Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa bệnh Parkinson

Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp thứ hai sau Alzheimer ở người lớn tuổi. Tỉ lệ hiện mắc bệnh Parkinson trên toàn cầu khoảng 0,3% dân số từ 40 tuổi trở lên, là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật thần kinh. Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh Parkinson chiếm khoảng 1% trên tổng dân số. Vậy chính xác thì Parkinson là bệnh gì, ai có nguy cơ mắc bệnh, triệu chứng Parkinson là gì và có cách để ngăn ngừa, điều trị?

1. Parkinson là bệnh gì?

Bệnh Parkinson là một bệnh lý thần kinh biểu hiện bởi sự rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây thiếu hụt dopamine. Những người mắc bệnh Parkinson không có đủ chất hóa học dopamine trong não do một số tế bào thần kinh tạo ra dopamine đã chết.

Bệnh gây ra các rối loạn vận động và ngoài vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ và gặp các vấn đề trong đời sống sinh hoạt, tinh thần và gây giảm chất lượng cuộc sống. Tỉ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi và nhiều nhất là ở độ tuổi 65. Có rất nhiều người dưới 50 tuổi cũng mắc bệnh.

2. Triệu chứng bệnh Parkinson

Triệu chứng Parkinson như thế nào và làm sao để nhận biết một người có dấu hiệu Parkinson là điều được nhiều người quan tâm. Theo đó, bệnh Parkinson có thể gây ra các triệu chứng như:

– Các triệu chứng vận động: bốn triệu chứng vận động chính là: giảm vận động, run khi nghỉ, cứng cơ kiểu ngoại tháp, mất ổn định tư thế và dáng đi. Biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn vận động muộn hơn nhiều so với sự thoái hóa và sự biến đổi các con đường sinh hóa xảy ra trong não. Các triệu chứng này là nguyên nhân chính gây ra sự tàn phế cho bệnh nhân.

– Các triệu chứng ngoài vận động: xuất hiện sớm trong giai đoạn tiền vận động bao gồm các triệu chứng giảm ngửi, táo bón, rối loạn hành vi giấc ngủ REM, các biểu hiện lo âu, trầm cảm là các rối loạn tâm thần thường gặp. Ở giai đoạn muộn bệnh nhân có thể có các triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, loạn thần ảo giác và nhiều triệu chứng khác. Tần suất và mức độ các triệu chứng tăng dần theo tiến triển nặng lên của bệnh. Các triệu chứng ngoài vận động góp phần không nhỏ khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân Parkinson tệ hơn.

Các triệu chứng Parkinson thường phát triển chậm trong nhiều năm, thường bắt đầu từ một bên cơ thể sau đó theo thời gian lan dần đến bên còn lại.

Gia đình và người thân có thể là người phát hiện các triệu chứng bệnh của bệnh nhân khi quan sát các triệu chứng mặt đơ cứng ít biểu lộ cảm xúc, dáng đi chúi người ra trước, bước chân nhỏ ngắn, ít vung vẩy tay, khó khăn trong việc xoay trở…

3. Nguyên nhân bệnh Parkinson

Bệnh nhân bị bệnh Parkinson có đặc điểm giải phẫu điển hình là mất tế bào và mất sắc tố chủ yếu ở vùng chứa tế bào sản sinh dopamine. Cho đến nay vẫn chưa có khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, tuy nhiên có một vài giả thuyết liên quan đến cơ chế viêm và miễn dịch gây chết tế bào, giả thuyết độc chất từ môi trường, hay nguyên nhân di truyền liên quan đột biến gen.

4. Các giai đoạn của bệnh Parkinson

Dựa trên thang điểm đánh giá hội chứng Parkinson theo Hoehn và Yahr, bệnh Parkinson được chia làm 5 giai đoạn tiến triển chính:

– Giai đoạn 1: Biểu hiện bệnh một bên cơ thể

Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh chưa biểu hiện rõ rệt, người bệnh run nhẹ một bên cơ thể, thỉnh thoảng bị co cứng cơ. Bệnh chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh nên nhiều người không biết mình đang mắc bệnh hoặc chủ quan, không đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán.

– Giai đoạn 2: Biểu hiện bệnh cả hai bên, nhưng chưa có rối loạn thăng bằng

Giai đoạn này các biểu hiện bệnh rõ ràng hơn, ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và tinh thần nhưng chưa biểu hiện té ngã. Tùy thuộc vào từng người bệnh mà thời gian tiến triển bệnh từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

– Giai đoạn 3: Biểu hiện bệnh cả hai bên, từ nhẹ đến vừa, có một vài rối loạn về tư thế dáng bộ, sinh hoạt vẫn bình thường.

Trong giai đoạn 3 của bệnh Parkinson thì người bệnh bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày do run nhiều, vận động chậm chạp và có thể té ngã. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì các triệu chứng bệnh Parkinson giai đoạn 3 vẫn được cải thiện và giảm thiểu đáng kể.

– Giai đoạn 4: Bị tàn tật, tuy nhiên vẫn có thể đi lại được hay đứng dậy không cần sự giúp đỡ.

Giai đoạn này chất lượng cuộc sống bệnh nhân giảm rõ, vận động vô cùng chậm chạp, đi lại khó khăn, quãng đường đi được ngắn và rất cần hỗ trợ, chăm sóc từ những người thân xung quanh.

– Giai đoạn 5: Phải sử dụng xe lăn hoặc nằm liệt giường nếu không có người giúp đỡ.

Giai đoạn 5 là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh. Hầu hết các trường hợp người bệnh Parkinson ở giai đoạn 5 đều nằm liệt giường hoặc cần đến xe lăn, phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Lúc này, các loại thuốc điều trị cũng ít còn tác dụng.

5. Đối tượng nào nguy cơ bị bệnh Parkinson?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các nghiên cứu và thống kê dựa trên nhóm người mắc bệnh cho thấy, hầu hết người bệnh đều trên 60 tuổi và phần lớn là nam giới.

Tỷ lệ người mắc bệnh Parkinson dưới 50 tuổi là 1/10, tức cứ 10 người bệnh thì mới có 1 người dưới 50 tuổi.

6. Biến chứng của bệnh Parkinson

Các biến chứng của bệnh Parkinson thường xảy ra ở những bệnh nhân không điều trị bệnh sớm, bệnh bước vào giai đoạn trễ. Trong đó, những biến chứng phổ biến nhất bao gồm:

– Sa sút trí tuệ, lú lẫn, kém minh mẫn, không thể nhớ được những người thân xung quanh hay các sự việc đã – đang diễn ra.

– Nguy cơ té ngã cao, dẫn đến các chấn thương như gãy xương, đứt dây chằng, chấn thương sọ não,…

– Sụt cân, suy kiệt.

– Viêm phổi, khó thở.

– Nhiễm trùng đường tiểu, gây nên tình trạng nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong.

– Bên cạnh các biến chứng kể trên, người mắc bệnh Parkinson cũng có thể gặp các biến chứng khi sử dụng thuốc điều trị levodopa, chẳng hạn như dao động vận động, loạn động. Hầu hết người bệnh đều gặp tác dụng phụ của thuốc này do levodopa là một loại thuốc điều trị đặc trưng và phổ biến đối với bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.

7. Cách điều trị bệnh Parkinson

Việc điều trị bệnh Parkinson làm chậm quá trình tiến triển nặng lên của bệnh, nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Các biện pháp thường được áp dụng để điều trị, ngăn ngừa bệnh trở nặng gồm có:

– Điều trị bằng thuốc: Hiện nay ở thị trường Việt Nam có nhiều nhóm thuốc để lựa chọn điều trị triệu chứng bệnh Parkinson bao gồm: L-dopa, đồng vận dopamine, kháng cholinergic, thuốc ức chế COMT… Việc lựa chọn thuốc điều trị sẽ do bác sĩ lựa chọn cân nhắc lợi ích và nguy cơ sử dụng thuốc đó trên người bệnh.

– Điều trị phẫu thuật: Trường hợp sử dụng thuốc không thể cải thiện các dấu hiệu bệnh Parkinson, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân mắc chứng Parkinson bao gồm phẫu thuật định vị, phẫu thuật kích thích điện vùng liềm đen – thể vận và ghép mô thần kinh.

– Phục hồi chức năng: Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các biện pháp phục hồi chức năng  là quan trọng để cải thiện tình trạng bệnh như phương pháp trị liệu ngôn ngữ có thể cải thiện tình trạng rối loạn về nói và nuốt, tập vật lý trị liệu giảm rối loạn thăng bằng cũng như tăng khả năng vận động…

Bệnh nhân Parkinson cần được lập sổ khám định kỳ để theo dõi triệu chứng, điều chỉnh liều thuốc và cấp phát thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Tại BV HNĐK Nghệ An bệnh nhân được quản lý điều trị tại Phòng khám Thần kinh-Khoa Khám bệnh.

8. Cách phòng ngừa bệnh Parkinson

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh Parkinson do chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường sức khỏe não bộ và sớm tầm soát các bất thường thần kinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Một số biện pháp có thể áp dụng như:

– Bổ sung các loại thực phẩm, đặc biệt là hoa quả giàu flavonoid như các loại quả mọng, táo, nho,…. và trong các loại rau lá xanh như xà lách, cải xoăn kale, rau bina…

– Thường xuyên tắm nắng để bổ sung vitamin D.

– Uống trà xanh hay cà phê giúp bổ sung caffeine hóa giúp ngăn độc tố xâm nhập và giết chết tế bào thần kinh.

– Thường xuyên vận động, tập thể dục.

– Hạn chế tiếp xúc với môi trường có hại, các hóa chất như thuốc trừ sâu.

– Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Parkinson, người bệnh nên thực hiện thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.

Hiện nay, ở  bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong những địa chỉ đáng tin cậy hàng đầu trong thăm khám, điều trị các bệnh thần kinh nói chung và bệnh Parkinson nói riêng.