Đường dây nóng y tế: Phối hợp 3 cấp độ
Hiện nay, việc giải quyết các vấn đề thông qua đường dây nóng của ngành Y tế được thực hiện theo hình thức phối hợp, cụ thể là việc giải quyết phân theo 3 cấp độ: Bệnh viện- Sở Y tế – Bộ Y tế.
PV Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế về hiệu quả thực hiện đường dây nóng bệnh viện (BV) sau 5 tháng tái triển khai.
Xin ông cho biết kết quả trong 5 tháng tái triển khai đường dây nóng BV?
Ông Đặng Văn Chính: Tính từ tháng 11/2013 đến ngày 27/3/2014, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 6.700 cuộc gọi phản ánh của người dân. Trong đó, cuộc gọi đến có nội dung phản ánh về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế chiếm 12,78% (858 cuộc gọi); phản ánh về gian lận, hối lộ, viện phí chiếm 3,84% (284); phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế 6,99%; hỏi thông tin về y đức, sức khỏe 7,18%…; các cuộc gọi để kiểm tra hoạt động của đường dây, nhầm số, trùng phản ánh… chiếm 47,5%.
Hiện nay, việc giải quyết các vấn đề thông qua đường dây nóng được thực hiện theo hình thức phối hợp, theo đó, việc giải quyết phân theo 3 cấp độ: BV – Sở Y tế – Bộ Y tế.
Thông thường, người dân gọi trực tiếp đến BV (sự việc liên quan đến BV). Nếu người dân không thỏa mãn cách giải quyết hoặc thời gian giải quyết lâu, người dân gọi đến đường dây nóng của Sở hoặc Bộ. Thêm nữa, do tính chất sự việc, chẳng hạn có những sự việc cấp cứu bệnh nhân cần phải được xử lý ngay, thì chính Bộ trưởng sẽ trực tiếp giải quyết, ví dụ như vụ việc liên quan đến vắc xin trước đây.
Tuy nhiên, có những ý kiến gửi lên Bộ nhưng xét thấy sự việc có thể do địa phương giải quyết được thì Bộ sẽ giao cho địa phương. Khi giải quyết xong, địa phương phải báo kết quả giải quyết về Bộ, đồng thời nếu không thấy người dân phản ánh lại nghĩa là họ có thể đã hài lòng với cách giải quyết của địa phương.
Trên thực tế, theo phản ánh, phần lớn người dân hài lòng với cách giải quyết những bức xúc thông qua đường dây nóng, vì nó tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian của họ.
Như ông vừa nói, có những vụ việc Bộ sẽ giao lại cho địa phương giải quyết. Vậy Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm gì không trong những vụ việc này?
Ông Đặng Văn Chính: Tôi xin khẳng định là Thanh tra Bộ sẽ phải theo dõi đến cùng các vụ việc được gọi đến đường dây nóng của Bộ. Chẳng hạn như vụ việc “không mua thuốc đắt bệnh viện, bác sỹ không tiêm cho bệnh nhân” diễn ra ở Hải Phòng vừa qua, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt phải giải quyết đến cùng, trong đó phải làm rõ việc cửa hàng thuốc tư nhân có bán thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân.
Hiện nay, cách giải quyết sự việc của các BV, Sở Y tế cũng rất tích cực, nói chung người dân rất hài lòng sau khi được giải đáp. Điều này được thể hiện thông qua số cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do các BV và các Sở Y tế địa phương đã chú trọng hơn trong công tác này và có kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc rõ ràng hơn.
Thực sự Bộ Y tế rất cầu thị vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, vì chính người dân là điều kiện để ngành Y tế tồn tại và phát triển. Nếu BV nào không có tín nhiệm, người dân không đến khám chữa bệnh, chắc chắn BV đó không thể phát triển, còn BV nào có tín nhiệm, có chuyên môn cao thì lại càng thu hút đông bệnh nhân.
Thưa ông, việc triển khai đường dây nóng tại BV được thực hiện đã khá lâu, nhưng hiệu quả thực sự chưa như mong muốn. Vậy, có khi nào việc triển khai đường dây nóng như hiện nay sẽ dẫn đến việc “bão hòa” và dần bị lãng quên?
Ông Đặng Văn Chính: Đúng là thời gian trước, lãnh đạo các cấp không quan tâm một cách đầy đủ về việc này. Chính vì thế mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 09 ngày 22/11/2013 để tăng cường hiệu quả của đường dây nóng.
Tôi tin rằng nếu duy trì và phát huy được thường xuyên việc này thì rất tốt. Thực tế, thời gian gần đây, hiệu quả của đường dây nóng là rất tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những thầy thuốc luôn có tinh thần phục vụ hết lòng vì bệnh nhân thì trong ngành nào cũng thế, giai đoạn nào cũng thế, vẫn còn có người chưa thực sự coi trọng việc này. Vì thế, hệ thống đường dây nóng từ BV đến Bộ Y tế sẽ góp phần phát hiện và buộc nhân viên y tế phải thay đổi cách làm việc của mình theo hướng tích cực hơn, nếu không sẽ bị người dân phàn nàn mà kết quả là sẽ bị xử lý.
Có một số lãnh đạo BV cho rằng, hiện nay, số cuộc gọi đến đường dây nóng đúng chuyên môn, đúng nội dung cần phải được giải quyết còn ít, trong khi đó, lãnh đạo BV lại phải giải quyết nhiều công việc nên đôi khi cũng thấy bất cập? Ý kiến của ông thế nào?
Ông Đặng Văn Chính: Những ai nói như vậy thì cần phải chấn chỉnh ngay, vì người dân gọi đến là người ta mất tiền, mất thời gian, phải suy nghĩ để gọi, để hỏi, và đương nhiên cũng có những cuộc gọi “lạc đề”. Nhưng tôi cho rằng cán bộ ngành Y nói riêng phải biết ghi nhận tất các phản ánh đó, vì những người gọi đến là những người hoặc do bức xúc hoặc họ là người có trách nhiệm với xã hội.
Hơn nữa, đối với người làm công tác quản lý, điều tối quan trọng là thông tin và trong hàng trăm thông tin, chỉ cần có vài thông tin có giá trị là đã giúp ta hoàn thành tốt công việc rồi. Báo điện tử Chính phủ ,ngày 2/4/2014
Người bệnh nặng sẽ được giảm viện phí
“Trường hợp bệnh nặng chịu chi phí lớn như ung thư, can thiệp tim mạch, ghép tạng hay chạy thận nhân tạo… giảm bớt nhiều khoản chi y tế”.
Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế
Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hôm nay (2/4), nhiều ý kiến thống nhất quan điểm nên bắt buộc người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, bắt buộc toàn dân tham gia BHYT là một điểm mới của Dự thảo sửa đổi.
Theo bà Hương, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.
Bà Hương cho biết, quy định tham gia BHYT bắt buộc là đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân.
“Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia”, bà Hương nói.
Đồng tình với việc bắt buộc toàn dân tham gia BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: Quy định bắt buộc người dân tham gia là phù hợp với chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Người tai nạn giao thông sẽ được miễn viện phí
Theo bà Hương, Dự thảo sửa đổi ra lần này, quyền lợi của người tham gia BHYT được nâng lên đáng kể, nhất là đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng…Đặc biệt, BHYT sẽ thanh toán cho bệnh nhân tai nạn giao thông cho dù bệnh nhân vi phạm luật giao thông.
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm từ 5 năm liên tục và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 80% như hiện nay.
Theo bà Hương, với quy định mới này sẽ giúp người bệnh đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng chịu chi phí lớn như ung thư, can thiệp tim mạch, ghép tạng hay chạy thận nhân tạo… giảm bớt nhiều khoản chi y tế”.
Theo dự thảo Luật BHYT sửa đổi, cũng sẽ mở rộng phạm vi thanh toán cho các trường hợp như: Tự tử, tự gây thương tích, bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
Bà Hương cũng cho biết, song song với việc nâng mức hỗ trợ chi phí về bảo hiểm y tế cho những đối tượng nêu trên. Dự thảo cũng quy định việc giảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân trái tuyến.
Ngoài ra, Dự thảo còn mở rộng phạm vi thanh toán đối với loại bệnh này; theo đó, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% khi điều trị cận thị, lác và tật khúc xạ như các loại bệnh khác. Nếu thực thi, hàng ngàn trẻ có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế, chữa trị bệnh, có cơ hội giữ được “đôi mắt sáng”. 4.Báo điện tử Khám Phá, ngày 2/4/2014, 19:58
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn
Chiều 1/4, Bộ trưởng bộ Y tế đã có buổi trả lời chất vấn trực tiếp những vấn đề được cử tri quan tâm tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII. Những vấn đề về y đức, cơ sở vật chất, bộ máy y tế đều được đưa ra để chất vấn nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Các y bác sỹ không có phẩm chất, đạo đức ra khỏi ngành
Theo đó, buổi chất vấn có 2 vấn đề mà dư luận quan tâm nhất, mong muốn được nghe câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế là y đức của các y bác sỹ hiện nay và chất lượng khám chữa bệnh của các tuyến bệnh viện từ trung tâm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện cũng như tuyến tỉnh, thành phố.
Đứng trước những câu hỏi của các đại biểu là cử tri trong cả nước hiện nay đang rất băn khoăn vì vấn đề y đức chưa có sự chuyển biến tích cực, những sự việc đau lòng gây chết người do các y bác sỹ tắc trách vẫn còn rất nhiều. Và có nên chăng khi Bộ Y tế cho tiến hành thành lập một quỹ bảo hiểm y tế để bồi thường cho các bệnh nhân là nạn nhân của việc thiếu y đức?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Kim Tiến chỉ trả lời theo cách “nước đôi” rằng, “bệnh nhân đi khám chữa bệnh thì có thể khỏi bệnh hoặc không và cũng có thề để lại biến chứng, thậm chí tử vong. Vì còn khám chữa bệnh là còn sai sót”. Dư luận cử tri đa số đều bất ngờ trước câu trả lời của nữ Bộ trưởng. Như vậy, có nghĩa là bệnh nhân khi đi khám bệnh đều có thể mang trong mình xác xuất 50/50. Nghĩa là có thể hết bệnh ra về hoặc cũng có thể để lại biến chứng, thậm chí là chết vì sai sót y học hoặc do y bác sỹ tắc trách? Còn vấn đề y đức khi nào sẽ được chấn chỉnh nghiêm túc theo hướng tích cực thì không thấy Bộ trưởng Kim Tiến trả lời.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho rằng, ngành Y tế sẽ cho sàng lọc các y bác sỹ, các cán bộ không có phẩm chất, đạo đức ra khỏi ngành. Nhưng bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiến hành tuyên dương các cán bộ làm tốt công việc. Vì nếu không họ sẽ buồn chán. Mà buồn chán thì tắc trách, mà tắc trách thì bệnh nhân sẽ là người thiệt thòi.
Tăng mức viện phí nhưng chất lượng có thay đổi?
Cử tri cũng thắc mắc là với mức tăng viện phí lên thêm 15% trước đây mà Bộ Y tế đưa ra, vậy số tiền đó đã đi đâu trong khi các bệnh viện hiện nay là của xã hội, tiền lương của đội ngũ y bác sỹ và cơ sở vật chất đều do tiền thuế của dân đóng. Vậy tại sao vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải chịu 4 người một giường. Nếu người bệnh đóng thêm một khoản tiền thì sẽ được nằm riêng một giường.
Câu trả lời của Bộ trưởng là bà sẽ cho chấn chỉnh, tuy nhiên bà đã đi nhiều bệnh viện và thấy có sự thay đổi là ở các phòng khoa khám bệnh, có bệnh viện mua cả ghế ngồi chờ như ở sân bay cho bệnh nhân, có quạt, cầu thang máy cho người dân đi. Sự thay đổi này là do tăng mức viện phí mà có. Tăng mức viện phí nhưng chất lượng khám chữa bệnh có tăng hay không và cần phải làm gì để nâng cao chất lượng ở các bệnh viện tuyến dưới để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên lại là một vấn đề dư luận rất quan tâm.
Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng còn nêu giải pháp là sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nếu như giá dịch vụ ở bệnh viện công cũng được tính như ở bệnh viện tư. Báo điện tử C«ng luËn ,ngày 2/4/2014, 18:31
Nhiều loại bệnh truyền nhiễm “oanh tạc” cộng đồng
(Dân trí) – Bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, sốt xuất huyết diễn biến bất thường giữa mùa khô, sởi và thủy đậu tiếp tục hoành hành đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nguy cơ bị nhiều loại bệnh đánh úp đã hiện hữu khiến ngành y tế rơi vào thế bị động.
Sởi, thủy đậu “leo thang”
Tại cuộc họp giao ban Y tế Dự phòng các quận huyện trong tháng 3, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, đã cảnh báo nếu không khẩn trương bao vây và đẩy lùi bệnh sởi, thành phố có nguy cơ phải cùng lúc đương đầu với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nhau. Một tháng sau nhận định trên, những cảnh báo của TS Trường Giang đang dần hiện hữu.
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố trong cuộc họp giao ban tháng 4 cho thấy nhiều loại bệnh đang đồng loạt gia tăng. Cụ thể, từ sau Tết Nguyên Đán số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi tăng với tốc độ “chóng mặt”. Số bệnh nhân sởi nhập viện mỗi tuần đã tăng hơn 3 lần chỉ từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 (hơn 100 ca mỗi tuần). Tính tổng từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh đã lên tới hơn 603 ca, tăng 602% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguy hiểm hơn là bệnh thủy đậu, rục rịch gia tăng từ đầu năm, đến tháng 3 bắt đầu tăng tốc, đạt ngưỡng từ 40-47 ca mỗi tuần. Số ca thủy đậu phải nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay đã tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái (369 ca).
Sốt xuất huyết bất thường “liên minh” với tay chân miệng
Cùng với bệnh sởi và thủy đậu sốt xuất huyết đang là loại bệnh diễn biến bất thường. Theo tính chất chu kỳ của bệnh, giảm vào mùa khô và tăng vào mùa mưa nhưng thực tế, chỉ tính riêng tuần cuối cùng của tháng 3, “bệnh tăng đột biến ở mức cảnh báo” với khoảng 120 trường hợp phải nhập viện. Tính từ đầu năm, số ca SXH đã tăng 26,5% so với cùng kỳ (lên tới 2.185 ca).
Trong khi đó, bệnh tay chân miệng đang vào mùa với khoảng 150-160 ca nhập viện điều trị mỗi tuần. Tổng số ca tay chân miệng tính từ đầu năm đến nay là 1.876 ca, đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tâm Y tế Dự phòng dự báo, bệnh sẽ tiếp tục tăng theo chu kỳ trong tháng 4. Bên cạnh các loại bệnh nêu trên thì một số bệnh khác như sốt phát ban, cúm, quai bị cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tuyến “phòng thủ” của ngành Y đang “chới với”
Dù Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã tổ chức các chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa bệnh sởi cho trẻ nhưng sau 4 tuần triển khai, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại và có chiều hướng tấn công vào trẻ lớn tuổi. Nếu năm 2013 khoảng 90% trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi thì sang năm 2014, số trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh lại chiếm 90%. Thực tế trên cho thấy, mầm bệnh đang lưu hành và nhân rộng đối tượng truyền bệnh.
Chiến dịch tiêm bù vắc xin sởi chỉ giới hạn ở trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi sẽ “bỏ ngỏ” một số lượng không nhỏ đối tượng có nguy cơ từ 3-10 tuổi, khiến vắc-xin ngừa sởi khó có thể vươn tới mức độ bao phủ (trên 90% đối tượng nguy cơ) để đạt hiệu quả phòng bệnh.
Cùng với bệnh sởi, thủy đậu đang là nỗi ám ảnh của cộng đồng, số ca bệnh mỗi ngày không ngừng tăng lên. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, việc kiểm soát bệnh thủy đậu đang gặp nhiều trở ngại do không có vắc-xin phòng bệnh.
Phải căng mình đối phó với sởi và thủy đậu thời gian qua khiến việc phòng ngừa các loại bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết của ngành Y tế gặp nhiều khó khăn. Trong lúc nhân sự “mỏng” lại đương đầu với nhiều dịch bệnh khiến các kế hoạch vạch ra khó có thể hoàn thành. Tình hình trên buộc ngành Y tế phải thay đổi “chiến thuật”. Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, thời gian tới Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ yêu cầu các cơ sở tiêm dịch vụ báo cáo số liệu trẻ đã đến chích ngừa, trên cơ sở đó Trung tâm sẽ điều chỉnh giảm khoảng 15% chỉ tiêu trong số 95 nghìn mũi tiêm vét vắc-xin sởi đã đề ra.
Bên cạnh việc yêu cầu các quận huyện rốt ráo triển khai giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, BS Nguyễn Trí Dũng kêu gọi ngành Giáo dục chia sẻ gánh nặng trong tình thế khó khăn. “Nhà trường nên chủ động vệ sinh khử khuẩn để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Nếu phát hiện ca bệnh nhà trường phải kịp thời thông báo để kết hợp cùng ngành Y tế bao vây và dập dịch, hạn chế tối thiểu các ổ bệnh hình thành trong trường học”.Báo điện tử Dân trí, ngày 2/4/2014,18:15
Bác sĩ giỏi về vùng sâu, vùng xa
Bộ Y tế đang triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, dự án còn giúp các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
16 giờ, vừa đặt chân đến Mù Cang Chải, sau quãng đường khoảng 300 km đi bằng ô-tô từ Hà Nội lên, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn nhận được đề nghị từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tham gia ca mổ cấp cứu cho một người bệnh có thai ngoài tử cung.
Sau gần ba giờ, ca mổ thành công, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn không giấu nổi niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: “Khi nhận được đề nghị của lãnh đạo bệnh viện, dù bản thân còn rất mệt sau một quãng đường dài, nhưng trước tính mạng của người bệnh tôi không một phút đắn đo, uống vội cốc nước rồi thay quần áo để kịp tham gia mổ. Tuy lần đầu tiên tham gia ca mổ tại bệnh viện tuyến huyện nhưng được sự hỗ trợ tận tình và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng nghiệp, ca mổ đã thành công. Điều làm tôi vui nhất lúc này là bản thân thấy tự tin hơn rất nhiều. Biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng như đáp ứng kỳ vọng của mọi người trước khi đến với mảnh đất này.
Khi được hỏi, vì sao đang công tác tại Bệnh viện Sản -Nhi tỉnh Ninh Bình, có điều kiện làm việc tốt hơn, lại đăng ký về công tác ở Bệnh viện Đa khoa Mù Cang Chải, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn cho biết: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã tham gia các chuyến đi tình nguyện đến khám bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thông qua những chuyến đi như thế, tôi tận mắt thấy các dịch vụ y tế cung cấp cho người dân ở những nơi này còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
Vì vậy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ tôi mong muốn được mang những kiến thức của mình chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, giúp họ thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Qua đó, bản thân tôi có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống và là hành trang để mình tự tin hơn trong cuộc sống sau này.
Giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, ánh lửa trại bừng sáng cả một góc trời, những bàn tay nắm chặt vào nhau, bước chân nhảy theo từng nốt nhạc. Đó là hình ảnh của đêm hội trại trước lễ ra quân “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo” do Bộ Y tế tổ chức tại tỉnh Yên Bái.
Bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến (Gia Lâm, Hà Nội) là nữ bác sĩ duy nhất trong đợt ra quân lần đầu này, cô gái Hà Nội không ngần ngại chia sẻ: Điều đầu tiên là em muốn cống hiến sức trẻ của mình, mang những kiến thức đã học cùng với nhiệt huyết đóng góp một phần công sức nhỏ bé để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng cao.
Sau lễ ra quân, bác sĩ Yến về công tác tại Bệnh viện huyện Mường Khương, một địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác y tế của tỉnh Lào Cai. Vẫn biết rằng, phía trước không chỉ riêng Yến mà còn các bác sĩ trẻ khác cùng đi trong đợt này sẽ phải đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, thiếu thốn. Nhưng các bác sĩ trẻ tin rằng, với ngọn lửa đam mê trong trái tim mình, sự yêu thương, đùm bọc, sự chỉ bảo ân cần của những thế hệ đi trước và người dân nơi công tác sẽ giúp họ vượt qua những điều đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khác với Cao Thị Hồng Yến, bác sĩ trẻ Đường Văn Mười (dân tộc Thái) tỏ ra tự tin hơn nhiều. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, bản thân là người dân tộc thiểu số, anh luôn thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào mình, nhất là trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Do vậy khi biết có dự án, Mười đăng ký tham gia ngay. Thật may, Mười lại được phân công về làm việc tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) chính là quê hương của mình. “Không phải mất thời gian làm quen với phong tục, tập quán của người dân địa phương, cũng như thiếu thốn tình cảm khi xa gia đình, điều tâm niệm của tôi lúc này, khi bước vào công việc là luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao và mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp” – Mười chia sẻ.
Từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ bác sĩ mới ra trường vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế; xây dựng mô hình để các địa phương xây dựng chế độ, chính sách nhằm vận động đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện về địa phương mình công tác. Qua đó, góp phần giảm tải công tác khám, chữa bệnh của người dân ở tuyến trên, giúp tuyến dưới hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Đối tượng tham gia dự án là các bác sĩ tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú tại các trường đại học Y, hoặc chuyên khoa cấp I, thạc sĩ trở lên… Các bác sĩ trẻ sẽ tham gia tình nguyện, với thời gian ba năm đối với nam và hai năm đối với nữ. Dự án được triển khai tại 20 tỉnh có huyện nghèo, với số lượng dự kiến khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia. Vạn sự khởi đầu nan, hy vọng với sự tham gia tích cực của các bác sĩ trẻ, dự án sẽ hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Các bác sĩ trẻ tham gia dự án, xung phong về các huyện nghèo, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: được xét tuyển vào làm việc ở một trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo chuyên khoa I; sau thời gian đào tạo, sẽ được ưu tiên xét cấp chứng chỉ hành nghề; những bác sĩ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về quản lý y tế… Báo điện tử nhân dân, ngày 3/4/2014, 01:54
Sẽ thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện
Ngày 2/4, Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp lần cuối cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để có thể trình Quốc hội xem xét vào tháng 5.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết, dự thảo luật có nhiều điểm mới như Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện trên toàn quốc. Dự thảo còn bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi, thanh toán liên quan tai nạn giao thông, tai nạn lao động; bỏ quy định thanh toán khám chữa bệnh tại nước ngoài.
Theo đó, người bị tai nạn giao thông sẽ được thanh toán viện phí mà không cần phải xem xét có vi phạm trong quá trình tham gia giao thông hay không; trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% viện phí khi phẫu thuật chỉnh thị mắt lác và các tật khúc xạ.
Người nghèo, dân tộc thiểu số cũng được thanh toán 100% thay vì 95% như hiện nay; tỷ lệ áp dụng với đối tượng thuộc hộ cận nghèo hưởng BHYT cũng tăng từ 80% lên 95%… (Tiền phong (trang 2).
Nghệ An: Bệnh viện quá tải do trẻ nhập viện tăng cao
Ngày 2/4, tin từ Bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết, mấy ngày qua số trẻ đến khám và nhập viện điều trị tại bệnh viên tăng cao làm bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Được biết, Bệnh viện sản nhi Nghệ An chỉ có 320 giường bệnh, song hiện đang có hơn 700 bệnh nhân đang phải nhập viện.
Để có giường cho bệnh nhân nằm điều trị, bệnh viên đã phải kê thêm hơn 300 giường bệnh tại hành lang và các lối đi của bệnh viện. Hầu hết trẻ nhỏ nằm điều trị tại bệnh viện do mắc bệnh về hô hấp và truyền nhiễm như bệnh sởi, phát ban, tay, chân, miệng….
Theo khuyến cáo của các bác sĩ tại bệnh viện, trẻ em đau phải nhập viện tăng đột biến là do thời tiết chuyển mùa, vì vậy các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ tốt hơn, không để trẻ ra nắng, tắm khi trẻ còn ra mồ hôi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, phụ huynh cần bình tĩnh khi trẻ mắc bệnh, không nên đưa trẻ khám, nhập viện vượt tuyến tránh việc quá tải cho bệnh viện tuyến trên, bởi các bệnh trẻ mắc nhiều cơ sở y tế ở các địa phương có thể điều trị, chữa khỏi (Công an nhân dân (trang 3).
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN