Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chụp X – Quang thực quản dạ dày trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiêu hoá

Chụp X – Quang thực quản dạ dày trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiêu hoá

– Thực quản là một ống cơ, nối hầu với dạ dày. Ở cổ, thực quản nằm sau khí quản, đi xuống trung thất sau, nằm phía sau tim, trước động mạch chủ ngực, xuyên qua cơ hoành vào ổ bụng, nối với dạ dày.

– Dạ dày là nơi chứa thức ăn sau khi nuốt qua thực quản và trước khi đi vào hệ thống ruột. Có nhiệm vụ chứa thức ăn, nghiền nát, chuyển hóa một phần các thức ăn thành chất dinh dưỡng chuẩn bị quá trình hấp thu đi nuôi cơ thể.

 Bài viết được thực hiện bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên khoa chẩn đoán hình ảnh BVHNĐK Nghệ An, giúp người bệnh hiểu rõ hơn về quy trình và khi nào cần chụp chụp thực quản – dạ dày.

 1.Chụp xquang thực quản – dạ dày là gì?

– Chụp Xquang thực quản – dạ dày là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa. Phương pháp chụp X quang thực quản – dạ dày sử dụng tia X được phát từ bóng X quang qua cơ thể người bệnh đến tấm thu nhận, các tín hiệu sẽ được mã hóa và cho ra hình ảnh.

– Khác với cách chụp X quang thông thường, khi chụp X quang dạ dày, người bệnh cần uống thuốc cản quang (barium). Thuốc cản quang giúp hiện rõ hình ảnh những tổn thương tại vùng thực quản, dạ dày và tá tràng. Thuốc cản quang barium là một loại muối kim loại không hòa tan trong nước hay dung môi hữu cơ nên sẽ an toàn với cơ thể.

– Các trường hợp dị ứng với thuốc cản quang rất hiếm gặp. Barium được bào chế ở dạng bột, thường được sử dụng khi chụp Xquang thực quản – dạ dày. chúng sẽ bắt màu cản quang sáng trên phim chụp. Đặc điểm này giúp làm nổi bật lên hình ảnh của thực quản, dạ dày. Các bất thường được phát hiện trên phim chụp sẽ là những gợi ý để chẩn đoán các bệnh lý của đường tiêu hóa trên.

– Hiện nay, kỹ thuật chụp Xquang thực quản – dạ dày thường được kết hợp với chụp cắt lớp vi tính, nội soi sinh thiết để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh thuận lợi, chính xác.

                        Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp x quang thực quản để chẩn đoán các bệnh lý gây ra các triệu chứng như khó nuốt

2. Phim chụp x quang thực quản giúp chẩn đoán được các bệnh lý gì?

– Phim chụp x quang thực quản – dạ dày thường được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến bất thường cấu trúc và chức năng của đường tiêu hóa. Một số các rối loạn mà phim chụp X quang thực quản có thể giúp ích trong việc chẩn đoán bao gồm:

+ Xuất huyết dạ dày

+ Túi thừa thực quản

+ Co thắt tâm vị

+ Viêm thực quản, dạ dày

+ Tắc nghẽn lòng thực quản hoặc kiểm tra sự lưu thông miệng nối ở những bệnh nhân đã phẫu thuật nối dạ dày ruột

+ Rối loạn hoạt động cơ thực quản biểu hiện bằng triệu chứng nuốt khó hoặc đau quặn bụng

+ Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

+ Ổ loét thực quản, dạ dày

+ Khối u trong lòng thực quản, dạ dày, bao gồm cả những khối u lành tính và khối u ác tính

+ Các khối u từ các cấu trúc xung quanh chèn ép gây biến dạng lòng thực quản, dạ dày

+ Nôn tái diễn

+ Không luồn ống nội soi vào được thực quản khi tiến hành nội soi đường tiêu hóa

+ Đánh giá các đường rò thực quản

3. Chống chỉ định thực hiện chụp Xquang thực quản – dạ dày:

– Chất cản quang barium nên được thay thế bằng các hợp chất cản quang tan trong nước trong những trường hợp sau để bảo đảm an toàn cho người bệnh:

+ Nghi ngờ có thủng thực quản

+ Đánh giá các đường rò tiêu hóa sau phẫu thuật sửa chữa

– Khi sử dụng các thuốc cản quang tan trong nước cho bệnh nhân cần lưu ý nguy cơ sặc chất lỏng vào đường hô hấp. Tai biến hít phải các dung dịch cản quang tan trong nước có thể dẫn đến phù phổi diện rộng và đe dọa tính mạng người bệnh. Những thuốc có độ thẩm thấu thấp như Omnipaque nên được sử dụng thay thế trong những trường hợp này.

4. Quy trình thực hiện chụp Xquang thực quản – dạ dày

– Người bệnh cần được tư vấn quy trình thực hiện và các nguy cơ, tai biến và các nguy cơ có thể gặp trước, trong và sau chụp phim

– Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phương pháp chụp X quang thực quản – dạ dày cần được tiến hành tuần tự theo các bước sau:

+ Chuẩn bị bệnh nhân: người bệnh cần được tư vấn quy trình thực hiện và các nguy cơ, tai biến và các nguy cơ có thể gặp trước, trong và sau chụp phim. Lưu ý dặn dò người bệnh cần nhịn ăn uống trước khi tiến hành thủ thuật trong ít nhất 12 giờ và không mang trang sức, kim loại vào phòng chụp. Ngay trước khi chụp, các thông tin hành chính như tên tuổi và tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng thuốc nên được kiểm tra để tránh các sai sót.

+ Chuẩn bị phương tiện cần có như máy chụp phim X quang, thuốc cản quang, bơm tiêm, bông gạc, …

+ Lựa chọn tư thế cho người bệnh: có thể hướng dẫn người bệnh đứng thẳng hoặc nằm tùy theo mục đích khảo sát trong từng trường hợp. Khi nghi ngờ các bất thường trong vận động của thực quản như co thắt tâm vị, rối loạn cử động nuốt hoặc muốn phát hiện dị vật trong lòng thực quản hoặc các đoạn hẹp trên thành thực quản nên lựa chọn tư thế đứng cho người bệnh.

+ Trong khi tiến hành chụp, người bệnh cần ngậm sẵn một ngụm thuốc cản quang và nuốt hoặc ngừng nuốt theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Người bệnh cần nín thở một vài lần trong suốt quá trình chụp để đảm bảo chất lượng phim chụp không bị nhiễu hình ảnh.

– Chụp phim X quang thực quản – dạ dày mất trung bình khoảng 30 phút cho mỗi lần chụp. Một số các hình ảnh bất thường có thể thu được trên phim chụp xquang thực quản bao gồm

+ Rối loạn vận động thực quản với hình ảnh bất thường các sóng thứ cấp

+ Thực quản giãn to, uốn khúc ngoằn ngoèo

+ Thực quản có hình mỏ chim trong bệnh lý co thắt tâm vị

+ Biến dạng lòng thực quản do chèn ép từ các khối u ở các cơ quan xung quanh

+ Hình ảnh viêm thực quản

+ Ung thư thực quản.

Sau đây là 1 số hình ảnh chụp xquang thực quản – dạ dày có bệnh lý được thực hiện bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên khoa chẩn đoán hình ảnh BVHNĐK Nghệ An :

 5. Tác dụng phụ của thuốc cản quang

– Nếu thuốc cản quang không được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể sau chụp X quang, người bệnh có thể mắc phải chứng táo bón.

– Ngoài ra, chụp phim X quang thực quản còn là một thủ thuật làm tăng mức phơi nhiễm với tia X. Nguy cơ xuất hiện các tai biến liên quan đến phơi nhiễm tia X sẽ tăng dần theo thời gian và có mối liên quan đến số lần chụp phim Xquang trong suốt cuộc đời. Phơi nhiễm tia xạ trong thai kỳ còn có thể gây ra các dị tật thai bất thường. Vì thế, phụ nữ mang thai không nên tiến hành chụp X quang thực quản- dạ dày.

Chụp X-quang thực quản – dạ dày có thuốc cản quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá cấu trúc giải phẫu của đường tiêu hóa. Vì thế bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín có đủ hệ thống máy móc y tế hiện đại để thực hiện kỹ thuật này.

👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6

🖥Website: https://bvnghean.vn.