Ths.Bs. Phạm Trọng Nam
Khoa: Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống
Áp xe não là một tổn thương hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời
1. Bệnh áp xe não là gì?
Não được bảo vệ khỏi nhiễm trùng nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng như sọ não và các tổ chức mô xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra, các tác nhân gây bệnh vượt qua được các hàng rào bảo vể để tấn công vào nhu mô não và gây bệnh.
2. Triệu chứng và dấu hiệu gợi ý
Nhìn chung bệnh cảnh lâm sàng của áp xe não khá tương đồng với u não, nhưng tốc độ tiến triển thường nhanh hơn và có thể đi kèm với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là một quá trình bán cấp, bệnh nhân thường biểu hiện triệu chứng trong khoảng 1 – 2 tuần.
– Đau đầu là triệu chứng thường gặp nhất, thường tăng nặng về đêm. Bệnh nhân mắc áp xe não có thể có buồn nôn, nôn hoặc kèm theo tình trạng rối loạn tri giác
– Các dấu hiệu/triệu chứng thần kinh khu trú gặp khoảng một nửa các trường hợp mắc áp xe não, bao gồm
+ Co giật.
+ Rối loạn thị giác.
+ Nói khó (thất ngôn).
+ Yếu liệt nửa người.
+ Thay đổi tính cách.
– Biểu hiện nhiễm trùng: Sốt bắt gặp ở khoảng một nửa số bệnh nhân. Thường là sốt nhẹ.
– Nhìn chung, “bộ ba” triệu chưng cổ điển bao gồm đau đầu, sốt và thiếu hụt chức năng thần kinh khu trú gặp trong khoảng 20 – 25% trường hợp.
3. Nguyên nhân và con đường lây nhiễm
– Vi khuẩn gây bệnh áp xe não thường là vi khuẩn ái khí, ví dụ như tụ cầu vàng, trực khuẩn đường ruột, vi khuẩn kỵ khí, liên cầu không gây tan huyết. Ngoài ra có thể gặp một số tác nhân khác gây nên bệnh cảnh áp xe não như virus, nấm, lao hoặc các tác nhân ký sinh trùng
– Có 3 con đường lây nhiễm chính
+ Nhiễm khuẩn trực tiếp từ chấn thương sọ não xuyên thấu, phẫu thuật thần kinh.
+ Đường lây nhiễm kế cận: ví dụ từ những ổ nhiễm khuẩn ban đầu như viêm tai, viêm xương chũm, viêm các xoang cạnh mũi,…
+ Nhiễm trùng máu: nhiễm trùng răng miệng, các trường hợp nhiễm trùng hệ hô hấp, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý tim bẩm sinh có shunt phải – trái cũng làm tăng nguy cơ mắc áp xe não
4. Chẩn đoán
– Cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não có thuốc là những phương tiện hữu ích trong việc chẩn đoán áp xe não. Dựa vào các đặc điểm trên các cận lâm sàng hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ lâm sàng có thể đưa ra được các chẩn đoán chính xác cũng như định hướng được phương pháp điều trị.
– Các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, sinh hóa, cấy máu có vai trò định hướng.
5. Điều trị
– Hiện nay, phương pháp điều trị áp xe não bao gồm điều trị nội khoa bằng thuốc (trong đó chủ lực là kháng sinh) và phẫu thuật.
– Việc điều trị bảo tồn hay phối hợp hai phương pháp nói trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước, số lượng khối áp xe, thể trạng bệnh nhân, các bệnh lý đi kèm…
a. Điều trị nội khoa
– Với các trường hợp được chẩn đoán áp xe não do vi khuẩn sinh mủ, bệnh nhân được điều trị phối hợp các loại kháng sinh phổ rộng, liều cao, đồng thời phối hợp với các thuốc chống phù não, chống động kinh khi bệnh nhân có biểu hiện co giật.
– Phối hợp với nâng cao thể trạng, chế độ ăn uống làm tăng hiệu quả điều trị.
b. Phẫu thuật
– Phẫu thuật đặt ra trong các trường hợp như:
+ Khối áp xe có kích thước lớn.
+ Có khí trong ổ áp xe.
+ Điều trị nội khoa không đáp ứng.
– Các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh áp xe não bao gồm
+ Chọc hút ổ áp xe: Chọc hút là kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất và được hướng dẫn bởi hệ thống định vị thần kinh, có thể áp dụng được cho tất cả các giai đoạn của áp xe. Tuy nhiên phương pháp này thường không triệt để và dễ tái phát
+ Dẫn lưu ổ áp xe: Được áp dụng khi ổ áp xe ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng với kích thước lớn
+ Bóc ổ áp xe: Được áp dụng trong trường hợp bao áp xe có bao xơ chắc, nhiều ngăn, nằm gần bề mặt vỏ não và ở những vùng ít chức năng quan trọng, vết thương hỏa khí gây ra áp xe não, có thể có mảnh xương hoặc dị vật khác trong ổ áp xe. Đây là phương pháp điều trị áp xe não triệt để nhưng lại gây nhiều tổn thương cho tổ chức não lành và có nguy cơ gây thủng vỡ bọc áp xe. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này hiếm khi là lựa chọn đầu tiên.
– Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào được cá thể hóa theo từng đặc điểm của bệnh nhân cũng như khối tổn thương.
– Bệnh phẩm thu được trong quá trình phẫu thuật được lấy làm xét nghiệm cũng như nuôi cấy để chẩn đoán xác định. Sau phẫu thuật bệnh nhân được tiếp túc điều trị hậu phẫu với kháng sinh liều cao, dinh dưỡng,…
6. Phòng ngừa
– Một số áp xe não có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng răng miệng, nhiễm trùng xoang phức tạp hay viêm tai giữa. Do đó cần vệ sinh răng miệng, đánh răng đúng cách và thường xuyên đến nha sĩ để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về răng miệng.
– Với các trường hợp viêm xoang, nhiễm trùng xoang, người bệnh cần đến cơ sở Y tế khám và điều trị thuốc theo phác đồ của bác sĩ.
– Người bệnh bị nhiễm HIV nếu không được điều trị thì có nguy cơ cao mắc áp xe não. Do đó, cần phòng tránh nhiễm HIV bằng cách quan hệ tình dục an toàn. Nếu bị nhiễm HIV, người bệnh cần uống thuốc chống vi-rút thường xuyên sẽ giảm đáng kể khả năng bị áp xe não.
– Ăn chín, uống sôi, không nên ăn các thực phẩm còn sống hay gỏi nhằm hạn chế nhiễm trùng sán hay ấu trùng,…
Tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật thành công cho nhiều trường hợp mắc áp xe não mang lại kết quả tốt và hồi phục cho bệnh nhân.
👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082
⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6
Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean.
🖥Website: https://bvnghean.vn
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN