Nan giải chuyện giảm tải bệnh viện; tóm tắt phiên chất vấn, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến,…
Nan giải chuyện giảm tải bệnh viện
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch công tác y tế năm 2014, Bộ Y tế cho biết, về cơ bản đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu Chính phủ giao. Nước ta được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, bao gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh dịch lây lan… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chi phí cho dịch vụ y tế ngày càng lớn, trong khi đầu tư còn thấp.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ giường bệnh phải đạt 39 giường/vạn dân, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 22,5 giường bệnh/vạn dân. Hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường tối đa, tình trạng bệnh nhân nằm ghép còn phổ biến ở khá nhiều bệnh viện. Cơ sở vật chất tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu và không đồng bộ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ y tế. Hiện cả nước có 1.200 bệnh viện công với tổng số 215.000 giường bệnh, trong khi tỷ lệ giường bệnh của 170 bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 4,2%. Nếu đặt vấn đề giảm tải nhờ bệnh viện tư “gánh đỡ” thì cũng khó khả thi. Nguyên nhân là nhân lực thiếu và yếu, chi phí khám chữa bệnh cao. Để phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, giải pháp cơ học là tăng giường bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước huy động 1 tỷ USD xây dựng 5 bệnh viện tuyến cuối và các bệnh viện tư nhân. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, tổng lượt khám bệnh ngoại trú của các bệnh viện tư chỉ bằng 6,7% so với các bệnh viện công. Số bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện tư chỉ chiếm khoảng 6%, công suất sử dụng giường bệnh mới đạt 21,6%, cá biệt có bệnh viện chỉ đạt 5%. So sánh với một số nước láng giềng, trung bình một bệnh viện có cùng đội ngũ y, bác sỹ, thì 1 năm họ chữa trị khoảng 1.000 ca bệnh, còn ở Việt Nam phải giải quyết gấp 8 lần con số đó trong năm 2013. Với số lượng bệnh nhân đông như vậy, thật khó đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh. Hơn thế, một phòng bệnh hơn chục mét vuông mà chứa tới hơn hai chục bệnh nhân, còn ở các nước chỉ có 4-5 bệnh nhân, làm sao tránh được sai sót, sai lầm. Còn một yếu tố hết sức quan trọng là đội ngũ bác sĩ giỏi ở các nước gần ta không phải là quá nổi trội, xuất sắc. Song sự đồng đều về trình độ chung lại cao hơn nhiều do chất lượng đào tạo ở các trường đại học y, vì vậy chất lượng điều trị của bác sĩ ở tất cả bệnh viện các tuyến đồng đều, đảm bảo.
Vấn đề giảm tải bệnh viện là rất nan giải. Thực tế, ngay cả những bệnh viện tuyến Trung ương đã “bắt tay” hợp tác công-tư với bệnh viện tư nhân chỉ mới dừng ở mức hỗ trợ chuyên môn như xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán. Không thể cho bác sĩ giỏi của bệnh viện công sang bệnh viện tư “mổ thuê”, vì phải bảo đảm nhân sự giỏi phục vụ nhu cầu của đa số người bệnh. Trong khi đó, ở bệnh viện tư chủ yếu là cán bộ y tế quản lý đã nghỉ hưu hoặc bác sĩ trẻ chưa tìm được việc, ký hợp đồng.
Link: http://www.anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/nan-giai-chuyen-giam-tai/543955.antd
Nhiều loại thực phẩm chức năng chứa hoạt chất cấm
Ngày 1.4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông báo từ Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm chức năng của Mỹ, do bị phát hiện chứa các hoạt chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Các sản phẩm bị thu hồi: thực phẩm chức năng African Black Ant (lô 2006-00926); Black Ant (lô 2006-3627878); Xzen Gold (lô 130310GL); Xzen Platinium (lô 130520PL), XZ 1200 (lô 13051012), Xzone Gold (lô 131110GL) và Xzone 1200 (lô 13071012) có chứa sidenafil và tadalafil (là hai dược chất sử dụng trong bào chế thuốc điều trị rối loạn cương ở nam giới, không được có trong thực phẩm chức năng). Ngoài ra, một số lô thực phẩm chức năng giảm cân có chứa sibutramine, phenolphthalein (là các chất cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng) cũng bị ngưng sử dụng, gồm: Bella Vi Insane Bee Pollen dạng viên nhộng; Bella Vi Btrim Ultimate Boots; Bella Vi Btrim Max; Bella Vi Extreme Accelarrator; Bella Vi Insane Amp’s và hai lô sản phẩm Bella Vi Amp’s Up được đóng gói hộp 30 viên và 60 viên do Pure Edge Nutrition, LLc của Mỹ phân phối.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết Cục ATTP đã khẩn trương rà soát tình hình nhập khẩu thực phẩm chức năng tại VN và khẳng định cơ quan này chưa cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm nói trên.(Thanh niên trang 2)
Khám sàng lọc, tư vấn miễn phí về bệnh hen phế quản
Từ 7h đến 16h30 ngày 26/4, Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Trung tâm Hô hấp và Khoa Nhi, Bệnh viên Bạch Mai, sẽ tổ chức khám sàng lọc phát hiện và tư vấn miễn phí về bệnh Hen phế quản cho bệnh nhân tại Hội trường lớn và hội trường Bác sỹ, Tầng 2, nhà Nhật, Bệnh viện Bạch Mai, Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội. Chương trình này là hoạt động của Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm hưởng ứng ngày Hen toàn cầu năm 2014 (1-5). Bệnh nhân tới khám sẽ được các Bác sỹ của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Hô hấp, khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo chức năng hô hấp, đo lưu lượng đỉnh, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán Hen phế quản và đưa vào quản lý ngoại trú.
Các cá nhân quan tâm có thể đăng ký khám và hẹn thời điểm khám qua Văn phòng dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, Số điện thoại: (04) 3.629 1207, Email: duanbenhphoi@gmail.com.(Hà Nội mới trang 5)
Phát hiện bệnh nhân mắc cúm A/H1N1
Tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh TT-Huế ngày 1/4 cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một ca mắc cúm A/H1N1.
Bệnh nhân là chị T.T.T.H (26 tuổi, trú tại Hương Văn, Hương Trà, TT-Huế). Chị H. phát bệnh và chuyển điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà vào giữa tháng 3, trong tình trạng sốt cao, ho dữ dội và khó thở.
Do bệnh trạng ngày càng nặng, chị H. được chuyển lên Bệnh viện T.Ư Huế. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Quá trình mắc bệnh, bệnh nhân H. đang có thai 32 tuần tuổi nên các bác sĩ phải mổ đưa thai nhi ra nuôi bên ngoài. Hiện tính mạng chị H. rất nguy kịch, phải thở bằng máy.(Tiền phong trang 2, Nhân dân trang 8)
Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Hữu Nghị phối hợp chẩn đoán 2 bé song sinh dính nhau: Phần dính không quá phức tạp
Như báo Lao Động đã đưa tin, ngày 19.3, BV Nhi TƯ đã tiếp nhận 2 cháu bé trai song sinh Nguyễn Quang A. và Nguyễn Quang N. (ở Yên Bái) dính nhau được chuyển sang từ BV Phụ sản TƯ.
Hiện nay, hai cháu vẫn đang được các BS ở đây chăm sóc sức khỏe và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để chuẩn bị phẫu thuật tách dính. Chiều 1.4, BV Nhi TƯ và BV Hữu Nghị đã phối hợp chụp CT 64 dãy cho 2 cháu bé để xác định chính xác các bộ phận dính nhau. Đưa cháu bé sang BV Hữu Nghị là các BS khoa Ngoại, khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV Nhi TƯ.
ThS Phạm Đức Hiệp – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Hữu Nghị đã quyết định chụp từng cháu bé, sau đó tiếp tục chụp cộng hưởng từ để xác định được chính xác về cấu tạo lá gan và đường mật cho 2 cháu bé.
TS Phạm Duy Hiền – Phó Trưởng khoa Ngoại, BV Nhi TƯ cho biết: “Sức khỏe hai cháu bé hiện giờ tốt, các cháu ăn sữa bình thường, không bị viêm phổi. Bề ngoài, hai cháu bé dính nhau lồng ngực và ức với diện tích dính khá rộng. Theo kết quả siêu âm, hai bé có 2 quả tim riêng. Hai cháu cũng ăn riêng và đi ngoài riêng.
Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết 2 cháu có dính màng tim, có chung hệ thống mạch máu hay không. Và thêm nữa, lá gan, đường mật, hệ thống tiêu hóa ra sao. Nếu chỉ có 1á gan, sẽ phải chia mỗi cháu 1 thùy gan. Theo kết quả chụp CT và cộng hưởng từ, 2 cháu bé có riêng gan, đường mật, không bị dính màng tim mà chỉ dính nhau phần da, cơ xương. Những chẩn đoán hình ảnh này giúp cho các phẫu thuật viên biết được ít nhất 70 – 80% các bộ phận dính nhau để tiên lượng. Trong ca mổ, chúng tôi cũng có thể vừa mổ, vừa bơm thuốc cản quang chụp song song để có phương án cập nhật”.
Được biết, trước khi mổ, hai cháu cũng sẽ được đặt túi dãn ra trong thời gian 2 – 3 tuần để có đủ da che phủ sau phẫu thuật.
Sau ca mổ đẻ, mẹ cháu bé A. và N. bị mất máu nhiều nên còn chưa xuất viện được. Bà ngoại em bé đã mất nên hiện giờ việc chăm sóc hai bé là bà nội và bác gái. Bà nội bé cho hay: “Khi mẹ mang thai và siêu âm định kỳ, TS Trần Danh Cường – PGĐ BV Phụ sản TƯ, GĐ Trung tâm chẩn đoán trước sinh đã phát hiện hai cháu bị dính nhau ở ngực. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các BS, đồng thời đây là con đầu lòng nên mẹ cháu đã quyết định giữ lại. Đến tuần thứ 37, chị nhập BV Phụ sản TƯ và sinh mổ tại đây”.( Lao động trang 2)
Nhiều giải pháp quyết liệt nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh
Giải pháp nào để nâng cao y đức của cán bộ y tế; nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác đảm bảo ATVSTP; hiệu quả của Đường dây nóng y tế; hạn chế tai biến y khoa… là những vấn đề được các đại biểu quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 1/4.
Nâng cao y đức: làm nghiêm để tăng sự hài lòng của người dân
Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về việc ngành y tế sẽ tiếp tục có những giải pháp gì về vấn đề nâng cao y đức? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề y đức luôn nóng bỏng và nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngay từ thời mới hình thành nghề y, đã có lời thề về y đức, tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực, gây phiền hà cho người bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này, đặc biệt, lần đầu tiên một Thông tư liên quan đến vấn đề ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành nhằm tạo nên hành lang pháp lý để có chế tài khen thưởng, xử phạt rõ những cán bộ y tế sai phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức 11 lớp tập huấn về quy cách ứng xử trong ngành y tế với gần 6.000 cán bộ y tế theo học…
Liên quan đến nội dung này, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đã đặt câu hỏi về hiệu quả của đường dây nóng (ĐDN) y tế như thế nào? Bộ trưởng cho biết, sau 6 tháng triển khai thực hiện ĐDN y tế, đã có 6.700 cuộc gọi đến ĐDN, trong đó có hơn 2.000 cuộc gọi đúng về nội dung tiếp nhận của ĐDN. Trong số đó, có 40% cuộc gọi liên quan đến thái độ của cán bộ y tế, 12% cuộc gọi liên quan đến vấn đề viện phí, 22% cuộc gọi phàn nàn về việc làm sai quy định về quy trình, quy định tại BV và 25% cuộc gọi phàn nàn về cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều thư khen ngợi các thầy thuốc gửi đến báo Sức khỏe&Đời sống. Qua các kênh thông tin này, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các địa phương đã tìm hiểu, xác minh. Đối với những cá nhân, đơn vị xuất sắc, chúng tôi đã kịp thời khen thưởng để động viên các thầy thuốc. Đối với các trường hợp sai phạm về y đức, thái độ ứng xử với người bệnh, người nhà bệnh nhân…, chúng tôi đã có nhiều hình thức xử lý nghiêm như phê bình, cảnh cáo trong giao ban toàn BV, luân chuyển vị trí công tác, cắt thi đua…
Đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Theo một số đại biểu, ngành y tế chưa giải quyết căn cơ việc bệnh nhân vượt tuyến và đặt vấn đề khi nào Bộ Y tế giải quyết được tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giảm tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đều không có bác sĩ làm tuyến xã. Để giải quyết được vấn đề này thì điều quan trọng là kỹ thuật cao phải được thực hiện tại tuyến cơ sở. Vì vậy, Bộ Y tế đã triển khai các Đề án để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở như đề án BV vệ tinh; Đề án 1816; Đề án đưa bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn về công tác tại các huyện nghèo… Bên cạnh đó, Bộ Y tế hiện đang phối hợp với Bộ Tài chính để có cơ chế tài chính phù hợp nhằm thực hiện việc hàng năm luân phiên bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới để tuyến dưới luôn luôn có bác sĩ tuyến trên về công tác. “Tất cả các giải pháp này nhằm làm cho chất lượng y tế cơ sở nâng lên, góp phần giảm tải cho tuyến trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn về việc cấp phép và quản lý các cơ sở y tế tư nhân của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Bộ trưởng nói: Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép là có những thủ tục rất khó thực hiện và phải chờ đợi lâu, như lý lịch tư pháp… Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã thống nhất giải pháp tháo gỡ cho cơ sở y tế tư nhân được hoạt động trước khi được cấp những thủ tục vừa nêu. Còn việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân, Bộ đã phân cấp rõ, chủ yếu là do Sở Y tế các tỉnh, thành cấp phép và quản lý.
Không có việc thuốc kém chất lượng vào BV
Trước câu hỏi của ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) về vấn đề giải pháp của Bộ Y tế để “kéo” giá thuốc xuống và liệu có tình trạng thuốc kém chất lượng vào BV? Bộ trưởng khẳng định: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2013, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45%, thấp hơn mức độ tăng giá của CPI (6,04%) và đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu. Chỉ số giá dược phẩm 3 tháng đầu năm 2014 là 0,6% so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 0,8% sẽ dự báo chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm, y tế trong năm 2014 thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc theo các thông tư mới, theo Bộ trưởng thì hiệu quả kinh tế của các gói thầu thuốc do ngân sách nhà nước, BHYT chi trả đã được cải thiện rõ ràng. Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế cho thấy, so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các BV) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ đồng. Đồng thời, việc đấu thầu theo các hướng dẫn mới làm tăng tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước đáng kể về cả số lượng và giá trị vào các BV. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với các ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu theo quy định mới có chất lượng không đảm bảo là hoàn toàn không có cơ sở vì các thuốc trước khi lưu hành vào Việt Nam phải qua thẩm định chặt chẽ mới được cấp phép lưu hành. Do đó, không có chuyện thuốc kém chất lượng được đấu thầu vào BV.
Về công tác VSATTP, trả lời băn khoăn của một số ĐB đưa ra về vấn đề ngộ độc thực phẩm gây nguy cơ ung thư, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hoang mang vì thông tin thực phẩm gây ung thư. Hiện nay, ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra: do môi trường sống, do di truyền và biến đổi gen… Thực phẩm cũng là một yếu tố nếu có nấm mốc. Tuy nhiên, coi ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây ung thư là không có căn cứ.
Link: http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/nhieu-giai-phap-quyet-liet-nang-cao-y-duc-chat-luong-kham-chua-benh-20140401223317497.htm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN