Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa bệnh điếc đột ngột

Biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa bệnh điếc đột ngột

Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An 

Điếc đột ngột là nghe kém thần kinh giác quan với biểu hiện là tình trạng mất thính lực nhanh chóng trong vòng 72 giờ, thường xảy ra ở một bên tai, không có lý do rõ ràng. Điếc đột ngột là một trong những bệnh cấp cứu tai mũi họng thường gặp nhất. Nếu người bệnh chủ quan không đi khám sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến giảm sức nghe lâu dài, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, điếc đột ngột còn là một trong các triệu chứng của tổn thương thần kinh nặng có thể dẫn đến tử vong như đột quỵ, viêm màng não.

1. Giới thiệu khái quát về bệnh điếc đột ngột:

Điếc đột ngột là tình trạng giảm sức nghe ít nhất 30 dB ở ít nhất 3 tần số liên tiếp xảy ra trong vòng 72h. Trong đó điếc đột ngột không xác định được nguyên nhân chiếm trên 90% các trường hợp.

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, số bệnh nhân bị điếc đột ngột có xu hướng ngày càng tăng. Điếc đột ngột có tỷ lệ khoảng 5-27/100.000 dân mỗi năm, chủ yếu gặp ở người lớn trong khoảng 40 đến 60 tuổi.

2. Một số nguyên nhân gây điếc đột ngột:

Điếc đột ngột do tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não. Tuy nhiên, chỉ 10-15% người bệnh điếc đột ngột phát hiện được nguyên nhân.

  • Điếc đột ngột có căn nguyên thường do:
  • U bướu: u dây 8, khối u ác tính
  • Mạch máu: đột quỵ, rối loạn đông máu
  • Thuốc độc tai: kháng sinh (nhóm aminoglycosids, vancomycin), thuốc ức chế miễn dịch (metrothexate, infliximab), thuốc chống sốt rét (quinine, artemisinin), thuốc điều trị ung thư (cisplatin, oxaliplatin), thuốc điều trị lao, lợi tiểu quai, NSAIDs, …
  • Chấn thương: Chấn thương đụng dập tai trong, chấn thương xương thái dương, tiếp xúc với tiếng ồn
  • Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh đa xơ cứng, viêm mạch, hội chứng cogan.
  • Nhiễm trùng: virus HSV, quai bị, Rubella.Vi khuẩn: giang mai, Toxoplasma.
  1. Biểu hiện của bệnh điếc đột ngột
  • Nghe kém: đột nhiên nghe không rõ ở tai, trước đó nghe bình thường, đa số được phát hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người bệnh thường mô tả gặp khó khăn trong định hướng nguồn âm thanh, khó hiểu lời nói trong môi trường ồn ào.
  • Ù tai: nghe thấy có tiếng kêu trong tai, cảm giác đầy trong tai
  • Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh di chuyển quanh cơ thể, hoặc cơ thể di chuyển so với môi trường, mặc dù không có chuyển động thực sự.
  • Nôn, buồn nôn
  • Trong một số trường hợp, điếc đột ngột là biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương nặng như tai biến mạch não, khối u ác tính, … và sẽ kèm theo các triệu chứng khác như nhìn đôi, thất ngôn, rối loạn cảm giác xúc giác …
  1.  Làm thế nào để chẩn đoán điếc đột ngột 
  • Khám nội soi tai để loại trừ các nguyên nhân gây nghe kém đột ngột ở tai ngoài và tai giữa như nút biểu bì, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch.
  • Người bệnh sẽ được đo thính lực đơn âm để xác định có nghe kém hay không, loại nghe kém và mức độ nghe kém.
  • Đo âm ốc tai (OAE), điện thính giác thân não (ABR): góp phần phân biệt nghe kém tại ốc tai hay sau ốc tai.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não: để loại trừ nguyên nhân sau ốc tai
  • Chụp CLVT sọ não: nếu nghi ngờ bệnh lý cấp tính của hố sau mà MRI không hiệu quả
  • Xét nghiệm để loại trừ các bệnh có biểu hiện điếc đột ngột: Công thức máu, tốc độ máu lắng, CRP (tình trạng viêm cấp tính hoặc nhiễm trùng), glucose, cholesterol, triglyceride, đông máu, chức năng tuyến giáp, các xét nghiệm huyết thanh về nhiễm trùng (HIV, HSV, CMV …), kháng thể kháng nhân FAN, kháng thể kháng bào tương của bạch cầu đoạn trung tính ANCA, …
  1. Tiên lượng hồi phục sức nghe :

Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mà sức nghe có thể phục hồi khác nhau :

  • Tuổi: già (trên 60 tuổi) có tiên lượng phục hồi kém hơn
  • Nếu bệnh nhân có chóng mặt đi kèm, khả năng hồi phục sẽ kém hơn
  • Mức độ nghe kém: người bệnh có mức độ nghe kém từ nhẹ đến trung bình có tiên lượng tốt hơn người bệnh nghe kém nặng hoặc điếc sâu
  • Dạng thính lực đồ: type A, B tiên lượng tốt, type C, D, E tiên lượng xấu
Type A Type B Type D Type E

Các hình thái thính lực đồ trong điếc đột ngột

  • Thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi điều trị: nếu bệnh nhân điều trị sớm (tốt nhất trong 72 giờ đầu) sẽ có nhiều cơ hội phục hồi hơn điều trị muộn.
  1. Điếc đột ngột được điều trị như thế nào 

    Điều trị theo nhóm cơ chế hoạt động: chống viêm, tăng cường tuần hoàn máu đến ốc tai, thuốc lợi tiểu, liệu pháp oxy cao áp… Trong đó corticosteroid là thuốc điều trị chính.

  • Corticosteroid (methylprednisolone, dexamethasone, …), theo đường toàn thân như tiêm tĩnh mạch hoặc uống với thời gian trung bình 10-14 ngày.

Trong những năm qua tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An Nghệ An còn áp dụng phương pháp tiêm corticosteroid trực tiếp xuyên màng nhĩ vào tai giữa. Thuốc ngấm vào tai trong với nồng độ cao, giúp tăng khả năng hồi phục sức nghe, giảm ù tai và chóng mặt. Tiêm thuốc trực tiếp vào tai giữa ít gây tác dụng phụ so với đường toàn thân, vì vậy còn được chỉ định khi người bệnh không thể tiêm hoặc uống thuốc theo đường toàn thân (tăng huyết áp, đái tháo đường chưa kiểm soát, đục thuỷ tinh thể, loét dạ dày, …); điều trị cứu vớt sau khi điều trị đường toàn thân thất bại hoặc điều trị phối hợp với đường toàn thân trong những trường hợp nghe kém trên 50dB. Việc lựa chọn điều trị tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân nhân cụ thể. Nhằm tăng cường tuần hoàn tai trong, hỗ trợ hồi phục tế bào giác quan của ốc tai và tiền đình, bác sĩ phối hợp thêm các thuốc như :

  • Piracetam: Thuốc có tác dụng tăng cường oxy máu, làm giảm thiểu sự thiếu máu cục bộ và thiếu oxy
  • Thuốc giãn mạch (Divascol, Duxil..) : cải thiện lưu lượng máu ở ốc tai, tang áp lực oxy ngoại dịch
  • Thuốc làm giảm tính thấm thành mạch, ngăn ngừa sự ứ dịch tai trong: kháng histamin
  • Vitamin nhóm B

 Khi cần thiết, liệu pháp oxy cao áp có thể được chỉ định. Nếu trường hợp đến muộn và bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, thất bại với điều trị, tổn thương quá nặng không đáp ứng điều trị các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh khi điếc từ nhẹ đến trung bình hoặc phương pháp cấy ốc tai điện tử với trường hợp điếc sâu.

  1. Phòng ngừa bệnh điếc đột ngột

Nếu bệnh chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể chuyển thành nghe kém vĩnh viễn không hồi phục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế bệnh nhân nên đi khám và điều trị kịp thời ở các cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường.

  • Hạn chế các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, …), chế độ ăn ngủ điều độ, tránh căng thẳng, thức khuya, làm việc quá sức
  • Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn, những nơi có âm thanh lớn. Không nên đeo tai nghe thường xuyên. Cần mang các thiết bị bảo vệ tai khi phải làm việc trong môi trường có âm thanh cường độ lớn.
  • Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, … là yếu tố nguy cơ dẫn đến điếc đột ngột.

Chuyên khoa Tai- Mũi- Họng của Bệnh viện HNĐK Nghệ An là địa chỉ khám và điều trị các bệnh lý về Tai- Mũi- Họng đầu ngành của tỉnh Nghệ An. Không chỉ quy tụ đội ngũ bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, Bệnh viện còn luôn cập nhập và áp dụng thành công các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, ưu việt nhằm đem đến hiệu quả phẫu thuật cho người bệnh. Ngoài ra tại đây còn sở hữu hệ thông trang thiết bị tân tiến nhất có thể đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đa dạng của khách hàng.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6