Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Cao hổ cốt là gì,  có nên sử dụng?

Cao hổ cốt là gì,  có nên sử dụng?

Cao hổ cốt là cao được nấu cô đặc từ xương của Hổ.

1. Thu bắt – bào chế dược liệu:

  • Khi nấu cao Hổ cần dùng toàn bộ xương con Hổ, không được thiếu một mảnh xương nào, cũng không được pha lẫn bất cứ loại xương nào khác. Do đó, nấu cao Hổ thường là những người tinh thạo, biết xem và chọn lọc xương.
  • Xương Hổ chết trong rừng thường có màu trắng nhợt, nếu ngâm nước lâu thì bị ải. Hổ săn bắn được thì xương dính liền nhau, màu trắng ngà, để lâu sẽ ngả sang màu vàng. Xương Hổ cùng nấu cao tốt nhất nên nặng khoảng 10 – 15 kg. Nếu có đủ 5 bộ xương để nấu cùng một lúc là tốt nhất. Nếu không có thể sử dụng một bộ xương trên 10 kg.
  • Thông thường, 1 kg xương Hổ sau khi nấu thành cao có thể cô đặc được khoảng 230 g cao mềm.

2. Cao hổ được bào chế qua 3 giai đoạn: làm sạch, tẩm sao và cô đặc.

  • Làm sạch: người ta có thể sử dụng nhiều cách khác nhau, mục đích là loại bỏ hết thịt, gân và tủy. Xương hổ dù để nấu cao cũng phải làm rất sạch, bỏ hết thịt, gân và tủy. Nếu không làm sạch sẽ hỏng cao, nấu xong dễ sinh dòi, thậm chí còn gây độc cho người dùng. Sử dụng xương sống còn tươi hoặc còn tủy rất nguy hiểm, có thể làm hại đến thận, gan.
  • Tẩm sao: ở giai đoạn thứ hai, là tẩm sao, dùng trấu, cát chà xương cho sạch bóng, rửa kỹ rồi đem phơi hoặc sấy khô. Cắt xương thành những khúc ngắn như khẩu mía dài chừng 5 – 6 cm, chẻ làm 2 – 3 mảnh, xương nhỏ thì đập giập rồi đem luộc với giấm. Tiếp đó, rửa thật sạch và đem phơi hoặc sấy khô. Khi đó xương mới được đem tẩm sao và có nhiều kiểu tẩm sao tùy theo từng địa phương. Có nơi tẩy bằng nước rau cải, bằng nước lá trầu không, sao bằng mỡ dê, ngâm với nước sắc khương hoàng và hùng hoàng, ngâm với giấm rồi cho vào sao cát, cuối cùng sao lại bằng mỡ dê.
  • Cô đặc: Theo đúng quy chuẩn, nấu Cao hổ cốt cần có 5 bộ xương hổ. Cứ một một bộ xương đã sơ chế sẽ nấu được khoảng hơn 200 g cao.
  • Bình nước canh cô đặc cao gồm 5 lớp bao gồm: Trấu mới, than xương, một loại dược liệu có khả năng khử tủy xương, cát thô và sỏi thô. Khi cô cao, chỉ đổ cao khi cao chuyển sang giai đoạn bọt cao nhỏ, nếu không cao sẽ bị nhão do đặc tính hút ẩm rất mạnh.
  • Trong hầu hết các trường hợp, Cao hổ cốt không thể cô đặc nguyên chất, bởi vì không thể đúc khuôn được. Do đó trong nhiều trường hợp, người ra sẽ pha thêm xương Sơn dương với tỷ lệ 5 xương Hổ, 1 xương Sơn dương.
  • Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà người nấu cao có thể bổ sung thêm thành phần tùy ý. Ví dụ nếu chế cao Hổ để điều trị các bệnh gân cốt, có thể gia thêm một cân Mộc qua, 1 kg Thiên niên kiện dưới dạng dược liệu thô. Nếu nhằm tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, người ta thường thêm yếm mai Rùa, gạc Hươu, Nai.

3. Bảo quản: cao hổ cốt được đựng trong lọ kín, gói giấy bóng, đặt ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh côn trùng và độ ẩm quá cao.

4. Thành phần hóa học: xương hổ (hổ cốt) có chứa collagen, mỡ, calci phosphate, calcium carbonat, magiesium phosphat, trong đó collagen là hoạt chất chính, gelatin của hổ cốt chứa 17 amino acid, lượng amino acid trong xương hổ cao gấp 900 các loại xương động vật khác và tỷ lệ đạm toàn phần rất cao.

5. Vị thuốc cao hổ cốt:

  • Tính vị, quy kinh: cao hổ cốt có vị mặn, tính ấm; quy vào 2 kinh can, thận.
  • Tác dụng dược lý: Theo y học cổ truyền, cao hổ cốt có tác dụng bổ dương, trục phong hàn, trấn thống (giảm đau), làm mạnh gân cốt, trừ thấp; thường được dùng để chữa các chứng tê thấp, đau nhức gân xương, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, thoái hóa xương khớp, suy nhược cơ thể…
  • Có thể nói, cao xương hổ có hai thế mạnh là: bổ dưỡng cơ thể và phòng chống các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm đa khớp dạng thấp, thoái khớp gối, hư xương sụn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, viêm cột sống dính khớp, viêm quanh khớp vai, viêm gân, gãy xương lâu liền, loãng xương…
  • Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào cũng như bằng chứng cho thấy các tác dụng của cao hổ cốt đối với sức khỏe con người.

6. Cách sử dụng: Cao hổ cốt thường được dùng để ngâm rượu, có thể hỗ trợ bảo quản dược liệu lâu và có thể dùng lâu dài. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu và yêu cầu của bài thuốc.

  • Ngoài ra, Cao hổ cốt có thể dùng thái miếng nhỏ, ngậm trong miệng đến khi tan. Liều lượng khuyến cáo là 6 – 12 g mỗi ngày, sử dụng trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả tốt nhất.

7. Kiêng kỵ: Cao hổ cốt tính nóng và có tác dụng trợ dương mạnh mẽ. Do đó, khi dùng Cao hổ cốt cần thận trọng và những người không nên dùng Cao hổ cốt bao gồm:

  • Người có thể chất hoặc có các bệnh thuộc âm hư hỏa vượng, biểu hiện: gầy, hay có cảm giác nóng trong hoặc sốt về chiều, hay có cơn bốc hỏa, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, hai gò má đỏ, môi khô miệng khát, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, không hoặc ít có rêu lưỡi…
  • Người bệnh cao huyết áp không dùng đến tránh làm tăng huyết áp và đột quỵ.
  • Người bệnh viêm gan, suy thận, bệnh tim, tiểu đường không nên dùng để tránh các biến chứng.

Cao hổ cốt rởm: Vì cao hổ cốt là một trong những chế phẩm đông dược quý hiếm và rất đắt tiền nên kẻ xấu thường tìm mọi phương cách chế ra cao hổ cốt “rởm” để trục lợi. Những thủ đoạn thường được dùng là:

  • Dùng các loại cao xương động vật khác như trâu, bò, lợn, gà… mạo danh là cao hổ cốt để bán với giá tương đương.
  • Dùng bột xương hoặc các loại cao thực vật trộn lẫn với cao hổ cốt để tạo ra những miếng cao có màu sắc hấp dẫn, mềm quánh và có tỷ trọng lớn hơn cao hổ thật.
  • Trộn một số thuốc Tây như thuốc chống viêm giảm đau mạnh, ma túy… vào cao xương hổ để tạo ra cảm giác “hiệu nghiệm” tức thì nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và khiến họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua.

Lưu ý: Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa có nghiên cứu cũng như bằng chứng cho thấy các tác dụng của Cao hổ cốt đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, việc săn bắt Hổ là trái phép và vi phạm pháp luật. Do đó, mọi hành vi săn bắt, mua bán (bao gồm các bộ phận như xương, nanh, da, vuốt hoặc cao Hổ) đều vi phạm pháp luật. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng cao Hổ cũng như các bộ phận từ Hổ để tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật.