Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2014: Bệnh lây truyền qua vectơ: Vết đốt nhỏ – Mối lo lớn

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2014: Bệnh lây truyền qua vectơ: Vết đốt nhỏ – Mối lo lớn

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2014: Bệnh lây truyền qua vectơ: Vết đốt nhỏ – Mối lo lớn

Muỗi Ae. aegypti – vectơ chủ yếu làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng và bệnh chikungunya

Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tập trung vào một nhóm các bệnh lây truyền qua côn trùng và các vật chủ trung gian khác, về gánh nặng y tế và kinh tế nặng nề mà nhóm bệnh này gây ra, cũng như nhữngviệc cần thực hiện để giảm bớt gánh nặng đó. Mỗi năm trên thế giới có hơn một triệu ca tử vong do bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian. Nhưng con số tử vong này, dù đáng báo động, vẫn còn thấp số người phải chịu đau đớn và khổ sở sau khi hết nhiễm trùng bởi di chứng suy nhược kéo dài, biến dạng cơ thể, thương tật hoặc bị mù.

Vật chủ trung gian (vectơ) là những sinh vật sống có thể làm lâytruyền các bệnh truyền nhiễm từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Nhiều vectơ là côn trùng hút máu, chúng hút cả các vi sinh vật gây bệnh trong khi cắn/đốt một vật chủ nhiễm bệnh (là người hoặc động vật) và sau đó truyền các vi sinh vật này sang một vật chủ mớitrong khi đốt. Muỗi là vectơ truyền bệnh được biết đến nhiều nhất. Những vectơ khác bao gồm một số loài bọ ve, ruồi, ruồi cát, bọ chét, rệp và ốc nước ngọt…

Hơn một nửa dân số thế giới có nguy cơ

Bệnh lây truyền qua vectơ là bệnh ở người gây ra bởi tác nhân gây bệnh (virut, vi khuẩn, ký sinh trùng…) với sự góp sức của vật chủ trung gian làm lây truyền bệnh. Mỗi năm có hơn một tỷ người bị nhiễm và hơn một triệu người chết vì các bệnh lây truyền qua vectơ như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh sán máng, bệnh nhiễm Leishmania, bệnh Chagas, sốt vàng, bệnh giun chỉ bạch huyết và bệnh “mù sông”.

Một phần sáu số trường hợp mắc bệnh và tàn phế trên toàn thế giới là do các bệnh lây truyền qua vectơ, với ước tính hơn một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc các bệnh này. Các nhóm người nghèo nhất của xã hội và các nước kém phát triển nhất bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các bệnh lây truyền qua vectơ ảnh hưởng đến người dân sống tại khu vực thành thị, ven đô và nông thôn nhưng phát triển mạnh chủ yếu ở các cộng đồng dân cư sống trong điều kiện nghèo khổ, nhà ở chật chội, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. Người bị suy dinh dưỡng và người có hệ miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ bị tổn thương.

Các bệnh này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo. Bệnh tật và tàn phế khiến người bệnh không thể làm việc và giúp đỡ gia đình, khiến họ càng khó khăn hơn và cản trở phát triển kinh tế. Ví dụ như sốt xuất huyết tạo ra gánh nặng kinh tế đáng kể cho gia đình và chính quyền, cả về chi phí y tế và mất ngày công làm việc do nghỉ ốm/chăm sóc người ốm. Theo các nghiên cứu từ 8 quốc gia, trung bình một đợt sốt xuất huyết làm mất 14,8 ngày công làm việc đối với bệnh nhân ngoại trú, với chi phí trung bình 514 đôla Mỹ và 18,9 ngày công làm việc đối với bệnh nhân nội trú không tử vong với chi phí trung bình 1.491 đôla Mỹ.

Do đó, kiểm soát các bệnh lây truyền qua vectơ có vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo và phát triển kinh tế. Một mô hình tính toán kinh tế đối với bệnh sốt rét cho thấy các quốc gia có bệnh sốt rét lưu hành cao có mức thu nhập chỉ bằng 1/3 so với những quốc gia không có bệnh sốt rét.

Mối đe dọa ngày càng gia tăng

Trở lại thế kỷ trước, trong thập niên 40, việc phát hiện ra thuốc trừ sâu tổng hợp là một bước đột phá lớn trong việc kiểm soát các bệnh lây truyền qua vectơ. Chương trình phun thuốc diệt côn trùng trong nhà với quy mô lớn từ thập niên 50 đến đến thập niên 60 đã thành công trong việc kiểm soát rất nhiều các bệnh lây truyền qua vectơ. Vào cuối những năm 1960, nhiều căn bệnh trong số này – ngoại trừ bệnh sốt rét ở châu Phi – đã không còn được coi là có tầm quan trọng lớn đối với y tế công cộng.

Điều này gây ra một bước thụt lùi lớn. Các chương trình kiểm soát hết hiệu lực, nguồn lực bị thu hẹp lại và các chuyên gia về kiểm soát vectơ rút khỏi các cơ quan y tế công cộng. Trong vòng hai thập niên qua, nhiều bệnh lây truyền qua vectơ quan trọng đã tái xuất hiện hoặc lây lan sang các vùng mới trên thế giới. Trước đây chủ yếu chỉ là vấn đề của các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, thì nay các bệnh lây truyền qua vectơ đang gây ra mối đe dọa ngày càng lớn cho y tế công cộng toàn cầu, cả về số lượng người bị ảnh hưởng và sự lan truyền về mặt địa lý của bệnh. Tiềm năng lây lan khắp toàn cầu của bệnh, biến đổi khí hậu, sinh thái học, mô hình sử dụng đất, việc di chuyển của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa giữa các vùng ngày càng nhanh hơn và nhiều hơn… đang đe dọa sức khỏe của hơn một nửa dân số thế giới.

Thay đổi môi trường đang gây ra sự gia tăng về số lượng và tốc độ lan truyền của nhiều vectơ trên toàn thế giới. Sốt xuất huyết nói riêng đang nổi lên như một mối lo ngại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Vào năm 2012, nó được xếp là bệnh do virut lây truyền qua muỗi quan trọng nhất với khả năng gây dịch trên toàn thế giới. Hiện tại số ca mắc bệnh đã gia tăng 30 lần so với 50 năm trước, với chi phí cho nhân lực và kinh tế rất lớn. Vectơ chính của bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti hiện được tìm thấy ở hơn 20 quốc gia châu Âu. Cũng loài muỗi này gần đây làm lây truyền bệnh chikungunya cho các đảo vùng Caribbê, trường hợp đầu tiên mắc bệnh này đã thấy ở châu Mỹ.

Cùng với sự lây lan đáng báo động của các vectơ là mối lo ngại lớn về gia tăng đề kháng thuốc trừ sâu. Ngày nay hầu hết các loài vectơ đều đang kháng nhiều nhóm thuốc trừ sâu. Nếu các thuốc trừ sâu hiện có bị mất hiệu quả thì những thành tích đạt được trong phòng chống sốt rét và nhiều bệnh lây truyền qua vectơ khác có thể bị xóa sạch, đặc biệt là ở nhiều vùng thuộc châu Phi. Đồng thời, thế giới đang phải đối mặt với sự thiếu hụt rất lớn các nhà côn trùng học và chuyên gia kiểm soát vectơ. Rất ít quốc gia châu Phi có chương trình côn trùng học ở bậc đại học và một số quốc gia có rất ít các chuyên gia côn trùng học.

Đà đổi mới

Nếu chúng ta không hành động ngay thì những tác động của bệnh lây truyền qua vectơ sẽ trở thành cực kỳ nghiêm trọng đối với toàn thế giới. Đối với nhiều bệnh này, không có vắcxin và kháng thuốc là một mối đe dọa ngày càng tăng nên kiểm soát vectơ đóng vai trò quan trọng và thường là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh.

Nhiều biện pháp can thiệp hiện hành như dùng màn tẩm thuốc chống muỗi và phun thuốc diệt muỗi trong nhà… rất đơn giản và đã chứng minh hiệu quả. Những công cụ kiểm soát vectơ này có thể đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với các biện pháp can thiệp như dùng thuốc hàng loạt để điều trị quy mô lớn cho các cộng đồng mắc bệnh.

Các chương trình quản lý vectơ cũng có thể kết hợp với các can thiệp và nguồn lực để nhắm tới nhiều bệnh cùng một lúc – một thành phần của cách tiếp cận quản lý vectơ tích hợp. Ví dụ, sau các nỗ lực tích cực để thanh toán bệnh sốt rét trong những năm 1950 và 1960 bằng cách phun trong nhà thuốc DDT (dichlorodiphenyl-trichloroethan), tỷ lệ mắc bệnh nhiễm ký sinh trùng Leishmania giảm đáng kể ở nhiều quốc gia và bệnh giun chỉ bạch huyết biến mất tại quần đảo Solomon.

Trong nhiều trường hợp, cần tăng tài trợ và có cam kết chính trị để mở rộng quyền tiếp cận với những công cụ kiểm soát vectơ hiện có, cũng như các loại thuốc và các công cụ chẩn đoán. Đồng thời, rất cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu để tìm giải pháp cải thiện việc phòng chống vectơ và các bệnh mà chúng làm lây truyền.

Cuộc chiên chống các bệnh lây truyền qua vectơ đòi hỏi có một đà đổi mới trên quy mô toàn cầu, từ các cơ quan y tế công cộng toàn cầu, giữa các quốc gia và trong từng khu vực, các ban ngành của chính phủ, ở tất cả các cấp chính quyền, cũng như ở cộng đồng và tại hộ gia đình.

(Bộ Y tế)