Khoa Dược ra đời gắn liền với việc thành lập Bệnh viện từ năm 1918 với tiền thân là một phòng cấp phát thuốc. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, khoa Dược đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu trong từng thời kỳ. Hiện nay, về cơ bản khoa đã thực hiện tốt công tác mua sắm, cung ứng, bảo quản thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao và tư vấn, giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Tập thể khoa Dược – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Hiện tại, khoa Dược có tổng số 40 cán bộ nhân viên, trong đó có 01 DSCKII, 10 Thạc sĩ và DSCKI, 07 Dược sĩ đại học, 13 Dược sĩ cao đẳng, 10 Dược sĩ trung học và 01 Dược tá. Bao gồm các bộ phận chính sau: Ban Lãnh đạo khoa; Bộ phận Kho và cấp phát; Bộ phận Dược lâm sàng; Bộ phận Nghiệp vụ dược & thống kê dược; Bộ phận Nhà thuốc; Bộ phận phối hợp Thanh toán; Bộ phận khác: pha chế, đưa thuốc.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Bệnh viện, trong những năm qua, khoa Dược đã gặt hái nhiều thành tích đáng ghi nhận. Thang điểm chất lượng về công tác Dược không ngừng được cải thiện (Năm 2018: 4,4/5; Năm 2019: 4,5/5; Năm 2020: 4,7/5; Năm 2021: 4,8/5; Năm 2022: 4,8/5). Để làm nên thương hiệu khoa Dược với bề dày lịch sử này, bản thân mỗi dược sĩ đang công tác tại khoa luôn không ngừng phấn đấu, nỗ lực hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đoàn kết, hỗ trợ tạo nên một tập thể khoa Dược bản lĩnh – vững mạch, góp phần vào sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp kỉ niệm 105 năm ngày truyền thống Bệnh viện HNĐK Nghệ An (18/9/1918-18/9/2023), xin chia sẻ một số hoạt động tiêu biểu về công tác dược đã và đang triển khai tại khoa trong thời gian qua.
1. Về công tác chuyên môn
1.1. Công tác mua sắm, cung ứng, bảo quản thuốc, vật tư, hóa chất
– Khoa Dược thực hiện nghiêm túc việc dự trù thuốc, vật tư, hóa chất bằng hình thức mua sắm tập trung tại Sở Y tế. Đồng thời, đối với những mặt hàng đặc thù sử dụng cho các kỹ thuật cao chỉ triển khai tại Bệnh viện hoặc để đảm bảo nhu cầu điều trị thiết yếu, khoa Dược chủ động xin ý kiến chỉ đạo, lập kế hoạch và tổ chức mua sắm thuốc bằng hình thức khác như: đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp,…theo đúng quy định hiện hành;
– Công tác cung ứng, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ người dân, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không để tình trạng bệnh nhân thiếu thuốc điều trị;
– Hội đồng thuốc và điều trị họp định kỳ, bổ sung kịp thời các loại thuốc cần thiết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Bệnh viện. Đồng thời, hàng năm, Hội đồng thuốc tiến hành phân tích danh mục thuốc theo ABC – VEN để có chính sách lựa chọn thuốc mua sắm thuốc hợp lý, loại bỏ những thuốc thuộc nhóm AN;
– Công tác thực hành tốt bảo quản thuốc tại các kho (GSP) được các nhân viên khoa Dược duy trì thường xuyên nhằm đảm bảo thuốc đến tay người bệnh đạt chất lượng. Tại khoa cũng áp dụng mô hình 5S tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp phát thuốc nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Cấp phát nhanh sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, đảm bảo được thời gian vàng điều trị. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh.
1.2. Công tác Dược lâm sàng
Dưới hành lang pháp lý là Thông tư 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 về hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện và mới nhất là Nghị định 131/2020/NĐ-CP ngày 02/11/2020 quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh; trong những năm gần đây, công tác Dược lâm sàng được đẩy mạnh, phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
1.2.1. Giám sát sử dụng thuốc
Giám sát sử dụng thuốc giúp phát hiện và ngăn ngừa các sai sót liên quan đến thuốc tại Bệnh viện. Tổ Dược lâm sàng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm chấn chỉnh công tác kê đơn trong Bệnh viện. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ đồng bộ hóa của phần mềm His tích hợp hồ sơ bệnh án điện tử, công tác Giám sát sử dụng thuốc trở nên linh hoạt – thuận tiện – thông minh hơn, phát hiện vấn đề một cách toàn diện, tối ưu và hệ thống hơn nhằm kịp thời đưa ra những khuyến cáo cho các nhà lâm sàng. Theo thống kê, số báo cáo giám sát sử dụng thuốc nội trú & ngoại trú lên đến 200 báo cáo/năm.
1.2.2. Hội chẩn sử dụng thuốc
Với mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Dược sĩ lâm sàng đã triển khai hoạt động hội chẩn với các khoa lâm sàng. Các hoạt động bao gồm tư vấn như lựa chọn, thay thế hoặc ngừng thuốc, hiệu chỉnh liều…của dược sĩ cho bác sĩ khi có yêu cầu. Trung bình một năm, Tổ Dược lâm sàng đã thực hiện hơn 2000 lượt hội chẩn. Bên cạnh công tác hội chẩn kháng sinh theo Quyết định 5631/QĐ-BYT, Dược sĩ lâm sàng đã hỗ trợ tư vấn cho ngày càng nhiều trường hợp sử dụng các thuốc khác (mà theo quy định không cần phải hội chẩn). Điều này thể hiện sự tin tưởng các bác sỹ cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ – dược sĩ để đạt hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
1.2.3. Công tác ADR
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc báo cáo phản ứng có hại của thuốc, khoa Dược đã rất chú trọng đến công tác này bằng các hoạt động như: Xây dựng mạng lưới đầu mối báo cáo ADR tại tất cả khoa/trung tâm; Tập huấn định kỳ hàng năm cho cán bộ y tế về cảnh giác dược và báo cáo phản ứng có hại của thuốc; Hỗ trợ các khoa lâm sàng trong xử lý phản ứng có hại của thuốc; Thông tin phản hồi thẩm định của các chuyên gia tại Trung tâm thông tin thuốc & ADR Quốc gia tới các bác sỹ trong các trường hợp ADR nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê, trung bình một năm, Bệnh viện ghi nhận 100-120 báo cáo ADR trong đó có nhiều trường hợp shock phản vệ nhưng đã được cấp cứu khẩn trương, kịp thời, thành công, cứu sống được người bệnh.
1.2.4. Thông tin thuốc
Tổ Dược lâm sàng đã triển khai hoạt động thông tin thuốc nhằm cập nhật thường xuyên, chính xác những thông tin về thuốc gửi đến cán bộ y tế. Hoạt động này bao gồm: cập nhật các văn bản, quy định pháp lý mới của Bộ Y tế, chủ động tìm hiểu thông tin thuốc mới từ các cơ sở dữ liệu có uy tín trên thế giới như Mỹ, Châu Âu,…Các thông tin này được chia sẻ trên website chính thức của Bệnh viện và được tổng hợp thành tập san xuất bản 6 tháng một lần. Ngoài ra, Đơn vị Thông tin thuốc còn thực hiện trả lời câu hỏi về thông tin thuốc khi có yêu cầu. Trung bình, tổ Dược lâm sàng đã tiếp nhận và xử lý trên 1000 câu hỏi của cán bộ nhân viên y tế trong vòng một năm.
1.2.5. Triển khai sử dụng kháng sinh hiệu quả, an toàn, hợp lý
– Công tác báo cáo tình hình kháng kháng sinh: Định kỳ 6 tháng/lần, khoa Dược phối hợp khoa Vi sinh báo cáo tình hình kháng kháng sinh cho toàn viện và các khoa lâm sàng để tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong điều trị;
– Áp dụng liệu pháp kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật: Phối hợp với các khoa lâm sàng trong công tác triển khai áp dụng liệu pháp kháng sinh dự phòng trong một số phẫu thuật sạch, sạch nhiễm. Đơn cử: khoa Ngoại tiêu hóa, khoa Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, khoa Răng hàm mặt, khoa Sản,….
1.2.6. Đào tạo, tập huấn, giảng dạy, sinh hoạt khoa học
– Hằng năm, khoa Dược có tiến hành tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, sinh hoạt khoa học cho đối tượng nhân viên y tế trong và ngoài viện; người bệnh/người nhà người bệnh. Theo đó, mỗi năm khoa Dược đã tổ chức 4 buổi sinh hoạt khoa học cho bác sĩ, 2 buổi cho điều dưỡng, 2 buổi cho bệnh nhân;
– Công tác đào tạo liên tục cho cán bộ nhân viên trong và ngoài viện ngày càng được chú trọng và phát huy hiệu quả: Năm 2019, khoa Dược được Sở Y tế phê duyệt 03 chương trình đào tạo dành cho đối tượng dược sỹ đại học và cao đẳng;
– Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là một trong những thế mạnh của khoa khi hằng năm các đề tài cấp cơ sở đều được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc; nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí Y Dược uy tín; nhiều công trình nghiên cứu được báo cáo tại các hội nghị lớn của tỉnh; nhiều cuộc thi về lĩnh vực dược lâm sàng được khoa tổ chức hưởng ứng, triển khai và đạt được giải cao;
– Mô hình đào tạo, giảng dạy phối hợp viện – trường cũng được khoa tích cực triển khai. Hằng năm, khoa có tiến hành tập huấn, giảng dạy các đối tượng sinh viên Y – Dược của trường Đại học Y khoa Vinh về công tác Dược.
2. Về công tác đoàn thể, dân vận
– Trong 3 năm liền, khoa Dược đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc, chi bộ trong sạch vững mạnh;
– Các phong trào thi đua, công tác an sinh xã hội, đoàn thể, văn hóa & văn nghệ được nhân viên trong khoa tích cực hưởng ứng. Đội ngũ đoàn viên trong khoa trở thành lực lượng xung kích, hậu cần trong nhiều công tác của Bệnh viện, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; giữ vững tinh thần câu nói “Đâu cần, thanh niên có; Đâu khó, có thanh niên” mọi lúc mọi nơi;
– Trải qua suốt một chiều dài lịch sử đồng hành với Bệnh viện, khoa Dược luôn nỗ lực, không ngừng tự hoàn thiện, đổi mới và phát triển về phong cách, tinh thần, thái độ làm việc, để xứng tầm Bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung bộ.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Bế mạc Giải Thể thao chào mừng kỷ niệm 106 năm ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918- 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN