Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Tạng phế và thận trong y học cổ truyền

Tạng phế và thận trong y học cổ truyền

Hai tạng Phế và Thận cũng như các tạng phủ khác, đều tàng chứa tinh khí. Tinh khí là cơ sở của hoạt động sống, cần cất giữ lại mà không nên hao tán đi.

1. Tạng Phế

Công năng chủ yếu của tạng Phế biểu hiện qua các mặt sau:

Phế chủ khí, chủ về hô hấp

Phế chủ khí là Phế quản lý khí của toàn thân. Khí ở trong cơ thể có tinh khí tiên thiên, tinh khí của thủy cốc và thanh khí của khí trời. Trong đó khí của thủy cốc và thanh khí của khí trời hợp lại thành tông khí để thúc đẩy hô hấp và vào mạch để thúc đẩy hoạt động của toàn thân. “Phế chủ hô hấp”, Phế là nơi trao đổi khí giữa môi trường và cơ thể: hít thanh khí, thải trọc khí để duy trì hoạt động sống. Các hoạt động của các khí trên được hoàn thành là nhờ phế làm chủ, vì vậy, “Phế chủ khí”.

Phế trợ tâm, chủ việc trị tiết

Trị tiết có nghĩa là quản lý rành mạch, có thứ tự rõ ràng, không rối loạn, ở đây là chủ vào sự hoạt động sinh lý có quy luật. “Tâm chủ thần minh”: nên nhờ tâm mà các tổ chức tạng phủ hoạt động có quy luật, tuy nhiên vẫn cần có sự hỗ trợ của Phế. Thiên Linh đan bí điển luận sách Tố vấn nói: “Phế giữ chức tướng phó, việc trị tiết từ đó mà ra”. Tác dụng tướng phó của Phế biểu hiện về mặt huyết mạch, chủ yếu ở mối quan hệ tác dụng lẫn nhau giữa khí và huyết. Tâm chủ huyết, Phế chủ khí, cơ thể nhờ sự phối hợp Tâm Phế nên sự vận hành của khí huyết được nhịp nhàng đảm việc điều tiết và duy trì công năng bình thường của các tạng phủ và quan hệ giữa các tạng phủ với nhau. Sự vận hành bình thường của huyết do Tâm làm chủ nhưng phải nhờ vào Phế khí mới có thể vận hành bình thường. Khí của toàn thân tuy do Phế làm chủ nhưng cần phải có sự vận hành huyết mạch mới có thể thông đạt khắp toàn thân. Tâm với Phế, huyết với khí nương tựa lẫn nhau, tác thành cho nhau, hỗ trợ cho nhau rất chặt chẽ nên người xưa mới nói: “Khí là soát của huyết, huyết là mẹ của khí chở khí đi, khí hành thì huyết hành, chỗ nào huyết đi đến thì khí cũng đi đến”.

Phế chủ túc giáng và thông điều thủy đạo

Nước uống vào Vị, tinh khí của nước qua sự chuyển vận của Tỷ mà lên Phế, Phế khí túc giáng thì thủy dịch theo đường thủy đạo của tam tiêu mà xuống bàng quang. Nếu Phế mất khả năng túc giáng thì thủy dịch sẽ bị trở ngại, tồn đọng lại ở thượng tiêu, tiểu tiện không thông, thậm chí thành bệnh thủy thũng. Đường thủy đạo có thông lợi hay không có liên quan tới công năng túc giáng của Phế.  Bởi thế người ta nói “Phế là thượng nguồn của thủy”.

Phế chủ bì mao và có chức năng tuyên phát

Phế có chức năng tuyên phát: tuyên phát có nghĩa là phân bố tán phát ra mọi nơi. Sự tuyên phát của Phế dựa vào tác dụng của Phế khí, làm cho khí huyết, tân dịch phân bố ra toàn thân, bên trong đi vào tạng phủ, kinh lạc, bên ngoài đi ra bì mao, cơ nhục, không nơi nào không đến. Nếu Phế khí không tuyên phát sẽ gây ra sự ủng trệ, khí ủng trệ gây tức ngực, ngạt mũi, khó thở… tân dịch ủng trệ ở Phế thành đờm trọc…

Phế chủ bì mao: bì mao là phần ngoài cơ thể gồm da, lông, tóc, tuyến mồ hôi, là nơi tà khí bên ngoài bắt đầu xâm nhập vào cơ thể. Nhờ tác dụng tuyên phát của Phế mà các chất dinh dưỡng và vệ khí được đưa ra bì mao để nuôi dưỡng cơ thể và chống đỡ ngoại tà. Khi có bệnh ở phần biểu thường thấy các chứng ở phần vệ và Phế phối hợp với nhau như: ngoại cảm phong hàn: sợ lạnh, sợ gió, ngạt mũi, ho…

Nếu Phế khí hư không tuyên phát ra bì mao làm da lông khô sáp, chức năng bảo vệ của bì mao giảm sút nên dễ bị cảm mạo…

Phế khai khiếu ra mũi, thông với họng, chủ về tiếng nói:

Mũi là khiếu của Phế, mũi để ngửi và thở thông qua tác dụng của Phế khí. Phế khí bình thường thì sự hô hấp điều hòa, nếu Phế khí trở ngại như ngoại tà xâm nhập thì gây ngạt mũi, chảy nước mũi, không ngửi thấy mùi.

Phế còn chủ về tiếng nói và thông ra họng. Bệnh ở Phế luôn xuất hiện các chứng bệnh ở họng và tiếng nói: đau họng, mất tiếng…

2. Tạng Thận

Công năng chủ yếu của Thận biểu hiện qua các mặt sau:

Thận tàng tinh

Tinh là vật chất cơ bản tạo nên hoạt động sống của con người, được chia thành tinh tiên thiên và tinh hậu thiên. Tinh tiên thiên bẩm thụ từ cha mẹ, bắt đầu từ khi phôi thai cho đến lúc già chết đi mới hết, là thứ tinh do nam nữ giao hợp mà có từ lúc sinh ra, là nguồn gốc để sinh tồn nòi giống. Tinh hậu thiên do đồ ăn thức uống hóa ra, nhờ Tỳ vận hóa mà thành. Hai thứ tinh này được tàng trữ ở Thận. Tinh tiên thiên luôn được tinh hậu thiên bổ sung dinh dưỡng để duy trì và phát triển. Hai thứ tinh đó có quan hệ bền chặt với nhau.

Tàng tinh là công năng quan trọng của Thận. Sự sinh trưởng phát dục và sự duy trì nòi giống đều là tác dụng của Thận tinh. Tác dụng của Thận tinh gọi là Thận khí, quá trình phát dục của cơ thể cũng chính là quá trình biến hóa thịnh suy của thân khí. Thận tinh và thận khí quyết định sự sinh trưởng phát dục của cơ thể từ lúc nhỏ đến lúc già như mọc răng, tuổi trưởng thành sinh con cái (gọi là thiên quý thịnh) và đến tuổi cao – lão suy (thiên quý suy kiệt).

Thận âm (thận tinh) và thận dương (thận khí) nương tựa với nhau, chế ước lẫn nhau làm cho âm dương cân bằng. Thận hư nói chung là biểu hiện chức năng suy yếu của tạng thận. Nếu có hiện tượng hư nhiệt (nội nhiệt) là thận âm hư. Nếu có hiện tượng ngoại hàn (sợ lạnh, chân tay lạnh) là thận dương hư.

Thận chủ cốc tủy, thông với não và vinh nhuận ra tóc

Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy được chứa trong các khoang rỗng của xương, nuôi dưỡng xương nên gọi là thận chủ cốt sinh tủy. Thận tinh hư làm chậm sự phát dục của cơ thể gây hiện tượng chậm mọc răng, chậm biết đi, xương mềm yếu. Nếu thận hư không sinh được tủy, xương mất sự ôn dưỡng có thể sinh ra chứng cốt tý: người lạnh, sưởi ấm cũng không nóng lên được, khớp xương co cứng lại. Tà nhiệt lưu ở thận làm tủy dịch bị đốt nóng thì thành khô xương, lâu ngày có thể thành chứng sốt kéo dài, suy yếu, liệt dương vô lực.

Thận sinh tủy, não là bể chứa tủy cho nên thận thông với não. Mức độ thịnh hay suy của tinh khí chứa ở thận ảnh hưởng trực tiếp tới công năng của não. Ví dụ người sinh hoạt tình dục nhiều làm thận suy yếu, tinh hư tủy ít mà thấy có chứng mệt mỏi, mất ngủ, hay quên không suy nghĩ được lâu.

Sự dinh dưỡng cho tóc bắt nguồn từ huyết nên tóc là phần thừa của huyết. Thận vốn tàng tinh sinh tủy, huyết từ tủy hóa ra, cho nên tóc là phần tươi tốt phô ra ngoài của thận. Xét tóc mượt hay khô có thể biết được thận thịnh hay suy. Đang tuổi thiếu niên thận khí thịnh vượng thì tóc sáng mượt, thận khí suy lúc cao tuổi thì tóc bạc dần mà dễ rụng.

Thận chủ thủy

Nước uống vào Vị, nhờ Tỳ vận hóa lên Phế, phế khí túc giáng đưa thủy dịch chảy xuống mà dồn vào Thận. Tân dịch mà Tỳ vận hóa có hai phần: tân và dịch. Tân trong được phế tuyên phát ra da lông, cơ biểu, dịch đục được vào não tủy, các khớp, các màng. Sau khi được sử dụng, tân dịch còn lại phần cặn bã (trọc), phần này theo tam tiêu xuống thận ở hạ tiêu. Ở đây dưới tác dụng khí hóa của Thận, phần thanh (của trọc) được hóa thành khí, đưa lên Phế để phục hóa thành tân dịch, phần trọc (của trọc) được chuyển thành nước tiểu rồi theo đường bàng quang ra ngoài. Tuần hoàn như vậy để duy trì sự thay cũ đổi mới của nước trong cơ thể. Nếu thận khí không đủ thì sự thay cũ đổi mới của thủy sẽ bị trở ngại mà thành bệnh thủy thũng.

Thận chủ nạp khí

Đại khí do Phế hấp thu vào được Thận tiếp nạp gọi là sự nạp khí của Thận. Nếu thận hư không nạp được khí thì khí sẽ nghịch lên gây chứng ho hen, khó thở. Trên lâm sàng người ta chữa bệnh hen suyễn, chứng ho ở người cao tuổi bằng phương pháp bổ thận (nạp khí) lẫn bổ phế.

Thận khai khiếu ra tai và tiền âm, hậu âm

Tai do thận tinh nuôi dưỡng. Thận hư sẽ gây tai ù tai điếc. Ở người cao tuổi, do thận khí, thận tinh hư yếu nên có chứng ù tai, điếc tai.

Tiền âm là nơi bài tiết nước tiểu, bộ phận sinh dục nam hay nữ. Thận chủ về khí hóa bài tiết nước tiểu và sự sinh dục nên gọi là thận chủ về tiền âm. Thận hư hay gặp chứng đi tiểu luôn ở người cao tuổi, chứng đái dầm ở trẻ em, chứng di tinh ở nam giới, ra khí hư ở phụ nữ…

Hậu âm là nơi đại tiện ra phân, do tạng tỳ đảm nhiệm. Nhưng tỳ dương được thận khí hóa để bài tiết phân ra ngoài nên gọi là thận chủ về hậu âm. Ở người cao tuổi thận khí hư hay có chứng đại tiện lỏng, đại tiện táo.

Hậu âm, tiền âm quản lý đại tiện và tiểu tiện nên gọi “thận chủ nhị tiện”.