Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Dấu hiệu hạ đường huyết và cách xử trí

Dấu hiệu hạ đường huyết và cách xử trí

Hạ đường huyết là một trong những biến chứng cấp tính rất nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ở các bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh tim mạch từ trước, biến chứng này có thể làm phức tạp thêm bệnh cảnh và góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong.

Định nghĩa: Hạ đường huyết là khi đường máu giảm dưới mức 70 mg/dL (3,9mmol/l)

Nguyên nhân Hạ đường huyết:

  • Quá liều Insulin: thường gặp ở người bệnh đái tháo đường tiêm Insulin liều cao
  • Do Sulfonylurea: Các thuốc điều trị ĐTĐ thuộc nhóm Sulfonylurea gây ra tỷ lệ hạ đường huyết cao hơn, nhất là khi điều trị tích cực
  • Giảm khẩu phần ăn hay lùi giờ ăn.
  • Gắng sức.
  • Rượu: làm ngăn cản quá trình tân tạo đường và làm mất hay lẫn lộn các triệu chứng cảnh báo hạ đường huyết. Một bệnh nhân say rượu đi ngủ đặc biệt nguy hiểm vì dễ xảy ra hạ đường huyết.
  • Do thuốc: thuốc dùng quá liều do vô tình hay cố ý, hoặc do tác dụng độc với gan, hoặc do gây tình trạng suy dinh dưỡng
  • Các yếu tố thuận lợi của hạ đường huyết: chế độ ăn kiêng quá khắt khe, cao tuổi, bệnh gan và bệnh thận, bệnh nhân không hiểu biết hoặc không được hướng dẫn đầy đủ.

Phân loại hạ đường huyết:

  • Nhẹ: bệnh nhân tỉnh táo,có biểu hiện nhịp tim nhanh, run tay, đánh trống ngực,vã mồ hôi
  • Trung bình: có biểu hiện thần kinh:giảm độ tập trung, lú lẫn,lơ mơ
  • Nặng: tình trạng thần kinh nặng: co giật, mất ý thức, hôn mê

Các dấu hiệu lâm sàng:

trieu-chung-ha-duong

  • Biểu hiện chung: bệnh nhân cảm thấy mệt đột ngột không giải thích được, cảm giác chóng mặt, đau đầu, lo âu, cảm giác chân tay nặng nề, yếu.
  • Dấu hiệu Thần kinh thực vật: Da xanh tái,vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách, run tay, hồi hộp đánh trống ngực, lo âu hốt hoảng mất bình tĩnh.
  • Dấu hiệu tim mạch: nhịp tim nhanh, tăng huyết áp tâm thu, có thể có cơn đau thắt ngực, cảm giác nặng ngực vùng tim.
  • Dấu hiệu tiêu hóa: cảm giác đói cồn cào, nóng rát vùng dạ dày.
  • Dấu hiệu thần kinh: nhìn mờ, nhìn đôi,hoa mắt, năng có thể có co giật, tổn thương dây thần kinh gây liệt, rối loạn cảm giác, vận động.
  • Dấu hiệu tâm thần: có thể có kích động, rối loạn nhân cách, nói cười vô cớ, ảo giác.
  • Hôn mê hạ đường huyết: là giai đoạn nặng của hạ đường huyết, có thể xuất hiện đột ngột không báo trước nhưng ít gặp, thường xuất hiện sau các triệu chứng báo trước nhưng không được điều trị kịp thời. Hôn mê thường yên lặng, hôn mê sâu, có thể có biểu hiện thần kinh khu trú

Điều trị: đây là một cấp cứu nội khoa ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh,vì vậy phải điều trị ngay khi có triệu chứng hạ đường huyết

  • Đối với trường hợp nhẹ và trung bình:

+ Cần cho ăn tối thiểu 15g đường (3 miếng đường)

+ 100 ml nước ngọt (cocacola)  (110g đường/1 lít cocacola)

+ uống 100-150  ml nước hoa quả (cam) (100g đường/lít)

  • Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng tiêm tĩnh mạch dung dịch đường    ưu trương 20 – 30% (40 – 60ml), có thể nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh. Nếu BN kích thích vật vã khó truyền TM tiêm glucagon 1 mg tiêm bắp, sau 10 phút tiêm nhắc lại nếu BN chưa tỉnh
  • BN bị hạ đường huyết kéo dài sau cấp cứu như trên để tránh tái phát , có thể truyền Glucose 10%, theo dõi đường máu 4h/lần trong vòng 24h sau
  • BN tỉnh, cho uống hoặc ăn thêm bữa
  • BN có rối loạn ý thức nặng cần nhập viện điều trị và theo dõi.

Hướng dẫn phòng hạ đường huyết cho bệnh nhân

  • Để phòng bệnh, mọi người không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.

Đối với bệnh nhân ĐTĐ không nên tự ý dùng insulin mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Những bệnh nhân này cũng cần có chế độ tập luyện thể lực điều độ, nên mang sẵn những thứ như kẹo ngọt để khi cảm thấy có dấu hiệu hạ đường huyết cần sử dụng ngay. Hạn chế uống rượu đặc biệt là uống rượu mà không ăn hoặc ăn ít.Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở người đái tháo đường là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

(BS. Nguyễn Thị Vân – Khoa Nội tiết Đái tháo đường)