Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chế độ luyện tập cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

Chế độ luyện tập cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

ThS.BS. Lê Thị Thanh

Khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An

1. Vai trò của tập luyện đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

 Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing Spondylitis) là bệnh lý viêm hệ thống mạn tính với tổn thương đặc trưng ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp trục, có thể kèm theo các tổn thương ở các khớp ngoại vi và toàn thân. Bệnh thường khởi phát ở người trẻ tuổi và dẫn đến nhiều di chứng nặng nề, biến dạng cột sống, dính cứng khớp nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng cách. Chiến lược hiện nay là cần điều trị sớm, tích cực, kiểm soát bệnh hướng theo mục tiêu nhằm đạt tình trạng lui bệnh bền vững hoặc bệnh chỉ ở mức độ hoạt động bệnh thấp tối thiểu. Việc điều trị đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp bao gồm giáo dục bệnh nhân, các phương pháp không dùng thuốc như vật lý trị tiệu, tập luyện, điều trị nội khoa và ngoại khoa khi cần thiết để khắc phục các di chứng.

 Hai triệu chứng mà hầu hết những người bị viêm cột sống dính khớp phải đối mặt chính là hiện tượng cứng khớp và đau khớp, đau cột sống. Nếu được tập luyện đúng cách, đều đặn người bệnh có thể kiểm soát tình trạng này, hạn chế dùng thuốc giảm đau, cải thiện tính linh hoạt, giảm bớt đau nhức, hỗ trợ khả năng thở, giảm tình trạng mệt mỏi, lo âu và tăng cường các chức năng tổng thể của cơ thể,.. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bị viêm cột sống dính khớp được cải thiện, mang đến sự tự tin và niềm hy vọng vượt qua trở ngại của bệnh tật.

 Hiệu quả của tập luyện đối với bệnh viêm cột sống dính khớp, trong nhiều nghiên cứu khoa học bao gồm:

  • Tăng phạm vi chuyển động, tăng tính linh hoạt: Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng hằng ngày sẽ giúp tầm vận động của người bệnh được mở rộng và linh hoạt hơn, kéo giãn các cơ quanh vùng cột sống, giúp người bệnh được thư giãn cơ cũng như ngăn ngừa các chấn thương có nguy cơ xảy ra trong tương lai.
  • Tăng sức bền và sức đề kháng: Người bệnh nên tập các bài chuyên về tăng cường sức mạnh cơ, xương; kiểm soát huyết áp, cân nặng đồng thời bảo vệ các khớp không bị đau và tránh tổn thương. Các bài tập thể dục tăng cường sức bền, tập thở được điều chỉnh phù hợp với thể trạng và điều kiện mỗi bệnh nhân.
  • Giảm nhẹ các cơn đau: giảm hiện tượng, giảm cường độ đau và cứng khớp, giúp người bệnh  phục hồi chức năng, cải thiện tầm vận động trong quá trình bị các tổn thương do bệnh viêm cột sống dính khớp.
  • Lợi ích đối với tâm lý: giảm lo âu, giảm căng thẳng, tạo lợi ích trong cân bằng lối sống và tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.

Hiệp hội Viêm cột sống Hoa Kỳ (SAA) khuyến nghị rằng, một chương trình tập thể dục lý tưởng cho người viêm cột sống dính khớp cần phải đạt được các yêu cầu gồm:

  • Kéo giãn, kéo căng: Cải thiện tính linh hoạt và giảm cứng cơ, tăng tầm vận động , giảm sưng, đau và giảm thiểu nguy cơ dính khớp.
  • Tăng nhịp tim, bài tập tim mạch: Ưu tiên các bài tập như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu để cải thiện chức năng phổi và tim, giảm đau và giảm mệt mỏi.
  • Tăng cường sức mạnh cơ: Ưu tiên các bài tập di chuyển và tập cơ có đối kháng. Các cơ cốt lõi và cơ lưng mạnh mẽ sẽ giúp hỗ trợ cột sống, cải thiện biên độ chuyển động và điều chỉnh tư thế, dáng đi.
  • Thăng bằng: Cải thiện sự ổn định khi đứng và di chuyển, giảm khả năng ngã, nhất là với người có mật độ xương thấp và lớn tuổi.
    2. Các bài tập cho người bệnh viêm cột sống dính khớp

 Các bài tập cho người bệnh viêm cột sống dính khớp cần thực hành sớm ngay khi chẩn đoán và  duy trì thường xuyên. Chế độ sinh hoạt bình thường như làm việc, học tập, du lịch, … người bệnh nên duy trì bởi các vận động thiết thực này là  cơ hội để tập luyện, vận động  mỗi ngày.

Các hoạt động như  đạp xe,  leo cầu thang bộ, đi bộ  hoặc tham gia các môn thể thao phù hợp hạn chế được nguy cơ chấn thương, tăng kéo giãn như vận động dưới nước (bơi lội) hay các bài tập thể dục nhịp điệu và tập sức mạnh cơ, tập với bóng, ..có tác động tốt với người bệnh.

Ngoài ra,các liệu pháp hữu ích tập trung vào chương trình tập luyện có kế hoạch cho thể chất và tâm lý như Yoga, Taichi, tập thở….nên được ứng dụng rộng rãi. Người bệnh cần chọn lối sống và thói quen sinh hoạt để cột sống và khớp ở tư thế cơ năng thích hợp như nằm ngủ trên giường, nệm cứng, gối đầu thấp, tránh nằm võng, tránh mang vác nặng, tránh lối sống tĩnh tại.

Một kế hoạch điều trị tốt sẽ bao gồm các bài tập vận động và hoạt động thể chất phù hợp, lành mạnh, cá thể hóa phù hợp với nhu cầu và tình trạng của từng người bệnh. Một số bài tập sau có thể giúp người bệnh dễ tiếp cận và  áp dụng thường xuyên:

2.1 Bài tập kéo giãn

  • Mục đích: giãn cơ, giảm đau lưng, hạn chế dính cứng cột sống, tăng cường phạm vi chuyển động
  • Cách thực hiện: Nằm sấp, duỗi thẳng hai chân. Từ từ chống khuỷu tay lên, nâng ngực không chạm sàn. Nếu có thể duỗi thẳng cánh tay và giữ trong 10 -20 giây. Lặp lại 3-5 lần. Thực hiện động tác này hàng ngày.

Một số tư thế kéo giãn khác như : Tư thế con mèo (Cat Back), Tư thế siêu nhân (Superman Stretch), tư thế cây cầu (Bridge)

2.2. Bài tập plank

  • Mục đích: tăng cường sức mạnh cơ, phát triển khối cơ, chỉnh tư thế, giảm đau lưng, tăng cường trao đổi chất, thăng bằng cơ thể tốt hơn và hạn chế chấn thương khi vận động, tạo cảm giác thoải mái.
  • Cách thực hiện: Nằm sấp trên một mặt phẳng, đặt cẳng tay của bạn trên mặt đất. Duỗi chân ra phía sau và giữ thăng bằng trên các ngón chân .Hóp bụng và mông để giữ cơ thể trên một đường thẳng. Giữ cổ thẳng hàng với cột sống . Để yên trong 5 giây .Lặp lại 3-5 lần hoặc nhiều hơn tùy theo sức khỏe của bạn.Thực hiện 3 – 5 lần/tuần.
    2.3. Bài tập đứng
  • Mục đích: giúp cơ thể ở tư thế cơ năng phù hợp, giãn cơ vùng lưng , vùng mông, giảm đau và kéo dãn cột sống.

   

  • Cách thực hiện: Người tập đứng thẳng, gót chân cách tường khoảng 10cm. Đứng thẳng, không nhón chân lên và giữ nguyên tư thế trong 5 giây. Kết hợp các động tác vận động khớp vai dạng, nâng tay lên phía trước và thẳng lên trên, giữ khuỷu tay thẳng và đưa cẳng tay sát vào tai và lòng bàn tay hướng vào trong. Thư giãn về tư thế nghỉ, sau đó lặp lại động tác 10 lần. Người bệnh nên kiểm tra tư thế của qua gương và  thực hiện 3-5 lần/tuần.
    2.4.
    Bài tập ngồi

  • Mục đích: tăng sức mạnh, sức chịu đựng của cơ vùng vai, mông, cơ khớp chi dưới. Bài tập cũng tăng cường bền của cơ thể, tăng sự tập trung và sự dẻo dai của cơ thể.
  • Cách thực hiện tư thế ngồi xổm dựa lưng vào tường (Wall sit): Đứng  khoảng 0,5m, dạng chân rộng khoảng 20cm. Từ từ hạ thấp trọng tâm, điều chỉnh tư thế sao cho đùi và chân tạo thành góc vuông. Lưu ý, lưng giữ thẳng và đùi song song với sàn.Giữ tư thế trong 20-30 giây, khi quen dần thì tăng lên thành 60 giây.  Đứng thẳng và trở về tư thế ban đầu, lặp lại tư thế 3 hiệp, mỗi hiệp 10 lần.
    2.5. Bài tập nằm
  • Mục đích: tăng sức mạnh cơ, tăng sự thăng bằng, giãn cột sống, hạn chế dính cứng khớp, giảm đau.

   

  • Cách thực hiện: Nằm xuống sàn, khớp gối tạo thành góc 45 độ, bàn chân nằm phẳng trên sàn. Nâng phần hông lưng lên cao giữ trong 5 giây rồi từ từ hạ xuống. Có thể tiến hành 2-5 lần/ngày. Có nhiều tư thế tập kết hợp khi tập nằm như tập gấp chân, tập nâng cánh tay,…
    2.6. Bài tập hít thở sâu
  • Mục đích: định hình tư thế tốt mở rộng cho khung xương sườn lồng ngực, cải thiện hô hấp và tim mạch, hỗ trợ tinh thần, giảm căng thẳng, giảm đau tự nhiên.
  • Cách thực hiện : thở ra thật chậm và sâu, hơi thở kéo dài bằng mũi trong ít nhất khoảng 5 giây. Sau đó hít vào chậm sâu bằng mũi ít nhất 5 giây. Cần thả lỏng vùng vai và cổ, lặp lại động tác 5- 10 lần mỗi ngày.
    3. Các lưu ý khi tập luyện đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

Các bài tập cho người viêm cột sống dính khớp được chứng minh là đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất đồng thời tránh những các tổn thương cho cơ thể, cần lưu ý cần cá thể hóa các phương pháp tập luyện và :

  • Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn một cách cụ thể
  • Tuân thủ liệu trình điều trị bằng thuốc và các phương pháp tập luyện
  • Trước khi bắt đầu tập luyện tại nhà, nên được tư vấn với bác sỹ và đến phòng tập để được hướng dẫn chi tiết 
  • Chọn địa điểm phù hợp, thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ dụng cụ tập luyện 
  • Đừng quên khởi động kỹ trước khi tập luyện
  • Tập luyện đều đặn, kiên trì kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng 

Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An có các bác sỹ chuyên khoa về cơ xương khớp và các bác sỹ chuyên khoa vật lý trị liệu, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh cột sống ,.. để có thể đưa ra cho người bệnh những tư vấn phù hợp và lựa chọn điều trị tốt nhất.

 👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 hoặc 0886.234.222

⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6

🖥Website: https://bvnghean.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/