Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Hạn chế tác dụng phụ trên tiêu hóa của erythromycin

Hạn chế tác dụng phụ trên tiêu hóa của erythromycin

Hạn chế tác dụng phụ trên tiêu hóa của erythromycin

Cũng giống như các loại thuốc khác, kháng sinh cũng có những tác dụng phụ gây ra cho người dùng. Đặc biệt với erythromycin…

Cũng giống như các loại thuốc khác, kháng sinh cũng có những tác dụng phụ gây ra cho người dùng. Đặc biệt với erythromycin – kháng sinh nhóm macrolid là một loại thuốc thông dụng nhưng có nhiều cảnh báo về tác dụng phụ do loại thuốc này đã được đưa ra, đặc biệt là trên đường tiêu hóa.

Erythromycin (gọi tắt là ery) là một kháng sinh có phổ tác dụng rộng. Thuốc được dùng điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm kết mạc trẻ sơ sinh, viêm xoang, dùng thay thế penicilin trong dự phòng dài hạn thấp khớp cấp, dùng phối hợp với neomycin để phòng nhiễm khuẩn khi tiến hành phẫu thuật ruột…

Khi uống erythromycin, dạ dày co bóp mạnh, sẽ đẩy thức ăn trào ngược gây nôn.

Những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của erythromycin

Khoảng 5 – 15% người dùng ery (đường uống và đường truyền) gặp tác dụng không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ thường gặp của ery là những khó chịu về tiêu hóa. Triệu chứng hay gặp là: buồn nôn, nôn, kém ăn, đau bụng và tiêu chảy. Các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa có liên quan đến liều dùng. Liều càng cao, phản ứng phụ càng rõ rệt.

Nhiều người bệnh khi uống ery rất khó chịu khi cảm thấy buồn nôn và nôn. Nguyên nhân gây buồn nôn là do bản chất của thuốc. Erythromycin nói riêng và các macrolid nói chung gây kích thích dạ dày, làm cho dạ dày co bóp rất mạnh. Người ta đã lợi dụng tác dụng này điều trị cho những người bị đờ dạ dày. Còn đối với những người dạ dày bình thường, khi uống ery, dạ dày co bóp mạnh sẽ đẩy thức ăn trào ngược lên, gây buồn nôn. Ngoài ra, thuốc còn gây kích ứng niêm mạc dạ dày nên người bệnh luôn có cảm giác cồn cào, khó chịu. Để không bị buồn nôn do thuốc, nhiều người đã uống ery sau khi ăn. Thế nhưng nếu uống thuốc sau khi ăn càng no, ery sẽ lưu lại ở dạ dày càng lâu. Khi thuốc còn ở dạ dày chừng nào sẽ kích thích dạ dày co bóp chừng ấy và gây nôn, thậm chí còn gây viêm loét dạ dày. Vì thế, muốn tránh tác dụng phụ buồn nôn khi uống ery, đặc biệt đối với dạng viên nén, bao phim của ery thì nên uống thuốc vào lúc đói và uống nhiều nước giúp thuốc trôi nhanh xuống ruột.

Tiêu chảy do dùng kháng sinh – một bệnh nặng ảnh hưởng tới 20% số người đang điều trị kháng sinh, cũng là một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng ery. Với các trường hợp dùng ery điều trị viêm phế quản, viêm xoang, người dùng sẽ có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy rõ rệt nhất từ ngày thứ 3 sau khi dùng thuốc. Do khi đó vi khuẩn ở phế quản hoặc các hốc xoang bị tiêu diệt dần và chết, xác vi khuẩn đi qua dạ dày sau đó xuống đường ruột và gây các rối loạn tại chỗ. Hơn nữa khi vào cơ thể, ery sẽ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Do số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột bị giảm đáng kể, sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột bị mất đi. Sau đó, các loại vi khuẩn có hại có điều kiện thuận lợi để phát triển và sinh sôi nhiều hơn, trong đó có vi khuẩn Clostridium dificile – một loại vi khuẩn gây tiêu chảy. Chứng tiêu chảy này thường được gọi là tiêu chảy do thuốc kháng sinh gây ra. Ở trẻ em, những rối loạn này càng rõ nét hơn. Trẻ có thể bị đau quặn bụng, tiêu chảy phân loãng nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, sau khi dùng hết một liều dùng của thuốc (khoảng 7 ngày), các khó chịu về tiêu hóa sẽ giảm dần và hết hẳn.

Lời khuyên cho người dùng thuốc

Trong khi dùng ery, những trường hợp bị tiêu chảy nặng, đi ngoài nhiều lần và có dấu hiệu mất nước hoặc nôn nhiều lần trong ngày, bệnh nhân phải báo cáo tình trạng cho bác sĩ hay dược sĩ để có chỉ định ngừng thuốc.

Sau một liệu trình uống ery, có thể dùng bổ sung men vi sinh (probiotic) như: antibio, probio, bioacimin, lactomin… Đây là các chế phẩm chứa các vi sinh vật (vi khuẩn) có ích, khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa.

Trong đơn thuốc, có thể bác sĩ cũng kê men vi sinh cùng với kháng sinh cho người bệnh mà không dặn dò kỹ người bệnh về thời điểm dùng hai loại thuốc này, khiến nhiều người uống men vi sinh cùng với kháng sinh. Cách dùng này không đúng vì trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho cơ thể, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh. Vì vậy, kháng sinh và chế phẩm vi sinh sẽ “công” nhau và làm giảm tác dụng của nhau. Do vậy, việc bổ sung chế phẩm vi sinh cần được tiến hành ngay sau đợt uống kháng sinh, không sử dụng trong khi dùng kháng sinh.

Dùng liều cao ery với các thuốc có độc tính với tai có thể làm tăng tiềm năng độc tính với tai, ery chống chỉ định với người bệnh có tiền sử bị điếc. Sử dụng phối hợp ery với các thuốc có độc tính với gan có thể làm tăng tiềm năng độc với gan. Cần thận trọng khi kê đơn ery cho người có bệnh gan hoặc suy gan, người có loạn nhịp và có các bệnh khác về tim. Không được dùng ery trong thai kỳ. Trong một nghiên cứu mới đây cho thấy, khi mang thai, phụ nữ dùng ery để điều trị nhiễm khuẩn thì trẻ sinh ra có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc một trong hai bệnh liên quan đến não là: bại não hoặc động kinh.

(Theo Sức khỏe đời sống)