Bệnh não mô cầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi trùng Neisseria meningitidis gây ra, vi trùng có thể gây tổn thương nhiều nơi trong cơ thể nhưng chủ yếu là nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
Bệnh có thể xảy ra khắp nơi, gây thành dịch do lây lan nhanh. Thể lâm sàng gây tử vong cao diễn tiến nhanh trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi bệnh là nhiễm não mô cầu tối cấp. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên trước đó khỏe mạnh.
Người là đối tượng tự nhiên, duy nhất mang mầm bệnh, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng (mang vi trùng nhưng không mắc bệnh, vi trùng thường trú ở vùng họng mũi). Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh, vào những tháng mùa lạnh và ở nước ta bệnh có thể xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
1. Biểu hiện của bệnh
Bệnh não mô cầu thường biểu hiện với 3 thể lâm sàng: viêm màng não, viêm màng não kèm nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng huyết không có viêm màng não.
Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nôn ói, xuất hiện chấm xuất huyết có màu đỏ (khi đè không mất) thường ở hông, mông, đầu gối, cẳng chân hay một số trường hợp có xuất huyết kết mạc. Trường hợp nặng trong vài giờ sau sốt người bệnh có thể thay đổi tri giác, không nhận thức được, tay chân lạnh, da xanh, vã mồ hôi, những chấm xuất huyết màu đỏ to ra, xuất hiện nhiều hơn và trở nên tím thẫm hay hoại tử đen.
Thể nhiễm trùng huyết tối cấp diễn tiến nhanh chóng đến suy tuần hoàn, suy hô hấp và thường tử vong trong vòng 6-12 giờ sau khởi bệnh. Người bệnh thường bứt rứt, thay đổi tri giác sớm, tay chân giá lạnh, không còn mạch và huyết áp, xuất huyết dưới da nhiều nơi và có màu tím thẫm hay đỏ bầm. Đối tượng có tỷ lệ tử vong cao cho thể lâm sàng này là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên, đặc biệt là những thanh niên khỏe mạnh vạm vỡ, hay trẻ bụ bẫm. Tỷ lệ tử vong hay biến chứng thấp hơn với thể nhiễm trùng huyết hay viêm màng não.
Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm với kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và những biến chứng của bệnh lý này.
2. Đặc điểm chung của Bệnh
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, … trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 – 15%.
Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% – 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, …), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông – xuân. Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
3. Tác nhân gây bệnh
– Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
– Vi khuẩn có sức đề kháng yếu: bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 56°C trong 30 phút hoặc ở 60°C trong 10 phút. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.
4. Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh và thời kỳ lây truyền.
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người.Thời gian ủ bệnh từ 2 – 10 ngày, thông thường từ 3 – 4 ngày.Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
5. Đường lây truyền
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
6. Tính cảm nhiễm
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.
7. Giám sát bệnh do não mô cầu
– Trường hợp nghi mắc bệnh do não mô cầu là những trường hợp có sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và trên lâm sàng hướng tới bệnh do não mô cầu.
– Trường hợp bệnh xác định là những trường hợp nghi ngờ, có kèm theo xác định được vi khuẩn gây bệnh bằng một trong các xét nghiệm:
+ Cấy phân lập được vi khuẩn não mô cầu trong dịch não tủy, hoặc máu, hoặc dịch tử ban.
+ Xét nghiệm PCR xác định được vi khuẩn não mô cầu trong dịch não tủy, hoặc máu, hoặc dịch tử ban.
– Trường hợp bệnh tản phát là trường hợp bệnh xác định đơn lẻ không phát hiện liên quan về dịch tễ (đường lây và nguồn lây) với các trường hợp khác.
8. Ổ dịch
Một nơi được gọi là ổ dịch khi ghi nhận từ 02 trường hợp bệnh trở lên (trong đó ít nhất một trường hợp bệnh xác định) khởi phát trong vòng 10 ngày có liên quan dịch tễ với nhau. Ổ dịch được xác định là kết thúc khi sau 10 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày khởi phát của trường hợp mắc bệnh cuối cùng.
Khi ổ dịch đã được xác định thì tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ tại khu vực ổ dịch trong thời gian ổ dịch đang xảy ra đều được ghi nhận là ca bệnh lâm sàng và báo cáo theo quy định.
9. Các biện pháp
9.1. Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống:
– Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
– Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
– Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế: Bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắcxin, và dự phòng nhiễm bệnh cho người có tiếp xúc gần với người đang bị bệnh được điều trị bằng kháng sinh (tiếp xúc gần là tiếp xúc với khoảng cách dưới 1 mét, trong thời gian hơn 8 giờ hay sống cùng người bệnh trong thời gian 1 tuần trước hay 1 ngày sau khi bệnh nhân phát bệnh mà chưa được dùng kháng sinh). Vắc xin có thể phòng bệnh cho nhiều thể huyết thanh của vi trùng (A, C, Y, W135), hiện nay chưa có vắc xin cho thể huyết thanh B.
– Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
9.2. Các biện pháp xử lý đối với trường hợp bệnh tản phát ổ dịch
– Phải tiến hành xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh tản phát ổ dịch.
– Đối với bệnh nhân:
+ Bệnh nhân điều trị đặc hiệu sớm tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.
+ Bệnh nhân phải được cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang (tối thiểu trong vòng 24 giờ sau khi dùng kháng sinh đặc hiệu).Thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế theo quy định.
– Đối với người tiếp xúc gần.
Người tiếp xúc gần là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học … với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu.
– Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Cần phổ biến cho những người tiếp xúc gần tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là sốt và thông báo ngay cho cán bộ y tế.
– Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh.
9.3. Tại gia đình bệnh nhân và cộng đồng khu vực ổ dịch
– Tuyên truyền thông báo tới từng hộ gia đình về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống.
– Thực hiện giám sát, báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định.
– Giám sát cần chú trọng tại các khu vực tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại…).
– Khi phát hiện trường hợp bệnh lâm sàng mới trong khu vực ổ dịch cần đưa người bệnh đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
– Hạn chế việc tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh.
– Hướng dẫn gia đình bệnh nhân và người dân trong khu vực ổ dịch thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập v.v… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; giặt, rửa quần áo, dụng cụ, đồ vải … và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
– Thực hiện vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.
👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 hoặc 0886.234.222
⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6
🖥Website: https://bvnghean.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/
Thông báo ngừng hoạt động khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Thứ 7, Ngày 07/9/2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp đoàn Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến thăm và làm việc
Thông báo về lịch nghỉ ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Giải Thể thao chào mừng 106 năm Ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918 – 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN