Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

                                                                     Điều dưỡng Nguyễn Thị Tú Linh, Khoa Nội A-Lão khoa

1. Tổng quan về Tăng huyết áp (THA)

–  THA ngày càng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Bệnh THA có thể tiến triển kéo dài và ngày càng trở nặng nếu không được điều trị và chăm sóc tốt. Từ đó có thể dẫn tới nguy cơ biến chứng và tử vong do tai biến điều trị hoặc do biến chứng nặng của bệnh. Vì vậy việc thực hiện chăm sóc người bệnh THA có vai trò quan trọng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh.

–  Bệnh THA thường khó nhận biết mặc dù triệu chứng của bệnh khá đa dạng nhưng lại dễ làm nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Một số triệu chứng tăng huyết áp cụ thể bao gồm cơ thể mệt mỏi, đau đầu liên tục và có cảm giác bốc hỏa, suy giảm thị lực, nôn ói, đau tức ngực và kết hợp khó thở…

–  Đặc điểm của bệnh THA là tiến triển kéo dài và ngày càng khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn khi điều trị không đúng và chăm sóc không tốt. Hơn nữa bệnh có thể để lại nhiều di chứng nặng nề và thậm chí có thể gây ra tình trạng tử vong cho người bệnh hoặc biến chứng do điều trị. Vì vậy bệnh THA cần được phát hiện sớm và chăm sóc  tốt để có thể ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

2. Chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân THA

– Người bệnh tránh làm việc bằng trí óc quá căng thẳng, lo lắng quá độ.  Nên thực hiện các bài luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ thư giãn, bơi lội… tránh thực hiện các bài tập mà cần vận động nhiều như các môn cử tạ, chạy bộ…

– Người thân và bạn bè luôn động viên, trấn an để người bệnh an tâm điều trị bệnh. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt tình trạng THA thường xuyên

– Vào mùa đông người bệnh luôn luôn phải giữ ấm cho cơ thể.

– Người bệnh cần thực hiện ăn uống đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, sử dụng nhiều loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng tốt đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vi chất. Người bệnh nên hạn chế sử dụng muối và ngưỡng sử dụng muối trong ngày là dưới 5 gam. Người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ, chất béo động vật, các chất kích thích như rượu, bia, chè. thuốc lá.

– Người bệnh cần được thực hiện vệ sinh sạch sẽ như vệ sinh răng miệng hàng ngày, vệ sinh cơ thể để tránh hình thành những ô nhiễm khuẩn. Phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có thể điều trị kịp thời.

3. Thực hiện theo y lệnh của bác sĩ đối với người bệnh tăng huyết áp

– Thực hiện đầy đủ các y lệnh khi sử dụng thuốc điều trị với các loại thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu gặp dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để có thể xử trí kịp thời.

– Định kỳ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi bệnh như công thức máu, ure, creatinin máu, điện tim, protein niệu, soi đáy mắt, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi. Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp. Người bệnh có thể áp dụng các bài tập, vận động trong khoảng 30 phút mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp từ 5 đến 8 mmHg. Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì việc luyện tập đều đặn nếu không huyết áp có thể tăng trở lại. Những bài tập khuyến khích cho người bệnh bao gồm: đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ… Những bài tập này nên được thảo luận trước với bác sĩ để có thể đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh và an toàn cho người bệnh.

– Giảm cân và duy trì cân nặng ở mức ổn định. Huyết áp tăng thường xuất hiện kèm với cân nặng tăng. Tình trạng thừa cân béo phì có thể gây gián đoạn hô hấp khi ngủ và theo thời gian có thể khiến tình trạng huyết áp tăng mạnh hơn. Vì thế những trường hợp THA mà bị thừa cân béo phì cần lưu ý đến giảm cân để kiểm soát huyết áp. Và với mỗi kg trọng lượng giảm có thể người bệnh sẽ giảm khoảng 1mmHg chỉ số huyết áp. Thêm vào đó, người bệnh có thể cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng theo chỉ số khối cơ thể và duy trì vòng bụng với năm giới dưới 90cm và nữ giới là dưới 80cm.

– Bỏ thói quen hút thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm gây THA đồng thời làm tăng cao nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngưng sử dụng thuốc lá sẽ giúp huyết áp trở về trị số bình thường.

– Giảm tình trạng căng thẳng và tập trung nhiều vào việc nghỉ ngơi, thư giãn. Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây THA và bệnh có xu hướng đối phó bằng cách ăn nhiều loại thức ăn không lành mạnh. Từ đó làm cho tình trạng huyết áp ngày càng trầm trọng hơn.

– Người bệnh cần cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Với những người bệnh khi giảm một lượng nhỏ muối trong chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm chỉ số huyết áp khoảng từ 5 đến 6 mmHg. Để thực hiện được việc này thì người bệnh cần chú ý đến nhãn ghi trên bao bì của các sản phẩm thực phẩm, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế bổ sung thêm muối vào các món ăn đồng thời cắt giảm dần dần lượng muối.

– Tự theo dõi huyết áp tại nhà theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay để được điều trị kịp thời.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6