Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Chất lượng bệnh viện > Cải tiến chất lượng – Nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện

Cải tiến chất lượng – Nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện

Cải tiến chất lượng trong y tế là những hành động liên tục có hệ thống để đạt được những cải tiến có thể đo lường được về hiệu suất, hiệu quả và các chỉ số khác về chất lượng trong dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho người dân.

Cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện đang được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đúng như slogan mà Bệnh viện đã ban hành ” Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới”. Chất lượng là thước đo chính xác nhất khi đánh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế. Trên thực tế, tại các bệnh viện thuộc các nước phát triển, chỉ số chất lượng bệnh viện được lấy làm thước đo thứ hạng bệnh viện và là cơ sở quy định giá dịch vụ y tế.

Cải tiến chất lượng là một kế hoạch chi tiết việc cải tiến một yếu tố tại bệnh viện, với mục tiêu cụ thể, lựa chọn giải pháp, thời gian và nguồn kinh phí hợp lý như kế hoạch triển khai một kỹ thuật mới, cải tiến một kỹ thuật, hay thực hiện quy trình… Đề án cải tiến chất lượng thực chất có thể xem là một nghiên cứu can thiệp tại cơ sở y tế. Ở đó, các vấn đề tồn tại cần được khảo sát, phân tích một cách cặn kẽ, dựa trên thực trạng của các cơ sở y tế, tham khảo các mô hình hoặc giải pháp đã có tại các cơ sở y tế trong và ngoài nước. Từ đó xây dựng kế hoạch, lựa chọn mục tiêu can thiệp và giải pháp can thiệp, tổng kết các kết quả đạt được, bàn luận ý nghĩa kết quả, đồng thời nêu ra thuận lợi khó khăn khi thực hiện, giải pháp để tiếp tục duy trì cải tiến một cách hiệu quả. 

Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc, Hội đồng Quản lý chất lượng và Ban chấp hành Đảng uỷ, cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển của Bệnh viện. Một đề án cải tiến chất lượng bệnh viện được thực hiện thành công có giá trị tương đương với một nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm 2023 tại bệnh viện đã có hàng chục đề án, kế hoạch cải tiến chất lượng của các khoa/phòng đăng ký được phê duyệt. Các đề án này thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: cải tiến quy trình khám chữa bệnh, áp dụng giải pháp khoa học công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mô hình 5S cải tiến năng suất lao động, cải tiến năng lực xét nghiệm…

Vậy làm cách nào để cải tiến chất lượng đạt được hiệu quả cao nhất?

I. Các bước thực hiện cải tiến chất lượng

Bước 1: Xác định những vấn đề không phù hợp cần cải tiến

Các khoa/phòng/trung tâm cần xem xét và nhận diện tất cả các điểm không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cũng như hiệu quả công việc tại khoa/phòng mình.

Bước 2: Xác định mục tiêu cải tiến

Thông qua việc quan sát, phân tích về mọi khía cạnh trong quá trình khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại các khoa/phòng cần xác định một cách chuẩn xác và rõ nét các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Từ đó xây dựng mục tiêu cụ thể nhằm cải tiến nâng cao hiệu quả và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Bước 3: Xây dựng giải pháp cải tiến chất lượng

Từ chính vấn đề đang gặp phải, các khoa/phòng cần tìm ra giải pháp mới có thể giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng của khoa/ phòng mình. Để có thể xây dựng các giải pháp cải tiến chất lượng một cách hiệu quả cần cụ thể hóa bằng hành động hoặc những việc làm có tính khả thi để lựa chọn.

Bước 4: Thực hiện cải tiến chất lượng theo phương pháp đề ra

Đây là bước thực hiện cải tiến chất lượng theo kế hoạch đã lập. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo khoa/phòng và người có liên quan phải thường xuyên thu thập thông tin và kiểm tra, giám sát việc áp dụng vào thực tế những giải pháp đề ra. Để thực hiện quá trình này, cần có sự tham gia đóng góp ý của toàn bộ nhân viên trong khoa/phòng. Bởi sự hợp tác và gắn kết của từng cá nhân sẽ giúp thực hiện quá trình một cách hiệu quả nhất.

Bước 5: Đo lường và đánh giá kết quả

Khâu đo lường hết sức quan trọng trong cải tiến chất lượng. Cần kiểm tra lại các bước cải tiến xem có hiệu quả hay không bằng cách sử dụng các dữ liệu để so sánh với những yêu cầu ban đầu đặt ra. Sau đó có thể đánh giá quá trình có kết quả tương xứng với kỳ vọng mà khoa/phòng đặt ra hay không?

Bước 6: Chuẩn hóa giải pháp quản lý chất lượng

Nếu những hành động cải tiến chất góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh của khoa/phòng cần chuẩn hóa lại thành quy trình quản lý chất lượng, đưa vào thành quy tắc cần phải thực hiện trong khoa/phòng.

Tuy nhiên khi không đạt được kết quả mong đợi, khoa/phòng sẽ cần thay đổi hướng khắc phục một cách tổng quát và triệt để hơn.

II. Các nguyên tắc cốt lõi khi cải tiến chất lượng

Nguyên tắc 1: Loại bỏ sự cứng nhắc trong công việc, luôn cập nhật thêm những ý tưởng mới: Ý tưởng đổi mới luôn là điểm nổi bật. Và để tối ưu hóa hơn nữa những gì mà đem lại, chúng ta cần loại bỏ tư duy, lối sống lạc hậu không chịu tiếp thu, để tránh đi theo lối mòn cũ.

Nguyên tắc 2: Hướng đến việc thay đổi, cải tiến từ những vấn đề nhỏ trước khi hoàn thành một mục tiêu lớn: Việc cải tiến chất lượng từ những vấn đề nhỏ sẽ giúp ta biết được những công việc mình đang làm và mức độ hoàn thành cho từng công việc.

Nguyên tắc 3: Không đổ lỗi, hãy chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm: Mỗi người trong chúng ta ai đều có lúc mắc lỗi, ngay cả trong công việc. Việc nhìn nhận nguyên nhân do bản thân gây ra sẽ giúp việc sửa chữa sai sót dễ dàng hơn.

Nguyên tắc 4: Ngay khi nhận thấy sai lầm, cần bắt tay vào sửa chữa và khắc phục:

Ngay khi nhận thấy những sai lầm chúng ta cần bắt tay ngay vào xử lý những khó khăn để tránh tiếp tục những sai sót không đáng có.

Nguyên tắc 5: Mỗi thành viên trong nhóm/tập thể đều có quyền nêu ra ý tưởng, quan điểm của mình: Việc mỗi thành viên trong nhóm/tập thể đều có quyền nêu ra ý tưởng, quan điểm của mình sẽ cho phép mỗi cá nhân chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó thúc đẩy chính sự phát triển của một tập thể.

Nguyên tắc 6: Thay vì tin tưởng vào ý kiến chủ quan, hãy dựa trên số liệu cụ thể hoặc tình hình thực tế: Từ chính những dữ liệu, báo cáo tổng hợp sẽ góp phần tạo ra những quyết định đúng đắn. Do đó để việc cải tiến có hiệu quả, cần được dựa trên dữ liệu cụ thể, thực tế nhằm đảm bảo cho các cấp quản lý đạt tới sự sáng tạo, dự báo vấn đề nảy sinh và giải quyết các vấn đề.

Nguyên tắc 7: Luôn duy trì một thái độ làm việc tích cực, xây dựng quan hệ hữu hảo: Tại các khoa/phòng, đơn vị trong bệnh viện không nên tạo dựng các mối quan hệ tiêu cực có thể ảnh hưởng sự phát triển của mình. Thay vào đó việc duy trì các mối quan hệ tích cực sẽ tăng hiệu quả, hiệu suất làm việc tại đơn vị.

Nguyên tắc 8: Ngay khi có ý tưởng mới, hãy lập tức bắt tay vào hành động: Theo nguyên tắc này, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa/phòng cần bố trí hợp lý nguồn lực kết hợp từ các bộ phận, phòng ban trong bệnh viện kể cả tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để làm những đề án cải tiến phù hợp ngay khi có những ý tưởng đột phá, hay đề xuất sáng tạo.

Nguyên tắc 9: Không sợ khó khăn, hãy xem đó là một cơ hội để tiến bộ và trưởng thành hơn: Cần mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề, xem xét và tìm ra cách tạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của khoa/ phòng trong việc thực hiện.

Nguyên tắc 10: Cải tiến chất lượng là một quá trình liên tục, vô tận, không có điểm dừng: Hoàn thành không có nghĩa là kết thúc công việc mà chỉ là hoàn thành ở giai đoạn này trước khi chuyển sang giai đoạn kế tiếp. Do đó, cần liên tục cải tiến chất lượng, liên tục đổi mới để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian tiếp theo.

Phòng Quản lý chất lượng