Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chẩn đoán và điều trị viêm khớp quanh vai

Chẩn đoán và điều trị viêm khớp quanh vai

ThS.BS. Lê Thị Thanh

Khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An

  1. Bệnh viêm quanh khớp vai là gì?

   Cấu tạo khớp vai là khớp lớn của cơ thể, nhờ vậy mà  thực hiện nhiều động tác từ hoạt động lao động đơn giản đến hoạt động cần biên độ vận động phức tạp.

 Tổn thương bệnh lý phần mềm quanh khớp điển hình là viêm quanh khớp vai gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh hoạt, lao động, thể thao cho người bệnh. Người bệnh vì nhiều lí do chủ quan hay khách quan mà có thể chẩn đoán muộn, điều trị chưa đúng cách dẫn đến các di chứng, biến chứng nặng nề. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 2% dân số mắc bệnh viêm quanh khớp vai, chiếm tới 12,5% trong tổng số các trường hợp bệnh lý cơ xương khớp.

 Khái niệm viêm quanh khớp vai (tên tiếng Anh Periarthritis Humeroscapularis) là thuật ngữ được dùng để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp, trừ các bệnh lý do tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.

 

  1. Nguyên nhân của bệnh viêm quanh khớp vai là gì? Đối tượng nào dễ bị bệnh ?

Viêm quanh khớp vai xảy ra khi có tổn thương ở các phần mềm quanh khớp do vi chấn thương kéo dài hoặc thoái hóa. Các tổn thương thường gặp  trong viêm quanh khớp vai là tổn thương gân của các cơ xoay, bó dài gân cơ nhị đầu và bao thanh mạc dưới mỏm cùng vai. Gân là tổ chức được dinh dưỡng chủ yếu nhờ thẩm thấu, vùng gân ít được cung cấp máu là vùng gân gần với điểm bám tận. Sự giảm tưới máu sẽ gia tăng cùng tuổi tác do quá trình lão hóa và một số bệnh lý về mạch máu như xơ vữa động mạch, đái tháo đường, các bệnh tự  miễn, ….
Viêm quanh khớp vai thường gặp ở những đối tượng sau:

  –  Độ tuổi: Bệnh hay gặp ở người 40-60 tuổi.

  – Giới tính: Thường gặp nam nhiều hơn nữ.

 – Nghề nghiệp: Người lao động chân tay, giáo viên, tài xế,… thực hiện các động tác lao động, sinh hoạt với tư thế dang tay và đưa tay lên cao quá đầu, khép tay kéo dài gây nên các vi chấn thương liên tiếp. Vận động viên và người chơi tennis, chơi golf, ném, xách các vật nặng gây căng giãn gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài .

 – Tiền sử có chấn thương vùng khớp vai, phẫu thuật vùng khớp vai và các xương liên quan đến khớp vai.

 – Những người bất động khớp vai một thời gian dài như sau đột quỵ não, giai đoạn phục hồi sau các bệnh nặng, bất động do gãy xương cánh tay,…

 – Người bị mắc một số bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh ở phổi và lồng ngực, đột quỵ não, cơn đau thắt ngực.

  1. Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm quanh khớp vai ?

  Đau và hạn chế vận động khớp vai là những triệu chứng thường gặp, tùy theo thể bệnh và mức độ, giai đoạn bệnh mà biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Theo Welfling, viêm quanh khớp vai có 4 thể bệnh:

 Thể đau khớp vai đơn thuần: thường gặp ở người trên 50 tuổi, hoặc  người trẻ bị chấn thương thể thao gây viêm cấp hoặc bán cấp các gân của khớp vai.

 – Cơn đau vai xuất hiện sau vận động đột ngột, quá mức hoặc gặp các chấn thương liên tiếp ở vai, đau có thể sẽ tăng lên khi cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay đối kháng. 

– Cơn đau tăng lên về đêm, thậm chí lan tỏa xuống cánh tay, cẳng tay khi nằm tì vào vai khiến người bệnh khó chịu, đau đớn và không thể nằm nghiêng.

 Thể đau vai cấp: xảy ra do viêm túi thanh mạc từ vi tinh thể của quá trình canxi hóa các gân cơ chóp xoay và sự di chuyển canxi hóa vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng vai – delta.

 – Đau khớp vai đột ngột, dữ dội lan rộng từ vai xuống cánh tay, lan lên cổ và xuống bàn tay khiến người bệnh mất vận động khớp vai. Khớp vai có thể sưng, nóng…   

– Người bệnh có thể sốt nhẹ, mất ngủ, …

Thể giả liệt khớp vai: Cơ Delta không hoạt động do đứt đột ngột, cấp tính mũ các gân cơ quay hoặc đứt bó dài gân nhị đầu.

 – Đau quanh khớp vai dữ dội, có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột, có thể kèm vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay, mất vận động giạng chủ động của cánh tay. Sau đó, cơn đau khớp vai có thể hết nhưng  vẫn không thể khôi phục được khả năng vận động khớp vai.

– Mất động tác nâng vai chủ động nhưng vận động thụ động bình thường. Dấu hiệu phần đứt cơ trước dưới cánh tay khi gấp có đối kháng cẳng tay nếu đứt gân bó dài gân nhị đầu.

 Thể đông cứng khớp vai: do co thắt bao khớp hậu quả của sự rối loạn thần kinh dinh dưỡng lan tỏa, viêm dính bao hoạt dịch, dày bao khớp làm giảm khả năng vận động khớp ổ chảo – xương cánh tay.

– Đau và cứng khớp vai, các cơn đau thường tăng về đêm. Sau vài tuần, cơn đau giảm dần nhưng vùng vai bị đông cứng, hạn chế vận động cả chủ động và thụ động, không thể đưa tay lên cao, dang cánh tay hoặc xoay ngoài.

 – Cứng khớp vai kéo dài có thể kết hợp với loạn dưỡng bàn tay.

  1. Người bệnh được chỉ định cận lâm sàng nào để chẩn đoán bệnh?

 – Siêu âm khớp vai: là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập rất có giá trị trong phát hiện các tổn thương. Hình ảnh siêu âm có thể quan sát được như gân giảm âm, gân vôi hóa, dịch bao quanh gân, dịch ở bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai, đứt gân cơ nhị đầu,gân cơ trên gai,… Hình ảnh siêu âm Doppler năng lượng có thể thấy tăng sinh mạch trong gân, bao gân và bao thanh dịch, …

– X-quang khớp vai: hình ảnh không có tổn thương xương và khớp vai. Một số trường hợp có thể thấy hình ảnh gián tiếp của thoái hóa hoặc lắng đọng calci ở gân cơ trên gai. Thể đông cứng khớp vai có thể chụp X-quang khớp vai với thuốc cản quang có hình ảnh khoang khớp thu hẹp chỉ còn 5-10ml (bình thường là 30-35ml), giảm cản quang khớp, các túi cùng màng hoạt dịch biến mất.

 – Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI cho phép chẩn đoán rõ ràng, chi tiết các tổn thương phần mềm khớp vai.

  1. Bác sỹ chẩn đoán bệnh viêm quanh khớp vai khi nào?

 – Chẩn đoán viêm quanh khớp vai cần sự thăm khám tỉ mỉ của bác sỹ chuyên khoa. Bác sỹ chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và chụp X-quang thường để loại trừ các tổn thương sụn và xương khớp vai, siêu âm khớp vai để đánh giá các tổn thương, chỉ định chụp MRI khi cần thiết.

– Cần chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý của các thành phần khác mà có triệu chứng đau khớp vai và hoặc kèm theo hạn chế vận động.

  1. Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai như thế nào?

 Để điều trị viêm quanh khớp vai, cần kết hợp và lựa chọn các biện pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. 

Điều trị nội khoa

 – Thuốc giảm đau thông thường: Dùng thuốc theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới.

– Thuốc chống viêm không Steroid: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và bệnh kèm theo.

 – Tiêm corticoid tại chỗ là phương pháp mang lại hiệu quả tốt. Người bệnh có thể được chỉ định tiêm vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ Delta, tiêm nong khớp vai …Cần lưu ý các chống chỉ định, các trường hợp cần thận trọng khi tiêm và các biến chứng do tiêm.

– Hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. 

– Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao, nhiều yếu tố tăng trưởng cùng các phân tử sinh học kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh quá trình hồi phục tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương, chấm dứt nhanh các cơn đau, đảm bảo hiệu quả điều trị. Phương pháp này thường ứng dụng trong điều trị đứt bán phần gân mũ cơ quay ở bệnh nhân dưới 60 tuổi.

Điều trị ngoại khoa

  – Nội soi  khớp vai để lấy các tinh thể canxi lắng đọng.

  – Phẫu thuật nối gân bị đứt: chỉ định với thể giả liệt khớp vai, đặc biệt đối với người trẻ tuổi bị đứt gân vùng khớp do chấn thương. Trường hợp đứt gân do thoái hóa ở những người trên 60 tuổi, quyết định phẫu thuật cần có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định hết sức cẩn trọng từ bác sĩ.

 Vật lý trị liệu

– Chế độ vận động hợp lý: giai đoạn đau vai cấp cần để vai nghỉ ngơi, khi việc điều trị có hiệu quả mới bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai. Tránh lao động nặng quá mức, cũng như các tác động trực tiếp lên khớp vai.

 – Giảm đau tại chỗ bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… Giai đoạn không sưng, nóng có thể áp dụng các liệu pháp nhiệt như: hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, bó nến…

 – Vật lý trị liệu trong thể đông cứng khớp vai có vai trò quan trọng để điều trị và tăng hiệu quả sau can thiệp khớp vai.

  7. Phương pháp phòng tránh bệnh viêm quanh khớp vai?

– Thận trọng trong những sinh hoạt hàng ngày để tránh chấn thương khớp vai, tránh làm việc quá sức, mang vác nặng, … và dành thời gian nghỉ ngơi sau những công việc sử dụng vai trong thời gian dài, tránh tác động chèn ép vai.

– Không thay đổi tư thế vai đột ngột, khởi động trước khi vận động

– Hãy chú ý nhận diện các triệu chứng và thăm khám các bác sỹ chuyên khoa Cơ xương khớp để được tư vấn và điều trị hiệu quả.

 Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An – Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 (Thời gian đặt hẹn: 7giờ – 19 giờ Thứ 2 đến Thứ 6 và 7 giờ -12 giờ thứ bảy hàng tuần, áp dụng cho bệnh nhân khám viện phí và yêu cầu).

Số điện thoại khoa Nội Cơ xương khớp: 0385.384.657.

Website: https://bvnghean.vn