Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan C

Các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan C

 Viêm gan C là một bệnh gan do virus viêm gan C (HCV) gây  ra. Virus này có thể gây ra cả viêm gan cấp tính và mãn tính, từ bệnh nhẹ kéo dài vài tuần đến bệnh nặng suốt đời bao gồm cả xơ gan, ung thư gan. Việt Nam là một trong ba quốc gia ở Tây Thái Bình Dương có số người mắc bệnh VGC mãn tính cao nhất. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1 triệu người ở Việt Nam đang sống với bệnh VGC mãn tính cần điều trị. Căn bệnh này cũng đặt ra gánh nặng rất lớn lên năng lực và nguồn lực của hệ thống y tế Việt Nam.

Thực tế nhiễm HCV có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi được phát hiện tình trạng bệnh kịp thời và áp dụng phác đồ điều trị hiệu quả. Vậy nên những xét nghiệm cận lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Dưới đây là những phương pháp xét nghiệm thường dùng:

  1. Xét nghiệm tìm kháng thể chống HCV (Anti-HCV antibodies)

– Xét nghiệm Anti-HCV antibodies là xét nghiệm đầu tiên nhằm xác định sự tồn tại của kháng thể kháng virus trong cơ thể. Kháng thể chống lại virus viêm gan C là những protein mà cơ thể tạo ra khi tìm thấy virus trong máu và thường xuất hiện khoảng 12 tuần sau khi bị nhiễm virus.

– Kết quả xét nghiệm thường được trả về sau vài ngày đến một tuần. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là cơ thể có nguy cơ cao bị nhiễm virus và cần làm thêm các xét nghiệm khác để chắc chắn. Hoặc nếu kết quả trả về âm tính nhưng nghi ngờ bản thân có nguy cơ bị lây nhiễm cao trong vòng 6 tháng trở lại thì nên làm xét nghiệm này lần 2 để chắc chắn hơn.

  1. HCV–ARN (đo tải lượng HCV)

Xét nghiệm tiếp theo được chỉ định sau khi test kháng thể HCV dương tính. Xét nghiệm này  dùng để đo số lượng ARN virus (vật liệu di truyền của virus viêm gan) trong máu hay còn gọi là xác định tải lượng virus. Chúng thường xuất hiện 1-2 tuần sau khi bị nhiễm bệnh. Nếu kết quả dương tính thì chứng tỏ đã bị viêm gan C.

  1. Xét nghiệm chức năng gan:

– Xét nghiệm dùng để đo mức protein và enzyme trong gan (ví dụ như ALT, AST…). Chúng thường tăng từ thời điểm 7 – 8 tuần sau khi bị nhiễm bệnh. Khi gan bị tổn thương, các enzyme bị tích tụ trong máu. Bên cạnh đó, nhiều người có nồng độ enzyme bình thường nhưng vẫn bị viêm gan C.

– Sau khi đã làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, bước tiếp theo là thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và mức độ bệnh, bao gồm:

+ Xét nghiệm xác định kiểu gen (Genotype HCV)

Xét nghiệm xác định kiểu gen được chỉ định với mục đích xác định kiểu gen và dưới kiểu gen của virus gây bệnh trong 6 loại (kiểu gen) virus viêm gan C hiện có, hỗ trợ để áp dụng phác đồ điều trị đích đạt hiệu quả, giảm tình trạng kháng thuốc. Genotype 1 và 6 là 2 kiểu gen thường gặp nhất ở Việt Nam,

+  Xét nghiệm kiểm tra mức độ tổn thương gan

  • Sinh thiết gan.
  • Siêu âm đàn hồi mô gan gián tiếp xác định mức độ xơ hóa gan
  • Xét nghiệm chức năng gan(LFT) hoặc xét nghiệm men gan: Những xét nghiệm máu này giúp bác sĩ xác định khả năng làm việc của gan có còn tốt hay không.

Hiện tại, khoa Di truyền  và SHPT – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã triển khai xét nghiệm Đo tải lượng HCV RNA bằng phương pháp Real-time PCR trên máy LightCyler 96 và xét nghiệm Genotype HCV giải trình tự gene trên hệ thống máy ABI 3500. Với các trang thiết bị hiện đại, cán bộ xét nghiệm chuyên ngành sinh học phân tử được đào cập nhật và bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, chúng tôi cam kết đưa ra kết quả xét nghiệm chính xác, tin cậy, đảm bảo chất lượng.