Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Theo dõi và quản lý Hen phế quản thai kỳ

Theo dõi và quản lý Hen phế quản thai kỳ

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

1. Hen phế quản và thai kỳ 

– Hen và thai kỳ có thể tác động qua lại lẫn nhau qua nhiều cơ chế sinh bệnh học khác nhau. Khi mang thai, 1/3 trường hợp hen sẽ nặng hơn, 1/3 trường hợp hen nhẹ hơn và 1/3 trường hợp hen sẽ không thay đổi so với trước khi có thai. Hen phế quản sẽ tác động xấu đến sức khoẻ cả mẹ lẫn con nếu như không được kiểm soát tốt. Các nguy cơ ở mẹ như tiền sản giật, xuất huyết âm đạo bất thường hay làm tăng tình trạng nôn nghén. Các nguy cơ đối với thai nhi gồm chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ ký hoặc tăng tử vong chu sinh.

–  Cơn hen phế quản cấp thường xảy ra ở tuần 17-36 của thai kỳ. Nguyên nhân thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp hoặc do thai phụ tự ý ngưng thuốc hen vì sợ ảnh hưởng đến con.

– Chẩn đoán hen ở thai phụ đơn giản nhất là hô hấp ký với test giãn phế quản. Test này thực hiện được ở mọi thai phụ trừ những người bị hở cổ tử cung. Không nên thực hiện test kích thích phế quản ở thai phụ

2. Thuốc điều trị hen phế quản trong thai kỳ

– Thuốc điều trị hen phế quản đa số là an toàn trong thai kỳ, lợi ích của việc kiểm soát hen tốt bằng thuốc cao hơn nhiều so với tác dụng phụ do thuốc đem lại cho cả mẹ và con (Chứng cứ A)

– Corticosteroid đường hít (Inhaled Corticosteroid – ICS), đồng vận beta 2, montelukast đã được chứng minh đều không làm tăng dị tật cho thai nhi.

– ICS là thuốc điều trị chính trong thai kỳ, nhiều nghiên cứu cho thấy ICS làm giảm nguy cơ các đợt cấp hen phế quản trong thai kỳ (chứng cứ A) và ngưng ICS sẽ là yếu tố nguy cơ quan trọng gây cơn hen phế quản cấp (chứng cứ A). Không được ngưng ICS để chuẩn bị có thai và trong suốt thai kỳ. Trong những trường hợp cần thiết, corticoid uống vẫn có thể kê toa cho thai phụ khi có chỉ định lâm sàng.

– Điều trị hen trên phụ nữ có thai cũng dựa trên bậc điều trị cần thiết để kiểm soát hen như những bệnh nhân khác. Không nên hạ bậc điều trị ở thai phụ, có thể cân nhắc giảm bậc sau khi sinh (Chứng cứ D)

– Khi lên cơn hen phế quản cấp, để tránh tình trạng thiếu oxy cho thai nhi, cần phải điều trị thật tích cực với đồng vận beta 2 tác dụng ngắn (short acting beta 2 agonist – SABA). Trong lúc sinh, vẫn phải sử dụng thuốc kiểm soát hen như thường ngày và thuốc cắt cơn nếu cần

3. Theo dõi và quản lý

– Thai phụ bị hen phế quản nên được theo dõi và tái khám đánh giá kiểm soát hen định kỳ mỗi 4 – 6 tuần. Cần có sự hợp tác giữa bác sĩ chữa hen và bác sĩ chăm sóc thai để đảm bảo hen phế quản được quản lý tốt nhất.  Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ hen cấp sau sinh ở người sinh mổ cao hơn so với sinh thường. Một số tác giả còn nhận thấy rằng tỷ lệ hen của những đứa trẻ sinh ra từ phụ nữ bị hen sẽ thấp hơn nếu đứa trẻ được sinh thường so với sinh mổ. Do đó, việc sanh thường nên được khuyến khích.

– Bú sữa mẹ làm giảm  nguy cơ hen phế quản ở trẻ, đặc biệt là ở những trẻ có gia đình có tiền căn bị dị ứng. Sau khi sinh phụ nữ vẫn có thể cho con bú trong khi vẫn tiếp tục dùng thuốc. Các thuốc hen có thể đi vào sữa mẹ, nhưng với nồng độ nhỏ nên hầu như không gây hại cho đứa trẻ. Nếu mẹ sử dụng đồng vận beta 2 liều cao trong lúc chuyển dạ, phải theo dõi đường huyết cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu vì nguy cơ hạ đường huyết do SABA, đặc biệt ở trẻ sinh non.

Thai phụ bị hen phế quản cần được tư vấn, quản lý và điều trị bệnh đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất cho mẹ và con. Khoa Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong những địa chỉ uy tín có kinh nghiệm chuyên sâu trong điều trị, quản lý bệnh lý hen phế quản nói chung và hen phế quản trên phụ nữ có thai nói riêng.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6