Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Mười điều cần biết khi mắc bệnh mạch vành

Mười điều cần biết khi mắc bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành đang ngày càng trở thành một bệnh lý phổ biến ở nước ta. Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc về những bệnh lý liên quan đến mạch vành. Số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành khoảng 2 triệu người tại Việt Nam và mỗi năm có khoảng 100.000 bệnh nhân chết vì bệnh lý mạch vành. Trên thế giới cứ 1 trong 6 nam giới và 1 trong 10 nữ giới tử vong do bệnh mạch vành.

Có 5 nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh lý động mạch vành là: hút thuốc lá; đái tháo đường; tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu; gia đình có người bị bệnh mạch vành. Một số yếu tố khác góp phần tăng tiến triển bệnh lý động mạch vành là béo phì, ít vận động và căng thẳng. Như vậy, chỉ có yếu tố gia đình là có thể không can thiệp được còn tất cả các yếu tố còn lại đều có thể điều chỉnh được. Nếu làm tốt những điều này, có thể làm chậm tiến triển của bệnh, thậm chí có thể đảo ngược được tình trạng bệnh lý nguy hiểm này. Sau đây là những điều bạn cần biết nếu mắc bệnh mạch vành.

1. Phải dừng hút thuốc lá. Những hoạt chất trong thuốc lá làm phá hủy mạch máu của bạn. Bệnh nhân bệnh mạch vành tiếp tục hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim lại và hay bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm tính mạng. Hút thuốc lá làm tăng các bệnh lý như tai biến mạch não, bệnh lý mạch ngoại vi. Hơn nữa, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ các bệnh lý phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.

2. Nên điều trị thuốc và có chế độ ăn phù hợp khi mắc đái tháo đường. Đái tháo đường làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch. Bạn có thể điều chỉnh và dự phòng tốt đái tháo đường qua việc giảm cân, tập thể dục, chế độ ăn và dùng thuốc có thể giúp hạn chế ảnh hưởng xấu của đái tháo đường lên mạch máu.

3. Nếu gia đình bạn có nhiều người đã mắc bệnh mạch vành, bạn sẽ cũng có nhiều nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một phương pháp nào tác động lên gen di truyền để thay đổi tình trạng này. Nhưng nếu nhiều người trong nhà bạn có bệnh lý mạch vành, bạn nên cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, tránh hút thuốc, giảm ăn những chất béo bão hòa (thường là thịt động vật), tập thể dục thường xuyên và cần thiết phải dùng thuốc nếu có các bệnh lý đi kèm.

4. Khoảng 1 trong 4 người trên 18 tuổi ở nước ta có tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể làm phá hủy mạch máu của bạn làm gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não. Bạn nên duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục thường xuyên, tránh dùng thức ăn mặn và thức ăn nhiều chất béo. Bạn cũng nên duy trì thuốc thường xuyên như thức ăn của bạn. Hiện nay, có nhiều loại thuốc có thể điều trị tốt tăng huyết áp. Các thuốc điều trị tăng huyết áp thường rất ít tác dụng phụ. Cần phải dùng duy trì suốt đời để đảm bảo cho bạn mức huyết áp bình thường. Thuốc huyết áp được uống hàng ngày.

5. Trước đây, người Việt chúng ta ít phải để ý đến chế độ ăn. Nhưng lối sống công nghiệp cùng sự tăng khẩu phần ăn thịt, đặc biệt là những thức ăn có nhiều chất béo bão hòa làm nồng độ mỡ máu cao và làm gia tăng xơ vữa động mạch. Hiện nay, chế độ dinh dưỡng được các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên dùng để giảm bệnh lý động mạch vành là tăng khẩu phần ăn nhiều rau xanh và hoa quả, giảm các thức ăn nhiều thịt và ngũ cốc.

6. Mức cholesterol máu cao thường là do di truyền. Chế độ ăn để giảm cholesterol máu thường là không đủ. Thường thì nhiều bệnh nhân phải kê đơn để làm thấp mức độ cholesterol máu. Các thuốc thường được kê cho bệnh nhân này là các thuốc thuộc nhóm statin, fibrate, niacin…

7. Ít vận động thường đi kèm với béo phì, điều này góp phần làm tăng xơ vữa động mạch. Cách tốt nhất để cải thiện điều này là hãy bắt đầu tập thể dục. Tập thể dục hoặc các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội từ 30-60 phút mỗi ngày sẽ giúp nhiều cho bạn. Tập luyện cũng giúp bạn giảm cân và tránh béo phì.

8. Căng thẳng tâm lý là điều khó có thể đo đếm được. Thậm chí, có những tranh cãi có hay không căng thẳng góp phần làm tăng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, một số nghiên cứu xác nhận những bệnh nhân có bệnh mạch vành khi tập luyện yoga có thể làm giảm bệnh mạch vành. Tập luyện yoga gần như rất ít tác hại.

9. Nhồi máu cơ tim có thể làm tổn thương cơ tim, điều này có thể dẫn tới một số biến chứng như nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim rất chậm. Những biến chứng này có thể gây tử vong cho bạn. Hơn nữa, tổn thương này có thể dẫn đến suy tim sau này làm bệnh nhân khó thở, mệt, phù. Một số thuốc điều trị có thể giúp cho bạn. Một số biện pháp có thể giúp bạn điều trị như nong và đặt stent động mạch vành, mổ đặt cầu nối động mạch vành. Nếu nhịp tim quá chậm có thể phải cấy máy tạo nhịp. Các rối loạn nhịp thất làm nhịp tim rất nhanh có thể phải cấy máy chống rung tự động.

10. Đến khám bác sĩ định kỳ để điều chỉnh hoạt động phù hợp cũng như thuốc men và chế độ ăn của bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ khi bạn thấy có bất thường, đặc biệt là khi bạn có đau ngực, khó thở, mệt nhiều.

TS.BS. Phạm Như Hùng

(Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam)