Dễ hiểu khi nhiều bệnh nhân của Khoa Tim mạch- Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An chưa gặp bác sỹ Trưởng khoa bao giờ thường vẫn nhầm anh với… bệnh nhân. Thường những lúc đó, bác sỹ – Thầy thuốc Ưu tú Phạm Hồng Phương chỉ cười tủm tỉm. Anh nói, cái dáng mình nó “khổ quá”, người ta nhầm là phải. Nhưng đằng sau cái dáng vẻ gầy gò, giọng nói chậm rãi, từ tốn kia lại là một trái tim ấm nóng, giàu nhiệt huyết với đời, với nghề…
Cái “tâm” người thầy thuốc
Năm 1992, tốt nghiệp đại học, Phạm Hồng Phương trở về quê Nghệ xin việc tại khoa Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và gắn bó với bệnh nhân tim mạch từ ngày ấy tới giờ. Hơn 20 năm gắn bó và chứng kiến bao nhiêu ca bệnh, là bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu số phận, bác sỹ Phương cũng có ngần ấy niềm vui, nỗi buồn. Những ngày đầu về viện là những tháng ngày đầy vất vả và nhiều nỗi buồn. Bác sỹ Phương nhớ lại, và giải thích: Đó là vì ngày ấy, cơ sở vật chất của viện còn nghèo nàn, máy móc trang thiết bị chẳng có gì khác ngoài máy điện tâm đồ, vì vậy cơ hội cứu sống bệnh nhân là không nhiều. Anh bác sỹ trẻ thời ấy ám ảnh bởi cảm giác bất lực trước người bệnh. Với bất cứ người thầy thuốc nào, thì đó là nỗi đau xót lớn nhất…
Bác sỹ Phương nói rằng, người ta nói nhiều đến y đức người thầy thuốc như là thái độ với người bệnh, rằng anh ta chăm sóc bệnh nhân thế nào, có “thương” người bệnh không. Nhưng điều trước tiên để nói về y đức cần phải là hiệu quả điều trị bệnh. Một bác sỹ có “tâm” phải là người không ngừng trau dồi tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để trị khỏi bệnh và giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong hàng ngàn bệnh nhân đã qua đây, anh nhớ nhất một bệnh nhân trẻ tuổi, bị suy tim nặng mà anh là bác sỹ điều trị, theo dõi lâu năm. Một lần kia, bệnh nhân trở nặng, nhập viện, khi đó anh lại đang có chuyến công tác xa. Các y bác sỹ trong khoa kể lại rằng, người bệnh đó đã chỉ gọi tên anh trong nỗi khẩn cầu: “bác sỹ Phương, bác sỹ Phương” trước khi mãi mãi đi xa…
Niềm tin cậy, gửi trao của mỗi người bệnh chính là điều hối thúc trong anh rằng mình phải làm gì để xứng đáng với niềm tin ấy. Anh là người đề xuất để phát triển các chuyên môn, kỹ thuật và nhận được sự đồng tình cao của ban giám đốc bệnh viện. Các nhân lực được cử đi học, trang thiết bị được mua sắm, niềm vui nhân lên từ nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Sự phát triển có tính đột phá và ngày càng vững chắc ấy có công lao không nhỏ của anh bác sỹ trầm lặng Phạm Hồng Phương. Anh mừng vui “khoe” rằng mới đây thôi, các anh cứu sống bệnh nhân Nguyễn Xuân Việt, Chu Văn Hậu bị nhồi máu cơ tim, khi vào đây đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Từ năm 2009 đến nay, sau khi cử các bác sỹ đi nắm bắt kỹ thuật cao và được mua sắm nhiều máy móc, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa tăng từ 40-50 đến 140-150 bệnh nhân. Đã tiến hành can thiệp mạch vành được gần 1000 trường hợp, can thiệp gần 60 ca tim bẩm sinh, phối hợp với Khoa Ngoại tiến hành phẫu thuật tim hở cho gần 200 trường hợp, đã tiến hành cấy máy tạo nhịp tim. Hiện khoa có 7 bác sỹ có chuyên môn can thiệp mạch. Có 6/13 bác sỹ của khoa đang được tạo điều kiện đi học nâng cao về chuyên môn tại Hà Nội. Theo bác sỹ Phương thì phải hết sức khuyến khích để lớp trẻ được nắm bắt các kỹ thuật cao qua các lớp đào tạo, cầm tay chỉ việc…
Nhiều những trăn trở…
Trong cuộc trò chuyện, khi tôi hỏi về những thành tích cá nhân, bác sỹ Phương thường rơi vào tình trạng… quên. Nhưng tôi biết, anh luôn đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua từ năm 2005 đến nay, 2 lần được tặng Bằng khen của tỉnh, được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Anh cũng đã học cao học từ những năm 1997 – 2000, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Khi thấy tôi “thuộc” lý lịch của mình đến vậy, anh hơi ngạc nhiên và nói chính mình cũng không nhớ kỹ như thế. Thế nhưng, khi tôi hỏi về những trăn trở trong anh, thì anh đã nói đầy cởi mở, rằng thực trạng bệnh nhân tim mạch, tim mạch chuyển hóa, cùng với ung thư đang ngày một nhiều hơn, trở thành gánh nặng của các gia đình và xã hội. Đặc biệt, bệnh mạch vành, tăng huyết áp tăng một cách nhanh chóng. Việc khám chữa bệnh ban đầu chưa được thực hiện tốt khiến bệnh nhân khi chuyển về tuyến cuối thường đã nặng nên cơ hội chữa khỏi giảm, cũng như gánh nặng về kinh phí của người bệnh tăng cao. Người bệnh nặng nhiều, trong số đó cũng nhiều người nghèo, chi phí cho quá trình điều trị hay can thiệp thì đắt đỏ. Việc thanh toán bảo hiểm hay mua sắm thuốc men cho các bệnh nhân tim mạch hiện nay cũng đang có những khó khăn. Vì vậy, thật xót xa khi nhiều người bệnh không có hay buộc phải từ chối cơ hội điều trị.
Để phát triển chuyên môn, nâng cao hơn nữa cơ hội sống của người bệnh, theo bác sỹ Phương thì bên cạnh việc cử nhân lực đi học tập thì rất cần đầu tư trang thiết bị, áp dụng các kỹ thuật cao. Anh cùng với tập thể khoa sẽ theo đuổi chiến lược phát triển trung tâm tim mạch trong lòng Bệnh viện để sớm xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ đỏ về y tế của khu vực Bắc Trung bộ. Và, với nụ cười hiền khô, trước khi tạm biệt, bác sỹ Phạm Hồng Phương nói rằng: Hãy cứ làm công việc thật tốt, rồi người bệnh sẽ biết, sẽ tìm đến. Cái bền vững chính là niềm tin, mà niềm tin phải được gây dựng bằng chuyên môn, tấm lòng người thầy thuốc…
(Báo Nghệ An)
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN