Thời điềm giao mùa Hè – Thu, nền nhiệt độ thường xuyên thay đổi, nắng mưa thất thường gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng của con người, nhất là trẻ nhỏ; đồng thời thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên các bệnh truyền nhiễm, tiêu hoá, hô hấp. Chính vì thế, việc phòng bệnh trong thời điểm giao mùa là rất cần thiết; trong đó chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một trong những yếu tố quan trọng, giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh tiêu hoá như đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống, tiêu chảy… Nguyên nhân thường do chế độ ăn uống thiếu phù hợp, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thức ăn ôi thiu, bị lên men hoặc nhiễm khuẩn làm mất cân bằng hệ vi dinh đường ruột. Ngoài ra khi trẻ ốm, điều trị bằng kháng sinh dài ngày sẽ khiến các nhóm lợi khuẩn tiêu hoá bị tiêu diệt, gây loạn khuẩn đường ruột.
Khi trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, khả năng tiêu hoá và hấp thu giảm đi. Tình trạng này diễn ra liên tục khiến trẻ biếng ăn, ảnh hưởng thể chất và trí tuệ do thiếu hụt dinh dưỡng. Dưới đây là các tư vấn dinh dưỡng cho trẻ thời điểm giao mùa:
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, nước) giúp bé tiêu hoá và hấp thu tốt nhất.
– Thực phẩm giàu đạm có tác dụng kích thích sản nhiệt cao hơn các thức ăn khác, vì vậy có khả năng giữ ấm trong thời tiết lạnh. Mẹ nên bổ sung đạm cho bé từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua …
– Bổ sung rau củ vào bữa ăn cho bé mỗi ngày giúp bé có thêm chất xơ và vitamin. Điều này mang đến cho bé một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời tăng cường hấp thu dinh dưỡng và thúc đẩy việc đào thải các độc tố trong cơ thể. Từ đó bé sẽ có một hệ miễn dịch tốt hơn. Ngoài ra, các loại rau củ còn có tác dụng giúp não bộ phát triển khỏe mạnh và tăng khả năng học hỏi cho bé.
– Tăng lượng rau củ quả, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin A, C. Các thực phẩm giàu vitamin A bao gồm rau sẫm màu (rau ngót, mùng tơi, muống, cải ngọt…), trái cây màu vàng hay cam như xoài, đu đủ, chuối cam, hồng chín… Các thực phẩm giàu vitamin C như cam, ổi, bưởi, chuối, xoài, quýt, rau xanh…
– Ngoài ra, mẹ nên chế biến thêm hành, tỏi, gừng vào các món ăn, để tăng mùi vị và tăng sức đề kháng của trẻ.
– Uống đủ nước mỗi ngày là một việc cần thiết. Nước có tác dụng loại bỏ các chất dư thừa cũng như độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, việc uống nước đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất và giúp tim hoạt động bơm máu hiệu quả, đồng thời vận chuyển oxy trong máu và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào. Bên cạnh đó, nước còn giúp hòa tan chất thải và chuyển xuống đường tiêu hóa dễ dàng hơn giúp bé tránh được tình trạng táo bón gây hại cho sức khỏe.
Việc uống bao nhiêu nước một ngày còn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như nhu cầu của mỗi bé. Đối với các bé dưới 6 tháng tuổi thì chỉ cần dùng sữa mẹ hoặc pha sữa bột theo đúng tỉ lệ là đủ. Tiếp theo, các bé từ 6 – 12 tháng thì các phụ huynh cần lưu ý cho bé uống khoảng từ 200 – 300ml nước mỗi ngày. Khi bé lớn hơn, tùy thuộc vào nhu cầu cũng như thể trạng của bé mà cho bé uống nước.
2. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
– Ưu tiên chọn thực phầm tươi, theo mùa. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kĩ bằng nước sạch. Trước khi nấu rau xanh cần rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần rồi mới thái nhỏ để không mất nhiều vitamin.
– Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn.
– Thực hiện ăn chín, uống sôi và nên ăn ngay sau khi chế biến, đun kỹ lại các loại thức ăn cũ trước khi sử dụng. Che đậy, bảo quản đồ ăn, thức uống sau khi nấu chín.
– Rửa tay sạch trước lúc chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những nguồn gây ô nhiễm khác.
– Đảm bảo dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải được khô ráo, vệ sinh sạch sẽ.
– Bảo đảm nguồn nước sạch trong chế biến các thực phẩm. Nước đá sử dụng trong đồ ăn, thức uống phải được sản xuất từ nguồn nước bảo đảm vệ sinh. Hạn chế sử dụng đồ ăn chế biến sẵn.
Ngoài ra, cần cho trẻ ngủ đủ giấc, chú ý giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và đặc biệt cho trẻ tiêm phòng đầy đủ đúng lịch, đúng các mũi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN