Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum Toxin

Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum Toxin

  1. Đại cương

Tăng tiết mồ hôi (hyperhydrosis) thường được định nghĩa là sự tiết mồ hôi quá mức hay là sự tiết mồ hôi vượt quá nhu cầu sinh lý cho phép đối với nhu cầu điều hòa nhiệt của cơ thể và điều kiện của môi trường.

Tăng tiết mồ hôi thường đối xứng, một số trường hợp có thể chỉ bị ở một bên. Bệnh không đau, không nguy nhiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

  1. Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Là loại tăng tiết mồ hôi hay gặp nhất, thường là tăng tiết mồ hôi khu trú, vô căn và hay gặp ở người khỏe mạnh ở vị trí lòng bàn tay, bàn chân, nách.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát: Tiết mồ hôi quá mức, khu trú, nhìn thấy được, kéo dài ít nhất 6 tháng mà không có nguyên nhân rõ ràng với ít nhất 2 trong số các đặc điểm sau:

  • Tiết mồ hôi 2 bên đối xứng
  • Suy giảm hoạt động hằng ngày
  • Tuần suất ít nhất 1 lần/tuần
  • Tuổi khởi phát dưới 25
  • Có tiền sử gia đình
  • Không xảy ra trong lúc ngủ

Tăng tiết mồ hôi thứ phát: thường là tăng tiết mồ hôi toàn thể, xuất hiện theo sau một số bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, nội tiết, chuyển hóa, tim mạch, thần kinh, tâm thần và ác tính. Tăng tiết mồ hôi cũng có thể do một vài thuốc và độc chất gây ra.

  1. Mức độ tăng tiết mồ hôi

Dựa vào thang điểm HDSS (Hyperhidrosis disease severity scale):

  • 1 điểm: Không gây chú ý, hầu như không bao giờ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
  • 2 điểm: Trong giới hạn chịu được, đôi khi ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
  • 3 điểm: Rất khó chịu, thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
  • 4 điểm: Không chịu đựng nổi, luôn làm ảnh hưởng đến các hoạt động

Cần chú ý rằng, chỉ có mức độ 3 và 4 mới được cho là tăng tiết mồ hôi thực sự.

  1. Điều trị tăng tiết mồ hôi

Có rất nhiều phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi

– Muối nhôm

Thành phần của các thuốc này chủ yếu là muối nhôm như chlorua nhôm, sulfate nhôm… có tác dụng bịt kín lỗ chân lông để ngăn mồ hôi thoát ra trên bề mặt da. Do đó, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và cần phải sử dụng hằng ngày. Cần lưu ý, thuốc có thể gây tác dụng phụ như ngứa rát, nổi mẩn trên da với những người có cơ địa nhạy cảm.

– Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh acetylcholine tại các thụ thể muscarinic của tuyến mồ hôi.

– Liệu pháp ion : Sử dụng nguồn điện đưa ion qua da thông qua hệ thống thủy phân. Thời gian 10-20 phút/ngày trong nhiều ngày. Có thể gây ra cảm giác khó chịu, kích ứng hoặc tiêm da tiếp xúc

– Vi sóng (Microwave)

Sử dụng năng lượng sóng siêu âm làm teo các tuyến mồ hôi dưới da. Phương pháp này cho kết quả điều trị cao trong tăng tiết mồi hôi vùng nách tuy nhiên cần điều trị nhiều lần.

– Botulinum toxin (BoNT)

Botulinum toxin là một protein và là một độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum (một loại vi khuẩn gây ngộc độc thịt) tạo ra. Trong đó botulinum toxin type A (botox – BoNT-A) được biết đến và sử dụng nhiều nhất. Việc ứng dụng tiêm botox điều trị tăng tiết mồ hôi được biết đến vào những thập niên 90 của thế kỷ XX. Cơ chế được biết đến nhiều nhất của botox là ức chế giải phóng acetylcholin ở màng trước synap làm giảm hoạt động của tuyến mồ hôi eccrine.

– Cắt hạch thần kinh giao cảm

Cắt hạch giao cảm là phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm phá hủy các hạch giao cảm ngực bằng nội soi để giảm tiết mồ hôi ở tay, nách. Đây là lựa chọn cuối cùng khi những phương pháp trên không hiệu quả, bởi lẽ nó còn tồn tại nhiều biến chứng không thể lường trước như nhiễm trùng sau mổ, tăng tiết mồ hôi bù trừ ở những vùng khác như chân, lưng, bụng…

  1. Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi

5.1. Chỉ định, chống chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi

Hiện nay, với hội chứng tăng tiết mồ hôi thì FDA chỉ mới chấp thuận duy nhất OnaBTX-A trong điều trị tăng tiết mồ hôi nặng vào năm 2004.

Tuy nhiên, người ta cũng sử dụng BTX trong điều trị một số vùng tăng tiết mồ hôi khác như:

  • Tăng tiết mồ hôi lòng bàn chân, bàn tay
  • Tăng tiết mồi hôi vùng mặt: trán, mũi
  • Tăng tiết mồ hôi vùng thân mình: ngực, lưng

5.1.1. Chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi:

  • Bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát
  • Bệnh nhân sau khi đã thay đổi chế độ sinh hoạt và sử dụng thuốc bôi để điều trị nhưng không cải thiện
  • Bệnh nhân > 13 tuổi

5.1.2. Chống chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi:

  • Các chống chỉ định chung của BTX
  • Bệnh nhân tăng tiết mồ hôi thứ phát
  • Bệnh nhân < 13 tuổi
  • Bệnh nhân kỳ vọng quá cao

Bệnh nhân sẽ được gây tê hoặc gây mê trước khi thực hiện điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum toxin.

5.2 Thời gian tác dụng và tiêm nhắc lại:

Hiệu quả của phương pháp tiêm Botulinum toxin đạt tối đa sau 1 tháng và kéo dài 6-9 tháng sau tiêm.

Tiêm nhắc lại cho bệnh nhân sau 6-9 tháng tùy mức độ tái phát của bệnh nhân. Vẫn tiêm nhắc lại liều như cũ. Sau mỗi lần tiêm, thời gian kéo dài và hiệu quả tăng dần lên. Một số bệnh nhân sau tiêm nhắc lại lần thứ 3 hoặc 4 có thể đạt được thời gian tác dụng lâu dài.

5.3 Biến chứng

Một số biến chứng có thể xảy ra khi điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum toxin:

  • Đau lúc tiêm
  • Bầm tím
  • Chảy máu
  • Ngứa, kích ứng
  • Tăng tiết mồ hôi vị trí khác
  • Khác: đau đầu, đau cơ, mỏi vai

Tuy nhiên, không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào