Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Bệnh Cúm A và cách phòng bệnh

Bệnh Cúm A và cách phòng bệnh

Nhiều người dân khi có triệu chứng của cúm A vẫn chủ quan cho rằng chỉ là bệnh cúm nên không đáng lo ngại. Khi có dấu hiệu trở nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế.Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám vì có các triệu chứng cúm. Sau khi được xét nghiệm, không ít người được chẩn đoán mắc cúm A.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A, chỉ sau ít ngày đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Có trường hợp tổn thương phổi trắng xóa trên phim chụp X-quang.

Với thực trạng nêu trên, nhưng nhiều người dân khi có triệu chứng của cúm A vẫn chủ quan cho rằng chỉ là bệnh cúm nên không đáng lo ngại. Khi bệnh có dấu hiệu trở nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế. Vậy để cách nào để biết cách phòng tránh cũng như điều trị để bệnh cúm A?!

Bệnh Cúm A:

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus Cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.

Việt Nam trong những tháng gần đây trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận bệnh nhân Cúm A tăng cao bất thường. với 2.605 trường hợp mắc cúm A, ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi (chiếm 39,7%). Đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày, thậm chí bị bội nhiễm phải lọc máu, thở máy.

I. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH CÚM A:

– Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi.

– Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. em, người già, người đang mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch thường dễ cảm nhiễm hơn những người khác.

II. TRIỆU CHỨNG CHÍNH CỦA BỆNH CÚM A

– Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

 III. CHẨN ĐOÁN BỆNH CÚM A

– Ca bệnh nghi ngờ:

+ Có yếu tố dịch tễ: Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm.

+ Lâm sàng có sốt (thường trên 38oC), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

+ Hình ảnh chụp X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.

+ Xét nghiệm công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.

– Ca bệnh xác định:

+ Có các tiêu chuẩn của ca bệnh nghi ngờ.

+ Xét nghiệm dương tính với vi rút cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy vi rút đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.

IV. ĐIỀU TRỊ BỆNH CÚM A: Nguyên tắc chung

– Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

– Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.

– Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

– Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.

V. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH CÚM A

1. Các biện pháp phòng bệnh chung

–  Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm

–  Tăng cường rửa tay

–  Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

–  Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

2. Phòng lây nhiễm từ người bệnh

– Cách ly người bệnh ở buồng riêng

– Người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị

– Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh

3. Phòng cho nhân viên y tế

– Rửa tay thường quy trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

– Phương tiện phòng hộ gồm khẩu trang, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng, mặt nạ che mặt…phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly, được sử dụng đúng cách và khi cần thiết. Sau khi dùng được xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

– Giám sát: Lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm. Những nhân viên này cần được theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày.

– Nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.

4. Tiêm phòng vắc xin cúm

– Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.

– Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:

+ Nhân viên y tế

+ Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi;

+ Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)

+ Người trên 65 tuổi

5. Dự phòng bằng thuốc

– Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.

Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.