Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Nhiễm trùng ngoài da nguy hiểm như thế nào?

Nhiễm trùng ngoài da nguy hiểm như thế nào?

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện HNĐK Nghệ An vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nhiễm khuẩn huyết nặng do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây ra. Bệnh khởi đầu tiên chỉ là xuất hiện mụn, nhọt tổn thương ngoài da sau tiến triển rất nhanh thành nhiễm khuẩn huyết thường có di bệnh ở nhiều nơi như màng tim, phổi, màng phổi, hệ cơ xương, não….

1. Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng là gì và nguy hiểm như thế nào?

– Tụ cầu (Staphyloccocus) là vi khuẩn có mặt khắp mọi nơi, có trong thiên nhiên, trong đất, nước, trong không khí và trong cơ thể người khỏe mạnh. Người vẫn là ổ mang vi khuẩn chủ yếu.

–  Người lành mang tụ cầu nhiều nơi trong cơ thể như ở mũi, họng, da (nhiều nhất vùng bẹn, nách, bàn tay, bàn chân, cẳng tay, bùi), niêm mạc (kết mạc, niêm mạc âm đạo, niêm mạc ruột).

– Nhiễm trùng do tụ cầu vàng có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng. Các bệnh gây ra do tác động của độc tố tụ cầu như sốc nhiễm độc, hội chứng phỏng tróc da và ngộ độc thực phẩm do độc tố tụ cầu vàng. Bệnh cảnh nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm nhiễm trùng khu trú (nhọt, viêm nang lông, chốc, chín mé…) đến nhiễm khuẩn huyết tối cấp và cấp tính và bệnh cảnh mạn tính do tụ cầu vàng gây ra (viêm xương…). Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập chính đến thể nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.

2. Tụ cầu vàng là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn huyết mắc phải cộng đồng và bệnh viện.

– Tỉ lệ tử vong đã được báo cáo từ 20-40%. Nhiễm khuẩn huyết thường do ổ nhiễm khuẩn ban đầu bị kích thích (nặn trứng cá, nặn nhọt non, cạo râu xước vào nhọt…) làm vi khuẩn lan tràn vào máu gây nên. Bệnh di bệnh ở nhiều cơ quan khác và tiến triển nặng.

3. Ai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu?

Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng, tuy nhiên một số nhóm đối tượng nguy cơ cao hơn bị bệnh này:

– Người tiêm chích ma túy

– Người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường

– Người có can thiệp thủ thuật y khoa xâm lấn

– Người có dụng cụ nhân tạo

– Bệnh phổi

– Người bị ung thư, đang điều trị hóa chất, xạ trị

4. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng

– Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng bao gồm triệu chứng của ổ khởi điểm, ổ di bệnh, phản ứng của hệ liên võng nội mô và phản ứng sốt khi vi khuẩn xâm nhập vào máu.

– Triệu chứng của ổ nhiễm khuẩn khởi điểm:
+ Nhọt là viêm nang lông, sưng tấy, đỏ đau, đường kính 1-2 cm, sau hóa mủ, ấn mềm. Nhọt to đôi khi them theo viêm bạch mạch, sưng hạch vùng tương ứng. Nhiều nhọt nhỏ tập trung thành cụm nhọt (hậu bối).

+ Nhọt có thể mọc ở mặt, thân mình, chi, mi mắt. Nhọt này không khu trú mà có xu hương viêm tấy lan rộng ra xung quanh. Nhọt vị trí vùng mặt như môi trên, cánh mũi, mi mắt, cằm khi nặn nhọt non rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tụ cầu ác tính.

– Viêm mô tế bào, Áp xe dưới da…

– Tổn thương ở tim:

+ Viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim. Chủ yếu gây viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim ít gặp.

+ Ngoài bệnh cảnh nhiễm trùng huyết còn có các triệu chứng gợi ý tại tim như tiếng thổi, nhịp nhanh, thay đổi âm sắc khi nghe tiếng tim hàng ngày. 50% có lách to hoặc có các nốt Osler, nốt cục đỏ ở đầu ngón tay, móng tay. Siêu âm tim thường phát hiện được sùi và bất thường tại tim.

– Tổn thương ở xương, khớp. Vi khuẩn có thể di căn gây tổn thương ở xương và khớp dưới nhiều hình thức. Các xương hay bị tổn thương là xương đùi, xương chày, xương cánh tay, cổ tay. Vị trí cơ hay bị cơ thắt lưng chậu, cơ đái chậu…

– Tổn thương ở thận gây áp xe thận, viêm tấy quanh thận. Lâm sàng bệnh nhân đau vùng xương sống, ấn đau ởgóc xương sườn đốt sống. Siêu âm thấy thận to và có ổ áp xe thận.

– Tổn thương bộ phận sinh dục: Viêm tuyến tiền liệt gây ra đái buốt, đái rắt. Hiếm gặp viêm mào tinh hoàn.

– Triệu chứng cơ quan khác như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang (tụ cầu mặt ác tính), viêm tổ chức hốc mắt, viêm tuyến lệ…

– Tổn thương thần kinh trung ương: Viêm màng não mủ do tụ cầu thường do biến chứng của tụ cầu mặt ác tính hoặc viêm đốt sống. Áp xe não, áp xe tủy, viêm ngoài màng cứng, nhồi máu não do tụ cầu vàng.

– Triệu chứng toàn thân như sốt, sốt cao đột đột 39-40 0C hoặc từ từ tăng dần, thường ít sốt rét run. Người mệt lả, mê sảng, li bì, nôn, tiêu chảy, gan lách to. Trường hợp nặng còn có triệu chứng biểu hiện của sốc nhiễm trùng hoặc suy hô hấp, rối loạn ý thức.

5. Chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng như thế nào?

– Để chẩn đoán bệnh cần cấy máu nhiều lần tìm vi khuẩn, chọc ổ áp xe lấy dịch mủ tìm vi khuẩn, lấy dịch tại nơi tổn thương tìm vi khuẩn. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp Xq phổi, cắt lớp vi tính, cộng hưởng tử, siêu âm tim … giúp đánh giá di bệnh các cơ quan. Xét nghiệm công thức máu thường có bạch cầu máu tăng cao.

– Điều trị trong nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng đòi hỏi phối hợp điều trị kháng sinh đặc hiệu kết hợp can thiệp ngoại khoa và điều trị triệu chứng khác tùy từng bệnh nhân. Điều trị kháng sinh đặc hiệu phụ thuốc mức độ nhạy cảm của chủng tụ cầu vàng đó.

– Bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng nhạy Methicillin (MSSA):

+ Ưu tiên dùng Nafcillin hoặc oxacillin 2 gam/4 giờ, truyền hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc Cefazolin 2 gam/8 giờ, truyền tĩnh mach

+ Điều trị thay thế cho những bệnh nhân không thể dùng với beta – lactam): Vancomycin 15-20 mg/kg/ 8-12 giờ, truyền tĩnh mạch đảm bảo diện tích dưới đường cong 400 -600 µg/ml hoặc Daptomycin 6 mg/kg/ 24 giờ, tĩnh mạch

– Bệnh nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA): Vancomycin 15-20 mg/kg/ 8-12 giờ, truyền tĩnh mạch đảm bảo diện tích dưới đường cong 400 -600 µg/ml hoặc Daptomycin 8-12 mg/kg/ 24 giờ, tĩnh mạch

+ Thời gian điều trị 2 tuần với trường hợp nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng đơn thuần và 4-6 tuần với nhiễm khuẩn huyết có biến chứng.

– Can thiệp ngoại khoa bao gốm cắt lọc mô hoại tử, rửa sạch vết thương, không khâu kín vết thương. Chích rạch, mổ dẫn lưu ổ áp xe cơ, áp xe ngoài màng cứng, mủ màng phổi, áp xe não…Xử trí sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, rối loạn đông máu và điều trị các triệu chứng khác.

Từ những chia sẻ trên đây có thể thấy nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng khá phổ biến nhưng tiên lượng nặng và có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, khi có các triệu chứng như đã nói ở trong bài viết, hãy liên hệ ngay lập tức để gặp bác sĩ chuyên khoa của trung tâm Bệnh nhiệt đới để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh tình trạng đáng tiếc xẩy ra.

Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ :

– Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

– Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

– Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082.

– Thời gian đặt hẹn: 8h – 16h thứ 2 đến thứ 6

– Website: https://bvnghean.vn.