1. TỔNG QUAN
– Allopurinol là thuốc giảm acid uric, dùng để điều trị bệnh gút, sỏi thận urate tái diễn, hội chứng ly giải khối u trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, đây là một trong những thuốc hàng đầu gây ra tổn thương da nặng do thuốc với tỉ lệ tử vong cao. Các tổn thương da do allopurinol, chủ yếu gặp là hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell và hội chứng Dress, hội chứng AGEP, hồng ban đa dạng, ban dát sẩn… Ngoài các triệu chứng về da, bệnh nhân còn có sốt, nổi hạch ngoại biên, tổn thương gan thận nặng, biến loạn về số lượng bạch cầu máu ngoại biên đặc biệt là số lượng bạch cầu ái toan.
– Tỉ lệ mắc của tổn thương da nặng do allopurinol là 0,4 – 1 trường hợp trong 1000 người-năm. Mặc dù tỉ lệ mắc hàng năm không cao nhưng tổn thương da nặng do allopurinol thường kết hợp với tỉ lệ tử vong cao, có thể lên đến 30%. Diễn biến bệnh nặng, khởi phát kéo dài hàng tuần sau khi dùng thuốc.
– Một số yếu tố nguy cơ của dị ứng allopurinol liên quan đến liều lượng thuốc, thời gian dùng thuốc, yếu tố gen và một số yếu tố khác như bệnh thận mạn, sử dụng thuốc lợi tiểu đồng thời…. Tuy nhiên, các yếu tố này không xuất hiện riêng rẽ mà đi cùng với nhau, liên quan đến nhau; để phòng tránh được các tác dụng có hại của allopurinol đến người bệnh đặc biệt là tác dụng phụ trên đáp ứng miễn dịch cần xem xét tổng thể tất cả các yếu tố nguy cơ liên quan đến người bệnh cũng như cách dùng thuốc.
2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DỊ ỨNG ALLOPURINOL
2.1. Thời gian dùng thuốc
Dị ứng allopurinol thường xảy ra sau vài tuần đến vài tháng dùng thuốc. Thời gian trung bình là 3 tuần và 90% các trường hợp xảy ra các triệu chứng dị ứng trong 8 – 9 tuần sau khi dùng thuốc allopurinol. Nguy cơ quá mẫn với allopurinol tăng lên ở những bệnh nhân sử dụng allopurinol mà có bệnh tim hoặc thận đi kèm.
2.2. Yếu tố di truyền
Những người mang alen HLA-B*5801 có nguy cơ quá mẫn do allopurinol cao hơn gần 100 lần so với những người không mang alen này. Tần suất mang gen HLA-B*5801 khác nhau giữa các chủng tộc. Dân các nước Châu Á mang gen này khá cao, ví dụ như người Hán 13,3 – 20,4%, Hàn Quốc là 12,2% và Thái Lan 8,1%. Năm 2012 hướng dẫn điều trị gút của hội khớp học Hoa kỳ đã khuyến cáo, cần sàng lọc gene HLA-B*5801 cho tất cả các bệnh nhân có nguồn gốc châu Á trước khi kê đơn allopurinol, đặc biệt ở những người có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên.
2.3. Liều lượng thuốc
Một số yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong máu như độ thanh thải thuốc, liều thuốc, đường dùng thuốc, và chuyển hóa thuốc. Các yếu tố này cũng bị tác động bởi chức năng thận, chỉ số BMI của cơ thể, tuổi, và các thuốc dùng kèm. Allopurinol rất nhanh chóng được chuyển thành oxypurinol, có thể đo được trong huyết thanh. Oxypurinol bài tiết chủ yếu qua thận và nồng độ oxypurinol trong huyết thanh phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin. Nhiều bệnh nhân dung nạp được với nồng độ oxypurinol cao trong máu mà không có tác dụng phụ cũng như các triệu chứng dị ứng thuốc, trong lúc đó có những bệnh nhân xuất hiện dị ứng với nồng độ oxypurinol trong máu rất thấp.
Tuy nhiên, ở những bệnh nhân dị ứng allopurinol có nồng độ oxypurinol cao thường kèm theo tiên lượng xấu. Liều khởi đầu của allopurinol càng cao thì nguy cơ dị ứng thuốc càng tăng. Khi so sánh hai nhóm dị ứng thuốc allopurinol và nhóm không dị ứng thuốc, cho thấy liều khởi đầu của allopurinol ở nhóm dị ứng thuốc cao hơn hẳn nhóm không dị ứng thuốc. Điều này cũng đúng khi đánh giá kèm với các yếu tố nguy cơ khác như tuổi, giới tính, chỉ số BMI, mức độ suy thận và dùng kèm thuốc lợi tiểu.
Năm 2012, phác đồ điều trị của hội khớp học Hoa Kỳ cũng như hội Khớp học Châu Âu đã khuyến cáo nên bắt đầu với liều < 100 mg cho các bệnh nhân mắc bệnh gút cần sử dụng allopurinol. Với những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính nên sử dụng liều tuân thủ theo mức lọc cầu thận và tăng liều dần.
2.4. Bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn là bệnh đi kèm hay gặp nhất ở bệnh nhân mắc bệnh gút. Những bệnh nhân gút có kèm theo bệnh thận mạn sẽ tăng nguy cơ tổn thương da nặng do dị ứng allopurinol hơn so với người bình thường. Với những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, tốt nhất nên sàng lọc gene HLA-B*5801 trước khi điều trị allopurinol.
Chỉ định sử dụng allopurinol nên đưa ra trong trường hợp tăng acid uric có kèm theo đợt cấp gout tái diễn, hoặc có hạt tophi hoặc bệnh nhân có viêm khớp. Có rất nhiều liệu pháp thay thế allopurinol để làm giảm acid uric như sử dụng febuxostat, được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp allopurinol hoặc không đáp ứng với thuốc này.
2.4. Điều trị kèm thuốc lợi tiểu
Sử dụng thuốc lợi tiểu ở những bệnh nhân gút là thường gặp. Tuy nhiên, thuốc lợi tiểu làm tăng nguy cơ tổn thương da nặng do allopurinol. Hơn thế nữa, thuốc lợi tiểu làm tăng nặng acid uric trong máu. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân có tăng huyết áp đi kèm với bệnh gout, nên cân nhắc những nhóm thuốc khác không làm tăng nguy cơ dị ứng allopurinol, cũng như không làm tăng nồng độ acid uric trong máu như losartan hoặc chẹn kệnh canxi…
Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Km5, Đại lộ Lê nin, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An.
Số điện thoại đặt lịch khám: 1900.8082 hoặc 0886.234.222
Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6
Website: https://bvnghean.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN