Sốt rét là một căn bệnh đe dọa tính mạng, do ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium) gây nên, bệnh lây truyền qua đường máu do muỗi Anophen hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Hiện chưa có vắc xin nên nếu không được kiểm soát bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Đặc biệt khoảng thời gian vào đầu mùa mưa khi muỗi phát triển mạnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020.
1. Chiến lược quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam
Sốt rét tại Việt Nam những năm gần đây đã giảm mạnh, nhờ những nỗ lực trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hướng đến mục tiêu loại trừ loài sốt rét vào năm 2030.
Năm 2023, số bệnh nhân sốt rét ở nước ta còn ghi nhận là 448 ca, giảm 97,3%, số ca nắc sốt rét ác tính giảm 89,19%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011.
Khánh Hoà – ‘điểm nóng’ về bệnh sốt rét
Đến hết năm 2023, nước ta có 46 tỉnh, thành được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét. Trong số 17 tỉnh, thành chưa loại trừ sốt rét, Khánh Hoà được nhận định là “điểm nóng’ về bệnh sốt rét trong năm 2023 khi ghi nhận 254 ca mắc sốt rét, chiếm hơn 50% số ca mắc cả nước. Đặc biệt số ca mắc này ở Khánh Hoà ghi nhân chủ yếu từ tháng 6/2023 đến cuối năm, tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (chiếm hơn 90% tổng số ca sốt rét toàn tỉnh). Trong khi từ thời điểm này trở về trước, Khánh Hoà chỉ ghi nhận 5-10 ca mỗi năm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch sốt rét tại Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) tiếp tục có những diễn biến phức tạp với trên 60 ca; 9/15 xã, thị trấn ghi nhận ca mắc; các xã Khánh Phú, Khánh Thượng chiếm nhiều nhất với 23 ca. Ðiều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của địa phương và ngành Y tế, vì đây không phải là thời điểm bùng phát của bệnh này. Với diễn biến này các chuyên gia dịch tễ dự đoán từ nay đến cuối năm, tình hình sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để kiểm soát đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội đẩy lùi bệnh sốt rét.
Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25/4, năm nay với thông điệp “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, nhằm tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ y tế để phòng chống bệnh sốt rét, quyết tâm đẩy lùi bệnh sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Tìm hiểu thông tin về bệnh Sốt rét
2.1. Bệnh Sốt rét nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh
Khi một người bị ký sinh trùng sốt rét xâm nhập, nó sẽ phá vỡ cấu trúc tế bào gan của người bệnh. Sau đó, lây lan ra các tế bào hồng cầu nhằm phá hủy hồng cầu. Mỗi khi hồng cầu vỡ, người bệnh sẽ sốt thành cơn có chu kỳ khác nhau tùy theo từng loại ký sinh trùng gây bệnh cho người.Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc nhợt.
2.2. Các triệu chứng bệnh sốt rét bao gồm:
Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của người bệnh, cơ địa của người nhiễm (thai nghén, suy dinh dưỡng…).
– Thời kỳ ủ bệnh là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9 đến 15 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét. Giai đoạn này, hầu như bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.
– Thời kỳ phát bệnh: dấu hiệu điển hình là đau mỏi khớp, cơ, rét run và có thể bị sốt cao lên đến 39 – 400C. Sau khoảng 2 tuần, người bệnh bắt đầu có những cơn sốt rét, sốt nóng diễn ra liên tục theo chu kỳ. Cơn sốt có thể kéo dài từ 6 – 12 giờ kèm theo vã mồ hôi, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, rối loạn ý thức… Ở những bệnh nhân thiếu máu, người bệnh sẽ bị chóng mặt, da xanh xao, môi thâm, sức khỏe suy kiệt.
Biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh sốt rét trải qua 3 giai đoạn: sốt rét run, sốt nóng, vã mồ hôi và khát nước. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ, sau cơn sốt bệnh nhân trở lại bình thường. Ngoài ra có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Đối với những người bị sốt lần đầu, cơn sốt thường không điển hình, trong khi những triệu chứng đi kèm khác lại xuất hiện, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt xuất huyết, cúm, sốt do nhiễm vi rút…
Bệnh sốt rét có chu kỳ 1 ngày một cơn sốt hoặc 2 – 3 ngày một cơn. Vì vậy khi có các biểu hiện trên bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và lấy máu làm xét nghiệm sớm tìm ký sinh trùng sốt rét. Nếu xác định là sốt rét phải uống đúng thuốc, đủ liều theo hướng dẫn của thầy thuốc. Thuốc chữa sốt rét không mất tiền và có ở tất cả các cơ sở y tế nhà nước. Người bị sốt rét không được tự ý dùng thuốc sốt rét, vì nếu sử dụng không đúng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng hoặc dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khi đó việc điều trị rất khó khăn, dễ chuyển thành sốt rét ác tính.
2.3. Phòng ngừa
Sốt rét hiện chưa có vắc xin dự phòng, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng trừ muỗi truyền bệnh, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Chúng ta cùng chủ động phòng bệnh sốt rét, ngủ màn/màn tẩm hóa chất diệt muỗi thường xuyên, nhất là khi ngủ ở nương rẫy, trong rừng. Khi bị sốt, sốt rét hãy đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN