Bệnh Đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Ngày 23 tháng 7 năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 12 tháng 8 năm 2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 34 nghìn ca mắc tại 90 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Do đó nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Nghệ An nói riêng là rất cao từ những người trở về từ các nước có ghi nhận ca bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ (Monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ?
Vi rút đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) là vi rút AND chuỗi kép có vỏ bọc, thuộc loài Orthopoxvirus, họ Poxviridae, lần đầu tiên được phân lập trên loài khỉ vào năm 1958 tại Viện huyết thanh Statens, Copenhagen, Đan Mạch. Có 2 nhánh di truyền quan trọng của vi rút đậu mùa khỉ là nhánh Trung Phi (Vịnh Congo) và nhánh Tây Phi. Trong lịch sử, nhánh Trung Phi lây truyền mạnh hơn và gây bệnh nặng hơn. Phân chia về mặt địa lý giữa 2 nhánh xảy ra ở Cameroon, nơi có sự tồn tại của cả 2 nhánh vi rút. Do virus gây bệnh được phát hiện ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ?
Các triệu chứng chính của bệnh là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Hình: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:
+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
+ Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) à đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) à mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) à mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) à đóng vảy khô à bong tróc và có thể để lại sẹo.
+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 – 1cm.
+ Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ ây nhiễm cho người khác
Bệnh được chia thành 03 thể lâm sàng:
Thể không triệu chứng: người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
+ Nhiễm khuẩn da: người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
+ Viêm phổi: người bệnh có các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở. + Viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.
+ Nhiễm khuẩn huyết: sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ?
Ca bệnh nghi ngờ: Là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau
+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh;
+ Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng;
+ Có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.
Ca bệnh xác định: có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi.
Chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ, nâng đỡ cơ thể, dự phòng các biến chứng và di chứng bao gồm bổ sung đầy đủ nước – điện giải, dinh dưỡng tốt, vitamin, điều trị bội nhiễm vi khuẩn bằng kháng sinh.
Thuốc kháng vi rút Tecovirimat (TPOXX) vốn được nghiên cứu để điều trị bệnh đậu mùa đã được Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) phê chuẩn điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 1 năm 2022 dựa trên các dữ liệu của các nghiên cứu trên động vật và trên người, tuy nhiên hiện nay thuốc này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi và chưa có tại Việt Nam.
Hình: Thuốc kháng vi rút Tecovirimat (TPOXX)
Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Dù chưa ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, tuy nhiên tại Đông Nam Á đã ghi nhận ca bệnh tại 03 nước là Thái Lan, Singapore và Philippine, vì vậy việc phòng ngừa bệnh vẫn nên được chú trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bao gồm:
– Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).
– Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.
– Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.
– Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
– Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.
Hình: Quy trình rửa tay thường quy
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Bế mạc Giải Thể thao chào mừng kỷ niệm 106 năm ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918- 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN