Theo thông tin từ khoa Chấn thương – Chỉnh hình, cụ bà Nguyễn Thị Thảo (100 tuổi, ở xã Nghi Kim, TP Vinh) vừa được các bác sĩ thay khớp háng thành công. Chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của cụ đã ổn định và có thể vận động được.
Ngày 02/3/2017, cụ Thảo nhập viện trong tình trạng háng phải bị sưng lớn, đau nhức không di chuyển được do bị trượt chân ngã 6 ngày trước đó. Cụ còn bị các bệnh lý về phổi, tim mạch và thể trạng già yếu. Qua chụp phim X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái phức tạp do chấn thương ngã ngồi.
Ngày 06/03/2017, sau khi được hồi sức tích cực và nâng cao thể trạng, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho cụ Thảo. Ca mổ đã hoàn thành sau gần một giờ.
Nhờ công tác hồi sức hậu phẫu được thực hiện tốt, bệnh nhân đã nhanh chóng hồi phục. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, giảm các cơn đau. Bệnh nhân có thể ngồi dậy được, ăn uống tốt và tinh thần ổn định.
Cụ bà Nguyễn Thị Thảo hồi phục sức khỏe nhanh sau ca phẫu thuật thay khớp háng
Theo ThS.BS. Nguyễn Đức Vương, Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình, trong vòng 2 năm qua, khoa đã tiến hành thay khớp háng nhân tạo thành công cho gần 10 bệnh nhân từ 96 tuổi trở lên. Một số trường hợp điển hình như cụ Nguyễn Thị Duân (99 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP Vinh), phẫu thuật từ tháng 9/2015 đến nay cụ đã 101 tuổi,… Sau phẫu thuật, cụ Duân tự đi lại được đoạn dài, không phụ thuộc vào con cháu hay phương tiện hỗ trợ khác.
Việc phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân cao tuổi là một tiến bộ của y học bởi kỹ thuật này đòi hỏi tính chính xác cao và quá trình chăm sóc hồi sức hậu phẫu phải tốt. Bệnh nhân lớn tuổi thường có nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo như thiếu máu, suy thận, bệnh lý về tim mạch,… gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật vì nguy cơ tử vong trong và sau mổ rất cao. Tuy nhiên, với sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Gây mê và Hồi sức Ngoại, phẫu thuật thay khớp háng cho các cụ cao tuổi tại bệnh viện vẫn đạt kết quả khả quan.
Theo ThS. BS. Vương, bệnh nhân cao tuổi khi bị gãy cổ xương đùi sẽ rất khó liền xương. Hiện nay, bó bột rất ít dùng vì bó bột lâu ngày dễ gây nhiều biến chứng toàn thân nặng nề, nhất là với các bệnh nhân già, như viêm phổi, tắc tĩnh mạch chi dưới, tắc mạch phổi, loét tỳ đè, nhiễm khuẩn tiết niệu,… Mổ kết hợp xương cũng rất ít được sử dụng do có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân biến chứng tiêu cổ gây khớp giả và tiêu chỏm gây thoái hóa khớp. Phẫu thuật khớp háng là phương pháp ưu việt nhất vì bệnh nhân nhanh chóng có thể vận động đi lại được, qua đó sẽ giảm được các biến chứng nguy hiểm do nằm lâu. Với những bệnh nhân cao tuổi, bác sĩ khuyên không nên tự điều trị tại nhà, mà nên sớm đưa đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa khám xét và chỉ định điều trị thích hợp phòng tránh những biến chứng nguy hiểm thường gặp.
Gãy cổ xương đùi là một tai nạn rất hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất. Điều trị gãy cổ xương đùi tùy thuộc vào loại gãy và tuổi bệnh nhân. Với bệnh nhân già, điều trị chủ yếu là phẫu thuật thay khớp.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN