ đó giúp các nhà lâm sàng hướng đến nguyên nhân của bệnh và điều trị có hiệu quả nhất.

👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082
⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6
🖥Website: https://bvnghean.vn.