Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Dậy thì sớm ở trẻ em: Nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Dậy thì sớm ở trẻ em: Nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

1. Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì là quá trình chuyển đổi sinh lý từ trẻ em sang tuổi vị thành niên, đánh dấu sự phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý và sinh dục. Dậy thì sớm được định nghĩa là khi trẻ bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi đối với bé gái và trước 9 tuổi đối với bé trai. Đây là hiện tượng khá phổ biến nhưng nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

2. Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm

Phụ huynh và người chăm sóc cần chú ý những biểu hiện sau đây để phát hiện kịp thời:

Ở bé gái:

+ Vú phát triển bất thường (xuất hiện mô vú hoặc nở nang sớm).

+ Xuất hiện lông mu và lông nách sớm.

+ Kinh nguyệt xuất hiện trước 8 tuổi.

+ Tăng chiều cao nhanh hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi.

+ Thay đổi tâm sinh lý như nhạy cảm, dễ cáu giận.

Ở bé trai:

+ Tinh hoàn và dương vật to lên trước 9 tuổi.

+ Lông mu, lông nách xuất hiện sớm.

+ Giọng nói thay đổi, trở nên trầm hơn.

+ Tăng chiều cao vượt trội so với bạn bè.

+ Tăng khối cơ, thay đổi tính cách.

– Dấu hiệu chung:

+ Da mặt bị nhờn, nổi mụn trứng cá.

+ Có mùi cơ thể sớm.

+ Thay đổi về cảm xúc và hành vi như khó kiểm soát cảm xúc, căng thẳng hoặc tự ti.

3. Nguyên nhân gây dậy thì sớm

Dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

– Nguyên nhân trung ương (tuyến yên – vùng dưới đồi): Rối loạn điều hòa hormone gây kích thích phát triển tuyến sinh dục sớm, ví dụ như u não, tổn thương vùng dưới đồi.

– Nguyên nhân ngoại biên: Do tiếp xúc với hormone từ bên ngoài hoặc các bệnh lý tại tuyến sinh dục như u buồng trứng, tinh hoàn.

– Yếu tố di truyền: Gia đình có tiền sử dậy thì sớm.

– Môi trường sống: Tiếp xúc với các chất kích thích hormone như thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc hoặc các hóa chất gây rối loạn nội tiết.

– Dinh dưỡng: Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn.

4. Tác hại của dậy thì sớm

Dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và xã hội của trẻ:

– Ảnh hưởng đến chiều cao: Dậy thì sớm khiến trẻ tăng trưởng nhanh nhưng kết thúc sớm, dẫn đến chiều cao cuối cùng thấp hơn bạn bè.

– Tâm lý và hành vi: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với sự thay đổi cơ thể, dễ bị stress, tự ti hoặc xa lánh bạn bè.

– Vấn đề xã hội: Trẻ có thể bị hiểu nhầm, kỳ thị hoặc bị áp lực do khác biệt với bạn bè cùng lứa.

– Nguy cơ bệnh lý: Nếu do các bệnh lý nghiêm trọng, không được phát hiện có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý và đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi:

– Trẻ có dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi (bé gái) hoặc 9 tuổi (bé trai).

– Trẻ tăng chiều cao nhanh bất thường trong một thời gian ngắn.

– Có những dấu hiệu phát triển sinh dục nhưng kèm theo các biểu hiện bất thường khác như đau đầu, nôn ói (có thể do u não).

– Trẻ có thay đổi hành vi tâm lý rõ rệt.

6. Khám và chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành các bước:

– Khám lâm sàng: Đo chiều cao, cân nặng, khám các dấu hiệu sinh dục.

– Xét nghiệm hormone máu: Đánh giá nồng độ các hormone tuyến yên, sinh dục.

– Siêu âm tuyến sinh dục hoặc chụp MRI não nếu nghi ngờ tổn thương vùng dưới đồi.

– Chụp X-quang để đánh giá tuổi xương giúp dự đoán tốc độ phát triển chiều cao.

7. Cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ

– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chứa hormone hoặc hóa chất kích thích tăng trưởng.

– Giữ cân nặng hợp lý: Tránh thừa cân, béo phì vì dễ gây rối loạn nội tiết.

– Hạn chế tiếp xúc với các sản phẩm hóa học: Như mỹ phẩm, thuốc tránh thai, thuốc kích thích phát triển.

– Tạo môi trường sống lành mạnh: Hạn chế stress, áp lực cho trẻ.

– Theo dõi sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.

8. Kết luận

Dậy thì sớm là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm đúng mức. Việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời không những giúp trẻ phát triển khỏe mạnh về thể chất mà còn hỗ trợ phát triển tâm lý xã hội ổn định. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ em.