Các ca bệnh kịp thời được cấp cứu
Ngày 06/11/2021, một bệnh nhân 71 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu bị nhồi máu cơ tim cấp trên tiền sử hút thuóc lá, rung nhĩ cơn không điều trị thường xuyên, vào viện cấp cứu tại bệnh viện. Bệnh nhân được tuyến dưới xử trí cho liều nạp thuốc chống kết tập tiểu cầu sau đó chuyển bệnh viện chúng tôi. Bệnh nhân đã được hội chẩn kịp thời với kíp can thiệp tim mạch của Trung tâm Tim mạch chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng sau dưới, block nhĩ thất cấp III, suy tim và rung nhĩ. Nhận định tình hình bệnh nhân có thể tử vong nếu không can thiệp ngay nên kíp can thiệp đã cho bệnh nhân vào phòng can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) để tiến hành chụp mạch vành và hút ra được nhiều huyết khối gây tắc, đồng thời một kíp can thiêp điện sinh lý cơ tim tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân. Sau can thiệp tình trạng bệnh nhân ổn định chuyển về khoa Nội Tim mạch 1 điều trị tiếp. (Xem hình 1)
Tối ngày 07/11/2021, một bệnh nhân 84 tuổi ở huyện Diễn Châu bị đột quỵ cấp được chuyển đến từ tuyến trước vào giờ thứ 4 (tức là chỉ còn 30 phút nữa là hết GIỜ VÀNG của đột quỵ). Sau khi nhận được hội chẩn cấp cứu của khoa Cấp cứu, kíp bác sĩ Trung tâm Đột quỵ đã tiến hành đánh giá bệnh nhân, tiến hành chụp CT và dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, rồi ngay sau đó chụp MSCT để đánh giá các động mạch não. MSCT cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Nhận thấy nguy cơ bệnh nhân sẽ tử vong nếu không can thiệp hút huyết khối để tái thông sớm vì đây là một động mạch cấp máu rất quan trọng của não, nếu để muộn nguy cơ tử vong gần như chắc chắn. Do đó, bệnh nhân đã được chuyển thẳng vào phòng can thiệp mạch DSA để tiến hành lấy huyết khối động mạch não. Rất may mắn, chỉ sau khoảng 30 phút, huyết khối đã được hút ra từ trong lòng động mạch não tắc và nó đã tái thông hoàn toàn và bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. (Xem hình 2)
Đây chỉ là hai trong nhiều ca cấp cứu hàng ngày của bệnh viện chúng tôi thực hiện. Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ đưa đến bệnh viện kịp thời. Quan trọng hơn là họ đã không “sợ COVID-19” đến nỗi để bệnh nhân ở nhà.
Tâm lý sợ COVID-19 quá mà không đi khám chữa bệnh?
Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu, trong đó có việc khám chữa bệnh. Người ta thấy rằng, ở nhiều bệnh viện số lượng bệnh nhân cấp cứu giảm hẳn do nhiều bệnh nhân lo sợ COVID. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh bảo rằng trong đại dịch COVID-19 làm cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh không phải COVID-19 không được chăm sóc và điều trị kịp thời. Do đó, làm gia tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong do bệnh, đặc biệt là các bệnh lý nặng, đòi hỏi cấp cứu kịp thời. Họ cũng cảnh báo rằng khi bị bệnh thì nên đến bệnh viện để tăng cơ hội được cứu sống, giảm biến chứng và tàn phế.
Gần đây, thông tin BVHNĐK Nghệ An phong tỏa một số khoa chắc chắn làm cho nhiều người hoang mang, đặc biệt các bệnh nhân cấp cứu sẽ bị thiệt thòi, thậm chí tử vong, nếu không đến bệnh viện sớm như đột quỵ cấp, nhồi máu cơ tim cấp và các phẫu thuật cấp cứu khác. Tỉ lệ vào viện khám cấp cứu và khám chữa bệnh thông thường giảm có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất là nỗi lo sợ COVID-19.
Bệnh viện được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch COVID-19
Hiện nay, bệnh viện chúng tôi vẫn khám và chữa bệnh bình thường. Một số ít khu vực phong tỏa đều được kiểm soát tốt nên chưa có thêm ca lây nhiễm nào qua các lần xét nghiệm định kỳ test nhanh hàng ngày và PCR cách nhau 3 ngày.
Việc khám và điều trị cấp cứu các bệnh lý cấp cứu vẫn diễn ra bình thường như trước đây. Trung tâm Đột quỵ vẫn tiến hành làm tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não để cứu bệnh nhân đến trong GIỜ VÀNG ĐỘT QUỴ. Trung tâm Tim mạch vẫn làm can thiệp tim mạch để cấp cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đến sớm. Các khoa phẫu thuật vẫn mổ cấp cứu cho các bệnh nhân cấp cứu nặng như chấn thương sọ não, cấp cứu ổ bụng, cấp cứu tim mạch – lồng ngực… Các khoa hồi sức tích cực vẫn ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Để đảm bảo cơ hội cho bệnh nhân được cứu sống, giảm biến chứng và tàn phế, các bệnh nhân khị bị bệnh nên đến sớm chứ không nên trì hoãn do tâm lý sợ Covid-19. Hàng ngày bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nặng cấp cứu từ tuyến dưới chuyển đến.
Hãy yên tâm rằng sức khỏe và sự an toàn của tất cả bệnh nhân và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 luôn thay đổi và mỗi ngày sẽ khác nhau, hàng ngày chúng tôi luôn cập nhật về tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung cấp những gì tốt nhất và an toàn nhất cho bệnh nhân của mình. Bệnh viện có một Tổ dịch tễ gồm nhiều bác sĩ có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch như từng tham gia các bệnh viện dã chiến điều trị, thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế trong phòng chống COVID-19… có nhiệm vụ cập nhật, phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn và trong bệnh viện để có kế hoạch ứng chiến nhanh nhất, đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh viện.
Trong khi chúng tôi luôn tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt tại các khu vực đón tiếp bệnh nhân ở khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu, phòng khám sàng lọc COVID-19, phòng mổ và các khu vực chung của mình, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả bệnh nhân và người chăm bệnh nhân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn.
Chúng tôi làm gì để bệnh viện an toàn?
Chúng tôi luôn cam kết cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn nhất và chất lượng cao nhất cho nhân dân trong khi vẫn tiếp tục phòng, chống COVID-19. Chúng tôi luôn đánh giá và kiểm soát COVID-19 thường xuyên để đảm bảo bệnh viện có môi trường an toàn nhất cho bệnh nhân và nhân viên. Bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi để chăm sóc cho gia đình bạn bây giờ và trong tương lai.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Bế mạc Giải Thể thao chào mừng kỷ niệm 106 năm ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918- 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN