Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viên Hữu nghị đa khoa Nghệ An
1. Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng bao gồm tê hoặc yếu đột ngột, đặc biệt là ở một bên của cơ thể; lú lẫn đột ngột hoặc khó nói hoặc khó hiểu lời nói; sự cố bất ngờ nhìn thấy ở một hoặc cả hai mắt; đột ngột ảnh hưởng khả năng đi lại, chóng mặt, hoặc mất thăng bằng hoặc phối hợp; hoặc đau đầu dữ dội đột ngột mà không biết nguyên nhân.
Một cách dễ dàng để nhớ các triệu chứng là F.A.S.T. (NHANH CHÓNG)
– F (Face – MẶT): Mặt sệ một bên, miệng méo sang một bên
– A (Arm – TAY): Yếu một tay chân một bên
– S (Speech – NÓI): Nói khó hoặc khó hiểu lời
– T (Time – THỜI GIAN): Gọi điện cho hệ thống cấp cứu đột quỵ và đưa ngay đến bệnh viện.
2. Các di chứng hậu đột quỵ não thường gặp
Việc cải thiện các biến chứng, di chứng hậu đột quỵ não phù thuộc vào thời gian, mức độ của bệnh, quá trình điều trị và phục hồi chức năng.
– Rối loạn vận động: yếu, liệt một phần chi hoặc nửa người, nửa mặt.
– Rối loạn nhận thức: mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng, giảm tư duy, trí tuệ sa sút.
– Rối loạn cơ tròn: đi tiểu hoặc đại tiện không tự chủ gây nhiễm trùng bàng quang do đặt sonde dẫn nước tiểu.
– Rối loạn về ngôn ngữ: nói lắp, nói ngọng, âm điệu bị biến đổi, không diễn đạt được bằng lời, thậm chí không nói được
– Rối loạn thị giác.
– Rối loạn cảm giác: thường xuyên cảm thấy đau, tê, hoặc nóng rát và ngứa ran. Thậm chí không cảm giác được một phần các chi.
Đi lại khó khăn do đột quỵ gây ra
– Cảm thấy mệt mỏi, mất thăng bằng, khó ngủ, mất ngủ, hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
– Khó nhai nuốt thức ăn do tình trạng liệt nửa mặt, có thể gây viêm phổi nếu thức ăn, đồ uống đi vào phổi.
– Loét, nhiễm trùng các vùng tỳ đè do nằm liệt lâu ngày.
– Thực hiện các hoạt động cá nhân hằng ngày khó khăn.
Nếu các di chứng trên không được cải thiện kịp thời, bệnh nhân dễ rơi vào trầm cảm do không tự chăm sóc được bản thân, phải phụ thuộc vào người khác, cảm thấy là gánh nặng cho người thân và gia đình.
3. Các biện pháp phục hồi chức năng, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần làm
Đối với người bị đột quỵ thì quá trình chăm sóc, phục hồi chức năng vô cùng quan trọng. Cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong môi trường vận động, hoạt động phong phú với mục tiêu là giúp người bệnh hậu đột quỵ thực hiện được các sinh hoạt thường ngày một cách độc lập nhất.
Việc phục hồi, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ sẽ dựa trên nguyên tắc:
– Phòng ngừa di chứng hô hấp
– Khuyến khích tập luyện các bài vật lý trị liệu
– Vận động sớm và duy trì tầm vận động
– Xử lý tình trạng yếu/liệt nửa người
– Xử lý tình trạng mất cảm giác các chi/ nửa người
– Tạo thuận chức năng chi trên và tăng cường lực cơ
– Cải thiện dáng đi và khả năng thăng bằng
– Khuyến khích tự xử lý các các sinh hoạt hàng ngày
– Phòng ngừa các biến chứng, đột quỵ lần hai
– Bệnh nhân tập phục hồi chức năng hậu đột quỵ
3.1. Phòng ngừa các biến chứng liên quan đến hệ hô hấp
– Thường xuyên lăn trở
– Tư thế trị liệu (hạn chế nằm ngửa hoàn toàn vì có thể ảnh hưởng không tốt đến lưu thông của không khí và nhai nuốt).
– Thường xuyên tập luyện thực hiện các bài tập thở sâu.
– Nếu đã ổn định nội khoa thì nên vận động di chuyển.
3.2. Đảm bảo tư thế trị liệu đúng
– Kiểm soát loạn trương lực cơ
– Tăng cường nhận biết về không gian xung quanh
– Lăn trở, thay đổi tư thế 2 giờ/lần để vùng tì đè không bị loét
3.3. Tăng cường vận động sớm càng tốt
Trong giai đoạn hậu đột quỵ, người bệnh dễ có nguy cơ bị các di chứng do bất động như: yếu cơ, các vấn đề về hô hấp, loét do tì đè, giảm tầm vận động khớp, co rút, giảm sức khỏe chung, các biến chứng huyết khối và loãng xương.
Vận động sớm cũng có thể giúp giảm trầm cảm và tiết kiệm phí chăm sóc.
Người bệnh có nguy cơ bị bệnh loãng xương cao
Phụ thuộc vào tình trạng sau điều trị, người bệnh có thể thực hiện các bài vận động:
– Xoay người, ngồi dậy, trở mình trên giường
– Chuyển từ tư thế nằm sang ngồi thõng chân ở mép giường
– Ngồi ở mép giường
– Đứng và đi nhẹ nhàng
3.4 Xử lý liệt nửa người giai đoạn đầu để hạn chế những cơn co thắt cơ bất thường
– Tập vận động và đặt tư thế đúng để bên bị liệt không bị yếu cơ, co rút, chấn thương và làm trương lực và cơ lực bên liệt trở lại bình thường.
– Dùng tay lành lặn để trợ giúp cho bên tay bị liệt.
– Tập luyện các bài tập chủ động hướng tới như vươn tay lấy cốc, chải đầu…
3.5 Xử lý mất cảm giác
Phục hồi cảm giác bên bị liệt. tránh cho bệnh nhân bị thương mà không có cảm giác.
– Thường xuyên xoa bóp ở bên bị liệt
– Tập luyện tiếp xúc với các loại cảm giác như: cho tiếp xúc với nhiều loại vật liệu, nhiệt độ và lực ép khác nhau.
3.6 Tạo thuận chức năng cho chi trên
Việc này nhằm khuyến khích sự độc lập và tạo động lực sự để giúp hồi phục vận động
– Cho người bệnh luyện tập các bài tập với tay yếu liệt, làm sao để sử dụng các chức năng càng nhiều càng tốt.
– Nên tập tư thế ngồi hoặc đứng,
– Kích thích điện thần kinh cơ: điều này chỉ có thực hiện bởi nhân viên y tế
– Tập luyện cho cánh tay và bàn tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ để hỗ trợ cho tập luyện thông thường.
– Tập luyện với robot cho vai và khuỷu tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ.
Tập luyện tạo thuận chức năng cho chi trên
3.7 Nẹp cổ tay và bàn tay
Phòng co rút vùng cổ, bàn và ngón tay với các trường hợp bị liệt cứng.
3.8 Tăng cường lực cho các cơ
– Tăng dần lực cho các cơ bằng cách tăng tần suất lặp lại đối với các hoạt động chịu sức nặng
– Tập cùng tạ.
– Đạp xe trên máy
– Tập mạnh cơ bên chân liệt hoặc cả hai chân giúp tăng sức mạnh cơ và sức cản khi vận động thụ động của người bệnh. Đồng thời cải thiện nhịp bước chân, sự đối xứng, và chiều dài bước chân.
3.9 Cải thiện dáng đi, thăng bằng và di chuyển
– Tập thăng bằng
– Hướng dẫn cho người bệnh dáng đi đúng
– Tập luyện cùng với trợ cụ như gậy chống, nẹp AFO nếu cần thiết
– Hướng dẫn người bệnh bước và lên xuống cầu thang, đi ở các bề mặt khác nhau.
– Tập luyện với máy đi bộ có nâng đỡ.
– Tập luyện dáng đi với sự trợ giúp của robot
Hy vọng qua bài viết trên, người thân trong gia đình người đột quỵ sẽ biết được cách và nguyên tắc khi phục hồi, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN