Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi

Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi

I. TỔNG QUAN:

Ung thư phổi là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu. Theo GLOBOCAN 2020, ước tính có khoảng 2,2 triệu ca ung thư phổi mới (11,4%) và gần 1,8 triệu ca tử vong do ung thư phổi (18,0%) xảy ra vào năm 2020.

 Gánh nặng ung thư phổi khác nhau giữa các quốc gia khác nhau, chủ yếu là do các yếu tố nguy cơ khác nhau , chẳng hạn như tỷ lệ hút thuốc, ô nhiễm môi trường và thậm chí cả thói quen ăn kiêng. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ ung thư phổi phổ biến nhất, mặc dù phơi nhiễm môi trường, chẳng hạn như nhiên liệu sinh khối, amiăng, asen và radon, đều là những yếu tố nguy cơ quan trọng của yếu tố phổi với mức độ phơi nhiễm rất khác nhau trên toàn cầu.

Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao nhất ở các nước phát triển về kinh tế, nơi việc hút thuốc lá đạt đỉnh điểm cách đây vài thập kỷ, mặc dù tỷ lệ này hiện đã đạt đỉnh và đang giảm dần.

Các đặc điểm lâm sàng của ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng thường nghèo nàn ở giai đoạn sớm, chủ yếu là các dấu hiệu mơ hồ như ăn uống kém, đau ngực nhẹ hoặc không, sụt cân không rõ nguyên nhân…Mặc dù vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của ung thư phổi trên lâm sàng vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho người bệnh có thể tiếp cận được với điều trị sớm hơn, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và nâng cao hiệu quả điều trị.

I. DẤU HIỆU LÂM SÀNG NGHI NGỜ

1. Ho nhiều

Ho là một triệu chứng phổ biến của bệnh lý hô hấp. Trong ung thư phổi, khối u hiện diện ở các đường khí phế quản và kích thích các đầu mút thần kinh ở nơi này gây ra tình trạng ho kéo dài. Đặc điểm của ho trong bệnh lý UTP thường là ho lâu ngày không khỏi, kéo dài nhiều tháng, đặc biệt trên đối tượng hút thuốc lá nhiều năm.

2. Khó thở

Khó thở là một triệu chứng thường gặp khác trong các bệnh lý về hô hấp, tuy vậy đây cũng là một tình trạng ở nhiều bệnh lý khác bao gồm suy tim, nhồi máu cơ tim…Trong bệnh cảnh ung thư phổi, cơn khó thở thường ở mức nhẹ lúc ban đầu, có thể hụt hơi khi lên xuống cầu thang kèm tình trạng tức ngực. Và triệu chứng tăng dần theo thời gian đến khi người bệnh cảm nhận sự suy giảm rõ rệt về khả năng hô hấp của bản thân và đi khám. Đây cũng là 1 trong những triệu chứng thường gặp ở người bệnh ung thư phổi lần đầu tới khám bệnh.

3. Ho máu

Triệu chứng ho máu có tần suất hiếm gặp hơn, thường ở những khối u ở vị trí trung tâm, xâm lấn vào các đường thở lớn như phế quản gốc, thậm chí khí quản hoặc các khối u, hạch lan tràn rộng ở vùng này. Triệu chứng có thể gặp trong một số bệnh cảnh khác như lao phổi hoặc bất thường mạch máu ở phổi, tuy nhiên đây là một dấu hiệu báo động cho người bệnh về một bệnh lý nghiêm trọng đường hô hấp.   

4. Đau ngực

Đau ngực là triệu chứng lâm sàng thường gặp ở BN ung thư phổi đến khám lần đầu. Đặc điểm của triệu chứng này ở BN ung thư phổi thường là mức độ nhẹ, thậm chí đau ngực mơ hồ lúc ban đầu. triệu chứng kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, với mức độ tăng dần, và không đi kèm với các bệnh lí nặng lên của tim mạch hoặc các bệnh cảnh khác. Khối u có thể có xu hướng xâm lấn vào thành ngực và lúc này triệu chứng đau trở nên rõ rệt và làm bệnh nhân quyết định tới cơ sở y tế.

5. Mệt mỏi/sụt cân

Mệt mỏi/sụt cân là một dấu hiệu rất thường gặp trong ung thư nói chung. Khối u phát triển chiếm chất dinh dưỡng của người bệnh và gây các triệu chứng tiêu cực khác như đau, khó thở, mất ngủ…dẫn đến giảm sút sức khỏe thể chất nói chung của người bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh ung thư phổi đến khám lần đầu vì nguyên nhân này khá thấp do nhận thức và khả năng cung cấp dịch vụ y tế cộng đồng còn hạn chế ở nước ta.

6. Khối sưng vùng cổ/đau bụng hạ sườn phải

Đây là các dấu hiệu gián tiếp gợi ý khối u đã tiến triển ở giai đoạn muộn và di căn đến các cơ quan xa hơn như hạch, gan…Người bệnh lúc này thường đã có các dấu hiệu khác như mệt mỏi, gầy sút, khó thở…trước đó, nhưng không đi khám tầm soát bệnh lý ác tính. Biểu hiện khối sưng vùng cổ thường với tính chất cứng chắc, kém di động, có thể đau hoặc không. Đau vùng hạ sườn phải hoặc đau trong ổ bụng bắt gặp với tần suất hiếm hơn, và thường ở giai đoạn

7. Huyết khối

Tình trạng tăng đông là một bệnh cảnh rất thường gặp trong ung thư, tuy nhiên cũng gặp ở nhiều bệnh lý khác. Các triệu chứng gợi ý trên lâm sàng có thể là đột ngột sưng lên ở 1 bên chân hoặc cả 2 (thường là 1 bên); hoặc các trường hợp nghiêm trọng hơn như tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Điều trị đồng thời cả tình trạng huyết khối và bệnh lý ung thư là phương án tối ưu nhằm giải quyết triệt để nguy cơ tăng đông ở bệnh nhân.

  • DỰ PHÒNG VÀ TẦM SOÁT SỚM

Các đối tượng nguy cơ cao được các tổ chức về ung thư khuyến cáo tầm soát định kỳ ung thư phổi, bao gồm:

  • Tiền sử hút thuốc lá > 20 gói* năm.
  • Hiện hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc lá trong vòng <15 năm.
  • Tuổi từ 50-80 tuổi.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào được đưa vào làm phương tiện sàng lọc chính cho ung thư phổi, do chưa cân bằng được yếu tố hiệu quả và chi phí sàng lọc. Do vậy, các đối tượng có nguy cơ cao được khuyến cáo tầm soát ung thư phổi mỗi năm 1 lần tại các cơ sở y tế có chuyên môn về ung thư.

 Khoa Ngoại Tổng Hợp 1 là chuyên khoa tầm soát, chẩn đoán ung thư và điều trị giảm nhẹ bệnh nhân ung bướu của bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 hoặc 0886.234.222

⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6

🖥Website: https://bvnghean.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/