Hệ thống thị giác của chúng ta được thiết kế để nhìn xa chứ không phải suốt ngày nhìn gần, do đó khi nhìn gần quá nhiều dẫn đến hậu quả là hệ thống thị giác bị quá tải mệt mỏi, nhức mỏi mắt dễ xuất hiện và gia tăng độ cận thị. Sau đây là một số lời khuyên giúp chúng ta có những biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng về mặt thị giác và phòng tránh cận thị.
Đeo kính là cách thông dụng khi bị cận thị
1. Nghỉ ngơi thị giác hợp lý:
Không nhìn gần liên tục quá 45 phút, việc nghỉ sau mỗi 45′ giúp mắt được nghỉ ngơi, đầu óc chúng ta thư thái hơn, làm giảm sự căng thẳng. Ra chơi hoặc đứng dậy để đi vòng quanh giúp cho thị giác chúng ta được nghỉ ngơi.
Cứ mỗi 20 phút làm việc nhìn gần cần nghỉ và nhìn xa 1 khoảng cách 6m trở lên trong 1-2 phút (Nếu hình ảnh xung quanh bị mờ chúng ta phải cho mắt nghỉ lâu hơn).
Khi máy tính đang xử lý thông tin hoặc download chúng ta không nhìn chăm chăm vào màn hình mà nhìn ra xa xung quanh.
2. Điều kiện ánh sáng:
Cần dùng đèn bàn để học, đọc, làm việc và bật đèn sáng cả phòng. Chúng ta nên sử dụng kết hợp đèn bóng tròn và đèn neon. Không nên chỉ dùng 1 ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối.
Đèn bàn dùng làm việc gần phải sáng hơn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng.
Chúng ta cũng có thể kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng mặt trời. Cả phòng nên được chiếu sáng đầy đủ.
Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và trên xuống.
Không nên đọc sách chữ quá nhỏ và truyện tranh chữ không đúng quy cách và không nên đọc nơi thiếu ánh sáng.
3. Khoảng cách làm việc gần:
Khoảng cách để đọc sách, nhìn gần là 30 – 40 cm.
Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác quá lớn do việc gia tăng sức điều tiết và cũng có thể làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị.
4. Tư thế:
Ngồi ngay ngắn trên bàn, ngực và lưng thẳng. Ngồi tư thế không đúng, quá gần sách vở hoặc gần máy tính sẽ làm mau mỏi mắt, mỏi cổ, mỏi lưng dẫn đến cận thị, gù vẹo.
Không nên đọc sách xem tivi khi nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng, mà nên ngồi ngay ngắn.
5. Khi viết:
Khi cầm bút, ta nên cầm cách đầu bút khoảng 2.5cm.
Ta nên xoay vở nghiêng theo cùng góc đồng phương với góc nghiêng của tay cầm bút.
6. Xem truyền hình:
Nên xem tivi ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình tivi, thường khoảng 2.5 đến 3m.
Nên ngồi thẳng khi xem và nên có chiếu sáng trong phòng nhưng tránh ánh đèn phản xạ trực tiếp lên màn hình.
Chỉ nên xem tivi khoảng 1 đến 2 giờ/ ngày.
Nếu chúng ta có tật khúc xạ nên đeo kính khi xem tivi nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.
7. Tham gia các hoạt động ngoài trời:
Nên chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời vì các hoạt động này thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần.
Khi chúng ta đi dạo ngoài trời, chúng ta nên giữ đầu ở tư thế thẳng mắt mở to và nhìn thẳng về phía trước.
8. Khi tham gia các phương tiện giao thông:
Khi đi tàu xe không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm ta phải thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác.
9. Kính trợ giúp thị giác:
Khi bị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) cần phải đeo kính để hỗ trợ thị giác. Bị cận và loạn cận thì cần đeo kính thường xuyên cả khi nhìn xa và nhìn gần. Việc đeo kính này giúp làm việc gần thoải mái hơn, kéo dài hơn vì nó làm giảm các nỗ lực về mặt thị giác.
Thạc sỹ- Bác sỹ chuyên khoa Mắt
Lê Thị Thanh Trà
Số điện thoại 0948887789
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN