Gần 5 tháng sau khi chào đời, 2 bé Nguyễn A., Nguyễn B. khi sinh chỉ nặng 500gram đã trải qua nhiều hành trình cam go tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến ngày 3/10, cả 2 bé đã phát triển ngoạn mục, bé gái nặng 3,1kg, bé trai còn lại nặng 3,6 kg (thời điểm này cũng tương đương với tuần thai thứ 41 của 2 trẻ).
Trước đó, ngày 16/5, sản phụ L.T.V, sinh năm 1996 ở Ứng Hoà (Hà Nội) đang theo dõi COVID-19 mang thai ở tuần thứ 25 trở dạ. 2 bé song sinh (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng 500g. Thời điểm đó, gia đình không hy vọng nhiều vào sự sống của các con.
Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nỗ lực tìm sự sống cho 2 bé sơ sinh non tháng.
TS.BS Lê Minh Trác- Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết, trong sản khoa những trường hợp trẻ cực kỳ non tháng là trẻ có cân nặng dưới 1.000gram và chào đời ở tuần thai dưới 28 tuần.
“Khi đó các cơ quan non yếu dễ tổn thương. Trẻ có các nguy cơ cơ bản như ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, hoại tử ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hoá, vàng da… Nguy cơ muộn có thể gặp các bệnh lý như võng mạc, dễ nhiễm trùng, tiểu đường, cao huyết áp…”- TS Lê Minh Trác nói.
Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc 2 bé sơ sinh, 2 bé được hỗ trợ hô hấp bơm surfactant thở máy 43 ngày, thở oxy 30 ngày; nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp tiêu hoá phòng viêm ruột hoại tử.
“Nuôi tĩnh mạch, lấy ven là vô cùng khó khăn khi toàn bộ tay, chân trẻ không bằng tay út của người lớn. Trong 6 ngày đầu 2 bé ăn được 1ml/bữa, sau 2 tuần ăn được 6ml/bữa, sau 23 ngày ăn được 10ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt”- TS. BS Lê Minh Trác chia sẻ thêm.
Một khó khăn nữa các bác sĩ phải thận trọng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng 2 bé sơ sinh là chống nhiễm khuẩn; ổn định thân nhiệt.
TS Trần Danh Cường vui mừng thông báo, đến nay nếu tính tuổi thai 2 bé được đã tự thở khí trời, ăn sữa 600ml-700ml/ngày. Quá trình tăng trưởng của trẻ tiến bộ từng ngày. Cụ thể sau đẻ 3 tuần trẻ hồi phục cân nặng 500g lúc đầu, từ đó trẻ tăng 15%/cân nặng/tuần. Hiện trẻ đã biết mỉm cười tự phát, massage thể hiện sự dễ chịu. Mẹ bé được hướng dẫn chăm sóc Kangaroo từ lúc 3 tháng tuổi.
“Đến thời điểm này qua đánh giá 2 bé hoàn toàn khoẻ mạnh, chưa có biểu hiện bất thường gì. Tránh được những biến chứng gần của trẻ sơ sinh. Các biến chứng về xơ phổi, mắt, biến chứng về tim mạch là khó có thể xảy ra. Các biến chứng khác cũng vậy”- PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Chia sẻ với với phóng viên báo Sức khoẻ &Đời sống, chị L.T.V không giấu nổi xúc động, chị khóc trong hạnh phúc. “Em và gia đình không thể tin nổi có điều kỳ diệu này đã dành cho 2 cháu và cho gia đình”- mẹ của bé A. và bé B. nói.
Để đạt được các thành công trên, Trung Tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã ứng dụng thành công các kỹ thuật, biện pháp trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non tại Trung tâm như Hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp: thở máy, bơm sunfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da…
Đối với những trẻ nhẹ cân từ 1.000 đến 1.500gram, tỉ lệ nuôi sống thành công là gần 90%, tỉ lệ sống của trẻ dưới 1.000 gram gần 30%.
“Những lần trước, chúng tôi đã nuôi sống thành công 1 trẻ non tháng, nặng 400- 500gram, nhưng đây là lần đầu tiên, cặp song sinh chỉ 500gram vốn là song thai 2 bánh rau được nuôi sống thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương”- PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.
Giám đốc Trần Danh Cường chia sẻ thêm: Điều tôi tự hào nhất là kỹ năng cũng như chuyên môn chăm sóc trẻ non tháng cũng như trẻ bị bệnh lý của các y bác sĩ tại Trung tâm là ‘đỉnh cao’. Đây là điều rất mừng vì chúng tôi không chỉ giúp các gia đình hiếm muộn, khó khăn có thai, được làm bố mẹ, mà còn nuôi sống nhiều trường hợp khó, bệnh lý…
Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường để làm được điều này các thầy thuốc đã phải thực hiện nghiêm ngặt về công tác phòng chống nhiễm khuẩn, vô khuẩn, đồng thời còn có sự tận tâm, tận lực của các thầy thuốc, thời gian đầu mỗi tiếng 1 lần trong ngày, các thầy thuốc phải cho các cháu ăn từng 1ml sữa.
“Họ đã làm được công việc ít người tưởng tượng được. Nếu như trước đây với những trường hợp thai nhi nhỏ 25 tuần và chỉ 500gram thì có không ít khó khăn, nhưng hiện nay đã khác, chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật cao trong sản khoa. Điều này cũng khẳng định được chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam trong chăm sóc, nuôi sống trẻ sơ sinh cực kỳ non tháng, nhẹ cân”- PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN