Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Phòng ngừa bệnh uốn ván như thế nào ?

Phòng ngừa bệnh uốn ván như thế nào ?

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc uốn ván điều trị tại khoa tăng nhiều so với cùng kỳ mọi năm đặc biệt là các ca bệnh nặng phải điều trị thở máy lâu dài, tập trung chủ yếu ở các đối tượng người già, những người có bệnh lý nền hay hệ miễn dịch kém… nguồn lây chủ yếu từ vết thương đơn giản người bệnh thường chủ quan như dẫm đinh, trầy xước, gai đâm,…” Đó là nhận định của Thạc Sĩ – Bác sĩ Đặng Bá Toả điều trị tại khu Hồi sức – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An.

Uốn ván cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 10-20%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện co giật cứng toàn thân xảy ra sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn…). Khi co thắt các cơ hầu họng bệnh nhân khó nuốt, co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Đối với uốn ván sơ sinh, trẻ sơ sinh nào bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu, sau đó không bú trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 ngày và có các biểu hiện như: Trẻ bị co giật hoặc co cứng khi bị kích thích nhẹ như ánh sáng, tiếng động, khi sờ vào trẻ hoặc trẻ có dấu hiệu co cứng với bất kỳ các dấu hiệu như: cứng hàm, tay hoặc chân co quắp, môi mím chặt, lưng uốn cong. Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao.

Cách phòng ngừa bệnh uốn ván

– Xử lý khi có vết thương trên cơ thể: cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…

– Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng vắc xin uốn ván, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc cao, kể cả những người khi khỏi bệnh uốn ván. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.

– Phụ nữ có thai: cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng.

– Phụ nữ tuổi sinh đẻ (15 – 44 tuổi): cần được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.

Bệnh uốn ván tuy có thể dễ dàng phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi có bất cứ nghi ngờ mắc bệnh uốn ván, người bệnh nên đi khám và làm xét nghiệm uốn ván càng sớm càng tốt. Trung tâm bệnh nhiệt đới – BV HNĐK Nghệ An luôn sẵn sàng hỗ trợ tiếp đón khám và tư vấn cho tất cả mọi người.