Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Bệnh Nội khoa > Bệnh Nội tiết - Chuyển hoá > Bệnh tiểu đường típ 1, Những điều người bệnh cần biết

Bệnh tiểu đường típ 1, Những điều người bệnh cần biết

Đái tháo đường típ 1 là gì?

Đái tháo đường típ 1 (hay còn gọi bệnh tiểu đường loại 1) là một bệnh lý trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn phá huỷ các tế bào sản xuất Insulin của tuyến tuỵ. Các tế bào này được gọi là tế bào beta. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi, do đó nó còn được gọi là bệnh đái tháo đường thanh thiếu niên.

Một bệnh lý được gọi là đái tháo đường thứ phát như đái tháo đường típ 1, nhưng các tế bào beta bị xoá bỏ bởi một nguyên nhân khác, ví dụ một bệnh lý hoặc tổn thương tuỵ, hơn là bởi hệ thống miễn dịch của bạn.

Cả hai tình trạng này là khác biệt so với đái tháo đường típ 2, trong đó cơ thể của bạn không đáp ứng lại với Insulin theo cách bình thường (thường gọi là sự đề kháng Insulin).

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường típ 1

Các dấu hiệu của bệnh có thể khó nhận biết, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng, bao gồm:

Khát nhiều

Tăng cảm giác đói (đặc biệt là sau khi ăn)

Khô miệng

Khó chịu trong dạ dày và nôn

Tiểu nhiều

Giảm cân không giải thích được, thậm chí khi bạn ăn uống bình thường và cảm thấy đói

Mệt mỏi

Nhìn mờ

Thở khó nhọc (Bác sĩ của bạn có thể gọi tình trạng này là nhịp thở Kussmaul)

Nhiễm trùng da, đường tiết niệu hoặc sinh dục tái đi tái lại

Thay đổi khí sắc, dễ cáu kỉnh

Tiểu dầm ở một đứa trẻ trước đó không tiểu dầm ban đêm

Các dấu hiệu của một tình trạng cấp cứu với đái tháo đường típ 1 bao gồm:

Ớn lạnh và lú lẫn

Thở nhanh

Hơi thở có mùi hoa quả chín

Đau bụng

Mất ý thức (hiếm gặp)

Nguyên nhân của đái tháo đường típ 1

Insulin là một loại hormone giúp vận chuyển đường, hay Glucose, vào trong các mô của cơ thể để cung cấp năng lượng cho tế bào.

 

Đái tháo đường típ 1 là do tuyến tuỵ bị phá huỷ, mất khả năng bài tiết Insulin – Loại Hormone giúp các tế bào trong cơ thể sử dụng Glucose để sinh năng lượng.

Tổn thương các tế bào beta từ đái tháo đường típ 1 làm mất quá trình này. Glucose không đi vào trong tế bào vì Insulin không được tiết ra. Thay vào đó, Glucose tích tụ trong máu, và tế bào của cơ thể bị thiếu Glucose (đói). Điều này gây ra sự tăng đường huyết, trong đó sẽ dẫn tới:

+ Mất nước: Khi đường trong máu của bạn tăng cao, sẽ dẫn tới tình trạng tiểu nhiều để tăng đào thải đường qua nước tiểu. Đó là cách cơ thể hoạt động để loại bỏ lượng đường trong máu dư thừa. Khi đường được đào thải qua nước tiểu, nó cũng kéo theo một lượng lớn nước, từ đó gây mất nước.

+ Sút cân: Đường đi ra khỏi nước tiểu đồng thời cũng mang theo năng lượng (calories) cùng với nó. Đó là lý do tại sao nhiều người bị tăng đường máu bị sụt cân. Mất nước cũng đóng một vai trò trong việc sụt cân này.

+ Nhiễm toan ceton đái tháo đường (DKA): Nếu cơ thể không thể nhận đủ Glucose để cung cấp năng lượng, nó sẽ phân giải các tế bào mỡ để thay thế. Quá trình này sẽ tạo ra một loại chất hoá học được gọi là ceton. Gan của bạn giải phóng đường mà nó lưu trữ để bù đắp. Nhưng cơ thể bạn không thể sử dụng glucose mà không có Insulin, do đó đường sẽ tích tụ trong máu, cùng với các ceton acid. Sự trộn lẫn của đường dư thừa, mất nước và acid tích tụ được biết đến là sự nhiễm toan ceton và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị ngay.

+ Gây tổn thương cho cơ thể của bạn: theo thời gian, nồng độ glucose trong máu cao có thể gây tổn hại đến các dây thần kinh và các mạch máu nhỏ trong mắt, thận và tim. Chúng cũng có thể làm cho bạn dễ bị xơ cứng động mạch, từ đó dẫn tới các cơn đau tim và đột quỵ.

Không có cách nào để dự phòng bệnh đái tháo đường típ 1.

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, nhưng các bác sĩ biết rằng các yếu tố di truyền (gene) có thể đóng vai trò nhất định. Một số loại virus cũng có thể làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tuỵ. Hầu hết những người mắc đái tháo đường típ 1 có các dấu hiệu của sự tấn công này, được gọi là các tự kháng thể. Chúng hiện diện ở hầu như mọi cá nhân được chẩn đoán đái tháo đường típ 1.

Đái tháo đường típ 1 cũng có thể xảy ra đồng thời với các bệnh lý tự miễn khác, chẳng hạn bệnh Basedow hay bạch biến.

Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 1

Đái tháo đường típ 1 chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp mắc đái tháo đường. Nó ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới với tỷ lệ ngang nhau. Bạn sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 1 cao hơn nếu:

Tuổi < 20

Da trắng

Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc đái tháo đường típ 1

Chẩn đoán đái tháo đường típ 1

Nếu bác sĩ của bạn cho rằng bạn bị đái tháo đường típ 1, họ sẽ chỉ định xét nghiệm đường máu cho bạn. Họ cũng có thể xét nghiệm khác như đo chỉ số HbA1C (xét nghiệm đánh giá mức đường huyết trung bình trong 3 tháng gần đây), định lượng Insulin và Peptid-C nội sinh để phân biệt đái tháo đường típ 1 với đái tháo đường típ 2, nước tiểu của bạn để đánh giá glucose và các chất trong nước tiểu được tạo ra khi bạn bị thiếu hụt Insulin. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để tầm soát biến chứng và phát hiện các bệnh đi kèm.

Điều trị đái tháo đường típ 1

Người mắc bệnh đái tháo đường típ 1 có thể có một cuộc sống khoẻ mạnh và lâu dài. Bạn sẽ cần theo dõi sát nồng độ đường máu của mình. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn về mục tiêu đường huyết, bạn cần phải giữ cho đường trong máu của mình nằm trong khoảng mục tiêu này. Điều chỉnh phác đồ Insulin, chế độ ăn và luyện tập là điều thiết yếu, tất nhiên là dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa của bạn.

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường típ 1 đều cần phải sử dụng Insulin dạng tiêm để kiểm soát lượng đường trong máu của họ.

Các loại Insulin sẵn có trên thị trường khác nhau ở thời điểm khởi phát tác dụng, thời gian kéo dài tác dụng và đỉnh tác dụng.

Chúng được chia thành:

Insulin tác dụng nhanh: khởi phát trong khoảng 15 phút, đỉnh tác dụng khoảng 1 tiếng sau tiêm và thời gian tác dụng kéo dài từ 2-4 tiếng.

Insulin tác dụng ngắn hay Insulin thông thường: khởi phát tác dụng sau tiêm khoảng 39 phút, đỉnh tác dụng sau 2-3 tiếng và hết tác dụng sau khoảng 3-6 tiếng

Insulin tác dụng trung gian: khởi phát tác dụng sau khoảng 2-4 tiếng, đạt đỉnh từ 4-12 tiếng sau tiêm và thời gian tác dụng kéo dài trong khoảng 12-18 tiếng.

Insulin tác dụng kéo dài: cần nhiều giờ để khởi phát tác dụng và hết tác dụng sau khoảng 24-36 tiếng.

Insulin, tuỳ phác đồ mà bác sĩ chỉ định, có thể được tiêm một, hai, ba hay bốn mũi mỗi ngày. Những bệnh nhân có đường huyết dao động phức tạp thường được chỉ định nhiều mũi tiêm mỗi ngày.

Hầu hết các loại Insulin hiện nay thường được bào chế dưới dạng bơm tiêm nạp sẵn thuốc hoặc lọ. Bạn có thể sử dụng bơm tiêm cùng với kim tiêm được chế tạo phù hợp hoặc xi-lanh kích thước nhỏ có khoảng chia liều để tiêm. Ngày nay một số loại Insulin còn được bào chế dưới dạng hít, miếng dán dưới da, thậm chí Insulin được nạp sẵn vào một máy bơm mà bạn sẽ đeo trong cơ thể và được tiêm thông qua một ống nhỏ. Bác sĩ của bạn sẽ chọn loại Insulin và cách tiêm tốt nhất cho bạn.

Thay đổi lối sống

Tập thể dục là một phần quan trọng của việc điều trị đái tháo đường típ 1. Nhưng nó không đơn giản như chỉ cần chạy bộ. Tập thể dục ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy, bạn phải cân bằng liều lượng insulin và thực phẩm bạn ăn với bất kỳ hoạt động nào, ngay cả những công việc đơn giản xung quanh nhà hoặc sân.

Kiến thức là sức mạnh. Kiểm tra đường trong máu của bạn trước, trong và sau một hoạt động để biết nó ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Một số thứ sẽ làm cho đường máu của bạn tăng lên; những thứ khác sẽ không. Bạn có thể cần giảm liều insulin của mình hoặc ăn nhẹ với carbs để giữ cho đường huyết không xuống quá thấp (gây hạ đường huyết).

Nếu lượng đường trong máu của bạn cao – trên 240 mg/dL (tức 13.3 mmol/L) – hãy kiểm tra ceton, loại axit có thể là kết quả của việc tăng cao glucose trong máu. Nếu các xét nghiệm này, bạn nên tập luyện. Nếu chúng cao, hãy bỏ qua bài tập.

Bạn cũng cần hiểu thực phẩm ảnh hưởng đến đường trong máu của bạn như thế nào. Một khi bạn biết vai trò của carbs, chất béo và protein, bạn có thể xây dựng một kế hoạch ăn uống lành mạnh để giúp duy trì đường máu của bạn ở mức cần thiết. Một nhà giáo dục về bệnh tiểu đường hoặc chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký có thể giúp bạn bắt đầu.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường típ 1

Bệnh tiểu đường típ 1 có thể dẫn đến các vấn đề khác, đặc biệt nếu nó không được kiểm soát tốt. Các biến chứng bao gồm:

Bệnh tim mạch. Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, cũng như tăng huyết áp và cholesterol. Chúng có thể dẫn đến đau ngực, đau tim, đột quỵ hoặc suy tim.

Các vấn đề về da. Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị nhiễm trùng da do vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra mụn nước hoặc phát ban.

Bệnh vê nướu. Thiếu nước bọt, quá nhiều mảng bám và lưu thông máu kém có thể gây ra các vấn đề về miệng.

Các vấn đề mang thai. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường típ 1 có nguy cơ sinh sớm, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu và tiền sản giật cao hơn.

Bệnh võng mạc. Vấn đề về mắt này xảy ra ở khoảng 80% người lớn mắc bệnh tiểu đường típ 1 trong hơn 15 năm. Hiếm gặp trước tuổi dậy thì, bất kể bạn đã mắc bệnh bao lâu. Để ngăn ngừa nó – và giữ cho thị lực của bạn ổn định – hãy kiểm soát tốt đường trong máu, huyết áp, cholesterol và triglycerides.

Bệnh thận đái tháo đường. Khoảng 20% ​​đến 30% những người mắc bệnh tiểu đường típ 1 mắc một tình trạng gọi là bệnh thận đái tháo đường. Cơ hội tăng lên theo thời gian. Nó có nhiều khả năng xuất hiện từ 15 đến 25 năm sau khi bệnh tiểu đường khởi phát. Nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác như suy thận và bệnh tim.

Máu lưu thông kém và tổn thương thần kinh. Các dây thần kinh bị tổn thương và các động mạch bị xơ cứng dẫn đến mất cảm giác và thiếu máu cung cấp cho bàn chân của bạn. Điều này làm tăng khả năng bị thương và khiến vết loét và vết thương hở khó lành hơn. Khi điều đó xảy ra, bạn có thể có khả năng phải cắt cụt chi. Tổn thương dây thần kinh cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Để phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường, bạn cần thực hiện tốt các điều sau:

Kiểm soát tốt nhất lượng đường trong máu.

Theo dõi sát huyết áp và cholesterol máu.

Ăn uống và tập thể dục điều độ

Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.

Chăm sóc bàn chân và răng của bạn.

Thường xuyên khám sức khỏe, nha khoa và thị lực.

Hãy nhớ: Luôn tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý bỏ tiêm Insulin và không tự tìm kiếm các phương thức điều trị mà không tham vấn bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Và trao đổi thường xuyên với bác sĩ điều trị của bạn để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng cấp tính và mạn tính của bệnh đái tháo đường típ 1. Ăn uống và tập luyện phù hợp, luôn uống đủ nước đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Tuân thủ lịch tái khám định kỳ và báo cáo bác sĩ của bạn bất kỳ triệu chứng bất thường.

———————————-

Khoa Nội tiết – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An với đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, là địa chỉ đáng tin cậy giúp phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời các biến chứng cấp và mạn tính của bệnh tiểu đường cũng như các bệnh lý nội tiết – chuyển hoá, như bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến sinh dục,….

Địa chỉ liên hệ:

Khoa Nội tiết – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Địa chỉ: Tầng 7, toà nhà chính, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Km5, Đại lộ Lê nin, Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An

Điện thoại: 0917.792.323

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Diabetes Association. Diabetes Care, January 2021.
  2. Juvenile Diabetes Research Foundation: “Fact Sheets: Type 1 Diabetes Facts.”
  3. American Diabetes Association: “Diabetes Basics: Type 1,” “Exercise and Type 1 Diabetes,” “Insulin Routines,” “Insulin Basics,” “Insulin Pumps,” “Skin Complications,” “DKA (Ketoacidosis) & Ketones,” “Complications,” “Heart Disease,” “High Blood Pressure,” “Physical Activity is Important,” “Exercising with Diabetes Complications.”
  4. Joslin Diabetes Center: “The Truth About the So-Called Diabetes Diet.”
  5. Mayo Clinic: “Type 1 diabetes.”
  6. Nemours/KidsHealth: “Type 1 Diabetes: What Is It?” “Long-term Complications of Diabetes.”
  7. CDC: “Diabetes.”
  8. International Diabetes Federation: “Diabetes and cardiovascular disease.”
  9. Reviews in Obstetrics and Gynecology: “Type 1 Diabetes Mellitus and Pregnancy.”
  10. National Diabetes Information Clearinghouse: “Your Guide to Diabetes: Type 1 and Type 2,” “Prevent Diabetes Problems: Keep Your Heart and Blood Vessels Healthy,” “Prevent Diabetes Problems: Keep Your Kidneys Healthy,” “Prevent Diabetes Problems: Keep Your Feet Healthy,” “Prevent Diabetes Problems: Keep Your Mouth Healthy,” “Prevent Diabetes Problems: “Keep Your Eyes Healthy,” and “Prevent Diabetes Problems: Keep Your Diabetes under Control.”
  11. National Diabetes Education Program: “4 Steps to Manage Your Diabetes for Life.”
  12. American Heart Association: “Cholesterol Abnormalities and Diabetes.”

 

Bs.Lê Đình Sáng, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An