Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Thành tựu > Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nút động mạch phế quản cứu sống bệnh nhân ho ra máu nặng

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nút động mạch phế quản cứu sống bệnh nhân ho ra máu nặng

SKĐS – Nút động mạch phế quản là phương pháp điều trị tối ưu nhất, ít xâm lấn cho những bệnh nhân bị ho ra máu nặng. Đây là kỹ thuật cao thường được triển khai ở bệnh viện hạng đặc biệt. Ở Nghệ An, phương pháp này được Bệnh viện HNĐK Nghệ An áp dụng thành công từ năm 2023 đến nay đã trở thành thường quy.

             BSCKII Nguyễn Cảnh Cương và ekip tiến hành can thiệp nút động mạch phế quản cho bệnh nhân.

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân C.T.B, 58 tuổi, trú tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu trong tình trạng  ho ra máu, số lượng khoảng 30ml/ngày. 

Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm phổi đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, tuy nhiên tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để khám, điều trị.

Bệnh nhân được chuyển vào khoa Dị ứng – Hô hấp để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ cầm máu, giảm ho, kháng sinh dự phòng bội nhiễm. Đồng thời, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm đờm, máu, chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân. 

Kết quả chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân được phát hiện có ổ giả phình xuất phát từ gốc động mạch phế quản trái, kèm giãn động mạch phế quản hai bên, xơ hóa và giãn phế quản hai bên.

Sau vào viện 3 ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ho ra máu lượng nhiều, khoảng 200ml máu đỏ tươi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp giảm. Xác định tình trạng ho ra máu nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Hình ảnh ổ giả phình mạch nghi xuất phát từ động mạch phế quản trái, giãn động mạch phế quản 2 bên, xơ hóa, hang hóa, giãn phế quản 2 phổi qua chụp cắt lớp vi tính.

Ngay lập tức, bệnh nhân được kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, đồng thời các bác sĩ của khoa Dị ứng – Hô hấp đã hội chẩn với Đơn vị can thiệp mạch và chỉ định nút động mạch phế quản để cầm máu.

BSCKII Nguyễn Cảnh Cương và êkip đã nhanh chóng tiến hành gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, chọc một lỗ nhỏ vào động mạch đùi phải, sau đó đưa các dụng cụ can thiệp mạch chuyên dụng tiếp cận các nhánh động mạch phế quản 2 bên, phát hiện các động mạch giãn và tăng sinh mạch máu nhiều. Riêng nhánh động mạch phế quản trái có ổ giả phình 5mm gây chảy máu hoạt động vào trong phế quản dẫn đến ho ra máu lượng nhiều. Ekip tiến hành nút hoàn toàn các nhánh tổn thương động mạch phế quản 2 bên.

Sau 24h can thiệp nút động mạch phế quản, bệnh nhân C.T.B, không còn ho ra máu, huyết áp ổn định, ăn uống tốt.

Các ngày sau đó, bệnh nhân được điều trị và theo dõi sát sao và được làm các xét nghiệm đánh giá sức khoẻ sau can thiệp đầy đủ. Ngày 03/04/2024, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và tái khám theo hẹn.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp nút hoàn toàn các nhánh tổn thương động mạch phế quản 2 bên.

TS.BS. Lê Nhật Huy, Trưởng khoa Dị ứng – Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: “Ho ra máu do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh lý hô hấp, bệnh lý tim mạch, hoặc do chấn thương. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ ho ra máu và nguyên nhân ho ra máu để quyết định phương pháp điều trị. Khi chẩn đoán ho ra máu, bệnh nhân cần được hỗ trợ cầm máu đồng thời điều trị nguyên nhân gây ho ra máu.”

Chụp và nút động mạch phế quản đang ngày càng trở thành phương pháp điều trị được ưu tiên đối với các trường hợp ho máu nặng, với tỉ lệ thành công trên 90%. Nút động mạch phế quản là phương pháp điều trị tối ưu nhất, ít xâm lấn ở những bệnh nhân ho ra máu.

Năm 2023, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã điều trị thành công hơn 30 ca bằng can thiệp nút động mạch phế quản. Đây là kỹ thuật cao ở bệnh viện hạng đặc biệt, triển khai trên máy DSA, đòi hỏi các bác sĩ có tay nghề cao, được đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trung ương. 

Việc áp dụng và triển khai thành công các kỹ thuật cao tuyến trung ương đã dần khẳng định tay nghề cũng như vị thế của bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ, giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí do bệnh nhân khi phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Khánh Tâm – Nguồn: Báo Sức khoẻ và Đời sống