Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Dị vật đường thở

Dị vật đường thở

  1. Dị vật đường thở là gì?

– Dị vật đường thở là những chất vô cơ, hữu cơ mắc vào đường thở.

– Cấp cứu dị vật đường thở là cấp cứu số 1 của tai mũi họng, dị vật đường thở có thể di chuyển từ vùng hầu họng xuống đến khí quản – phế quản gây ra những biến chứng tử vong do ngạt thở hay nhiễm trùng phế quản- phổi nếu không được phát hiện và điều trị đúng kip thời.

– Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, nhiều nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi vì phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ em chưa hoàn chỉnh.

Khi nào có thể gặp dị vật đường thở?

– Trẻ có thói quen ngậm đồ vật vào mồm hoặc cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc.

– Dị vật rơi vào đường thở trong thì hít vào mạnh đột ngột sau cơn cười khóc, sợ hãi.

– Do phản xạ đường thở của trẻ chưa hoàn chỉnh, thức ăn đi lạc vào đường thở đặc biệt là trẻ ăn bột.

– Do tai biến phẫu thuật (lấy dị vật mũi, nạo VA, cắt Amidan, nhổ răng).

  1. Những triệu chứng của dị vật đường thở là gì?
  • Hội chứng xâm nhập

– Hội chứng xâm nhập là kết quả 2 phản xạ co thắt thanh quản và phản xạ ho.

– Trẻ đang ngậm đồ vật hoặc ăn những thức ăn dễ hóc đột ngột xuất hiện:

+ Ho sặc sụa

+ Khó thở dữ dội

+ Tím tái mặt mũi như sắp chết ngạt

* Sau hội chứng xâm nhập: 

– Người bệnh có thể chết do bị tắc đường thở.

– Người bệnh có thể trở lại bình thường sau 10-15 phút.

– Người bệnh vẫn bị dị vật mắc lại ở thanh quản, …

  • Dị vật thanh quản: Thường là dị vật sắc nhọn.

– Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:

+ Khó thở thanh quản: Nhịp thở chậm, khó thở thì thở vào, có tiếng rít thanh quản, co lõm các cơ hô hấp.

+ Khàn tiếng hoặc mất tiếng (đối với trẻ nhỏ phải dựa vào tiếng khóc).

+ Ho ông ổng.

  • Dị vật khí quản: Thường là những dị vật tròn nhẵn.

– Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:

+ Khó thở từng cơn.

+ Nghe có dấu hiệu phất cờ bay.

  • Dị vật phế quản: dị vật nhỏ như mảnh lạc…

– Sau hội chứng xâm nhập các triệu chứng tạm thời dịu vài ngày sau trẻ mới sốt, thở ậm ạch, ho sặc sụa, tím tái tái diễn nhiều lần, khó thở cả 2 thì, nghe phổi rì rào phế nang giảm một bên.

  1. Làm sao để chẩn đoán?

– Chụp phổi có thể thấy dị vật cản quang, có thể xẹp 1 bên hoặc hai bên phổi tùy ý.

– Nội soi khí- phế quản, vừa để xác định chẩn đoán, vừa để điều trị.

  1. Những biến chứng của dị vật đường thở có thể gây ra là gì?

– Viêm phế quản.

– Xẹp phổi.

– Viêm phế quản – phổi hay gặp ở trẻ nhỏ.

– Áp xe phổi.

  1. Làm cách nào để điều trị dị vật đường thở?

– Khai thông đường thở: Móc hết chất nôn, đờm giải, dị vật trong mồm, họng, làm nghiệm pháp Heimlich (nằm, ngồi đứng) nếu mắc phải dị vật lớn vào đường thở.

+ Nếu người bệnh bất tỉnhĐặt người bệnh ở tư thế nằm, người cấp cứu quỳ bên người bệnh đặt bàn tay lên bụng người bệnh giữa rốn và xương ức bàn tay kia đặt trên bàn tay này làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên làm đi làm lại 10 lần.

+ Nếu người bệnh tỉnh: Để người bệnh ở tư thế đứng hoặc ngồi, người làm thủ thuật đứng sau người bệnh, vòng hai tay ra phía trước áp vào vùng thượng vị của người bệnh, ép mạnh từng nhịp, tạo áp lực đột ngột dồn từ từ dưới cơ hoành tống dị vật ra.

+ Đối với trẻ nhỏ: Cho trẻ cúi về phía trước vỗ mạnh lưng trẻ đột ngột vài lần. Làm đi làm lại 10 lần.

– Soi gắp dị vật.

– Dùng kháng sinh chống viêm, chống phù nề, giảm xuất tiết.

  1. Làm cách nào để phòng ngừa dị vật đường thở?

– Tuyên truyền rộng rãi cho mọi người đặc biệt là các bà, các mẹ và cô giáo dạy trẻ cách phòng ngừa dị vật đường thở.

+ Không cho trẻ ngậm đồ vật vào mồm hoặc ăn thức ăn dễ hóc.

+ Trẻ dưới 4 tuổi không được uống thuốc viên.

+ Không bịt mũi khi cho trẻ ăn để trẻ nuốt.

+ Người lớn bỏ thói quen ngậm dụng cụ, cười đùa khi ăn, nói chuyện.

– Phát hiện sớm hoặc nghi ngờ dị vật đường thở, phải gửi ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không được chữa mẹo theo cách dân gian.

Dưới đây là một ca lâm sàng gắp dị vật tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An

Ngày 24/6/2022, khoa Nội Dị ứng – hô hấp, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Đ.Đ.T 71 tuổi quê quán huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh vào viện với triệu chứng đau ngực ho nhiều. Bệnh nhân khai tiền sử hóc xương không rõ ràng, cách đây khoảng 3 tuần đã đến khám điều trị tại một bệnh viện ở khu vực Hà Nội, với chẩn đoán dị vật phế quản trái biến chứng áp xe phổi. Bệnh nhân được chỉ định nội soi lấy dị vật nhưng không thành công sau được điều trị nội khoa cho ra viện hẹn khám lại để lấy dị vật. Tại khoa Nội Dị ứng – hô hấp, sau thăm khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực các bác sĩ nhận định đây là trường hợp khó dị vật phế quản trái đã biến chứng áp xe phổi ở vùng có nhiều mạch máu lớn rất nguy hiểm.

Hình: Dị vật phế quản trái đã biến chứng áp xe phổi

Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh chống viêm tích cực và chuẩn bị nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật. Tiến sĩ bác sĩ Lê Nhật Huy -Trưởng khoa Nội Dị ứng – hô hấp cùng ekip đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm. Trong quá trình thức hiện: ekip quan sát được có dị vật cố định chặt vào lòng phế quản thùy dưới phổi trái, xung quanh phù nề xung huyết nhiều dễ chảy máu; ekip đã khẩn trương tiến hành gắp dị vật thanh quản cho bệnh nhân- kết quả gắp thành công dị vật nghi là xương động vật có kích thước khoảng 1x2cm.

Hình: Dị vật cố định chặt vào lòng phế quản thùy dưới phổi trái và được lấy ra ngoài

Kết thúc soi phế quản, tình trạng bệnh nhân ổn định, được chỉ định tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa. Sau 5 ngày bệnh nhân điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định; các triệu chứng ho, tức ngực thuyên giảm, bệnh nhân được cho xuất viện.

Tiến sĩ bác sĩ Lê Nhật Huy chia sẻ thêm đây là trường hợp thứ 2 trong tháng đã được nội soi lấy dị vật thành công. Trước đó là trường hợp dị vật răng giả kích thước khoảng 1×2,5cm. Khuyến cáo đến người dân nếu nghi ngờ có dị vật phế quản nên chủ động tới các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng.