Đến nay, Nghệ An đã có 2.118.159 người được cấp thẻ BHYT chiếm hơn 70,7% dân số, số người tham gia BHYT tăng hàng năm, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân cũng như tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Chính sách BHYT ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 1992 và BHYT đã tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Chị Lô Thị Thúy, một bệnh nhân nghèo, ở bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông là một trong rất nhiều người như thế. Đầu năm 2015, chị Thúy nhập viện, điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh trong tình trạng đau vùng thắt lưng, liệt nửa người.
Qua chẩn đoán, soi chụp, chị Thúy được xác định bị lao cột sống nặng, thân đốt thứ 4 thứ 5 bị hủy hoại và liệt tủy hoàn toàn. Trong quá trình điều trị, các bác sỹ ở khoa đã tiến hành phẫu thuật giải phóng cấp cứu chèn ép tủy, đồng thời ghép xương cho 2 đốt sống. (Việc phẫu thuật ghép này là phương pháp khó, lần đầu tiên được các bác sỹ ở bệnh viện nghiên cứu, áp dụng thành công). Sau 2 ngày phẫu thuật, chị Thúy đã cử động được chân tay và sau 1 tháng thì đã đi lại bình thường. Chị Thúy cho biết: “May có BHYT chứ không thì đành chịu chết. Nhà nghèo như chúng tôi biết lấy mô ra hàng trăm triệu đồng để chạy chữa. Sau này thoát nghèo, không được hưởng ưu đãi nữa gia đình dứt khoát mua BHYT”.
Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An (Ảnh: Hoàng Yến)
Được biết, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân lao cột sống. Nếu như trước đây những ca bệnh này thường phải chuyển ra tuyến Trung ương thì nay bệnh nhân đã được điều trị khỏi ngay tại tỉnh nhà. Bác sỹ Dương Đình Chỉnh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Thời gian qua, nhiều phương pháp điều trị hiện đại đã được bệnh viện triển khai như mổ chấn thương cột sống cổ, stent mạch vành, bịt dù ống động mạch, nong van mạch phổi, ghép thận…vì lợi ích của bệnh nhân mà chúng tôi cố gắng hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật đó.
Có thể nói để có những thành tựu y học đó thì nguồn thu từ Quỹ BHYT đóng vai trò rất lớn trong việc góp phần tạo ra nguồn tài chính công ổn định, kịp thời để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, đầu tư phát triển cơ sở khám, chữa bệnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực. Và ngược lại, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo nhờ chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Từ nguồn Quỹ BHYT, từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND mà ngành Y tế Nghệ An hiện đã hình thành được 10 bệnh viện chuyên khoa ngoài hệ thống bệnh viện đa khoa, đó là Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Lao… Các bệnh viện chuyên sâu đã dần đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng. Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa đã phổ cập ở tuyến y tế cơ sở với 17 bệnh viện và 2 trung tâm y tế có giường bệnh/21 huyện, thành, thị.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhiều kỹ thuật y khoa mới đã được áp dụng tại tuyến tỉnh như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật nội soi khớp háng toàn phần, mổ mắt bằng phương pháp phaco, lasic, ghép tủy xương, điều trị hóa chất cho trẻ bị bệnh bạch cầu cấp… Các thiết bị kỹ thuật y học hiện đại đã được đưa về phục vụ chẩn đoán và điều trị như máy chụp MRI, máy chụp mạch vành, máy chụp CT 64 lát cắt …Cùng với đó hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, tiêu chuẩn TQM cũng được áp dụng
Tại các bệnh viện tuyến huyện, nếu như vài năm trước phẫu thuật nội soi còn là một kỹ thuật khó thì bây giờ đã trở thành thường quy, được triển khai thuần thục lành nghề. Các kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi, cắt trĩ bằng phương pháp longo, tán sỏi ngoài cơ thể, các xét nghiệm như xét nghiệm sinh hóa tự động, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm đông máu ở bệnh viện tuyến huyện cũng đã phát huy tác dụng tốt… Sự “hấp dẫn” của chính sách BHYT cũng đã thúc đẩy việc xã hội hóa, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, đến nay, Nghệ An đã có 9 bệnh viện tư nhân với 525 giường bệnh, xếp thứ 3 cả nước về số bệnh viện tư. Các bệnh viện tư nhân được đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà cửa) và trang thiết bị tương đối hiện đại với tổng số tiền khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Có thể nói hiện tại mạng lưới y tế khám, chữa bệnh BHYT đã phủ kín, rộng khắp với 479/480 trạm y tế xã khám, chữa bệnh BHYT ban đầu (99,8%). Ở 480 xã này đang có 5.000 cán bộ y tế thôn bản, 3.137 cán bộ y tế tuyến xã hoạt động, tỷ lệ xã có bác sỹ công tác ở tỉnh Nghệ An ước đạt 88%. Ở các tuyến xã đã xuất hiện rất nhiều trạm y tế được trang bị máy chụp X-Quang, siêu âm, máy xét nghiệm máu và nước tiểu. Với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, y, bác sỹ nhiệt tình, tận tâm, các trạm y tế này có tần suất khám, chữa bệnh năm sau cao hơn năm trước – đây là tín hiệu rất đáng mừng về chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế cũng như biểu hiện sinh động của chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống
Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh đánh giá: Chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong tỉnh những năm gần đây đã có nhiều cải thiện với việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyển giao nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh mới. Tuy nhiên, trong xu thế hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân hiện tại, yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở y tế là phải tự làm mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của mình để cạnh tranh, thu hút bệnh nhân.
Tuy nhiên, các cơ sở khám, chữa bệnh tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT vẫn chưa khắc phục triệt để, một số cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao và trong sử dụng thuốc. Tinh thần, thái độ phục vụ của một số nhân viên y tế chưa tốt; đã trở thành lực cản cho việc tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, người dân còn “sợ” đi khám, chữa bệnh, làm hạn chế tính hấp dẫn của chính sách BHYT đối với người dân.
Để BHYT phát huy được tính nhân văn, hướng tới BHYT toàn dân thì rõ ràng các cơ sở y tế và đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị, tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân, xứng đáng “Thầy thuốc như mẹ hiền”, sử dụng hợp lý và có hiệu quả Quỹ BHYT, góp phần quan trọng tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT đối với nhân dân.
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Ngành Y tế xác định sẽ không ngừng học hỏi, làm chủ các kỹ thuật mới để phục vụ nhân dân. Trong thời gian tới, ngành Y tế đang đặt ra mục tiêu cố gắng từng bước: Đến năm 2015, các y, bác sỹ Nghệ An hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật ghép thận, ghép tủy; Đến năm 2015, mở hệ xạ trị điều trị ung thư ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh; Trong hỗ trợ sinh sản, đến năm 2016 có thể làm được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên, có chất lượng, với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú.
(Báo Nghệ An)
Thông báo ngừng hoạt động khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Thứ 7, Ngày 07/9/2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp đoàn Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến thăm và làm việc
Thông báo về lịch nghỉ ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Giải Thể thao chào mừng 106 năm Ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918 – 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN