Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Góc tri ân > Những con người âm thầm sau từng ca mổ

Những con người âm thầm sau từng ca mổ

 

Mỗi bệnh nhân sau cuộc phẫu thuật dài được đưa ra khỏi phòng hồi tỉnh về khoa tiếp tục điều trị với nụ cười trên môi, và thở phào nhẹ nhõm của người nhà sau thời gian dài chờ đợi. Từ trước tới nay mọi người đều biết để có một ca mổ thành công là sự phối hợp nhịp nhàng của cả một e-kíp phẫu thuật. Nhưng ít ai biết tới trong  e-kíp đó có những con người thầm lặng nhưng thiếu họ thì không thể tiến hành bất cứ ca mổ nào, họ chuẩn bị chu toàn mọi thứ trước khi bệnh nhân được đưa lên phòng mổ, và cũng âm thầm lặng lẽ xử lý dụng cụ, thu dọn phòng mổ, họ mới là những người cuối cùng rời khỏi phòng mổ: đó là những dụng cụ viên phòng mổ.

Mỗi ngày làm việc tới bệnh viện với nụ cười trên môi, quần áo xúng xính. Và rồi  sau 5 phút tất cả đã thay lên người bộ quần áo của khu vực phẫu thuật: quần, áo, mũ, khẩu trang, dép. Mọi thứ đều được bịt kín mít chúng tôi cũng hay đùa với nhau rằng vào phòng mổ rồi ai cũng xinh trai xinh gái hết. Quả đúng là như vậy, vì chỉ nhìn thấy đôi mắt của nhau nên ai cũng thấy được sự trong trẻo,ánh mắt của sự nhiệt huyết, của sự tinh khôi và cả những giọt nước mắt chậc trào bờ mi khi bệnh nhân không vượt qua được ranh giới sinh-tử. Khi kết thúc ngày làm việc và trong các hoạt động khác họ mới xuất hiện rạng ngời trước mắt mọi người.

 

Trước mỗi ca mổ sau khi trao đổi với bác sĩ ngoại khoa về phương pháp và chiến lược trong cuộc mổ các Dụng cụ viên chuẩn bị các dụng cụ phẫu thuật, xử lý qua các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo dụng cụ dùng trên mỗi người bệnh phải vô trùng tuyệt đối, dụng cụ phải sạch hóa chất để không gây ra bất cứ tác hại nào trên người bệnh. Mỗi ca mổ đều có ít nhất là hai người Dụng cụ viên tham gia, một người thì trực tiếp phụ giúp cho bác sĩ phẫu thuật, một người nữa thì luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ cần đến hoặc phát sinh thêm khi cần.

 

Mỗi khâu mỗi bước trong cuộc phẫu thuật đều dùng những dụng cụ khác nhau, từ những ca mổ đơn giản cần vài chục dụng cụ đến những ca mổ phức tạp cần hàng trăm loại, ấy vậy mà mỗi Dụng cụ viên đều nắm được răm rắm từ tên dụng cụ, công dụng của từng loại dụng cụ và thời điểm nào thì dùng loại nào. Bấy nhiêu công việc nghe cũng đã rối rắm phức tạp nhưng vẫn chưa hết họ còn phải kiểm soát bao nhiêu loại kim và chỉ khâu dùng trên bệnh nhân, loại chỉ nào, số bao nhiêu; bao nhiêu gạc dùng trên bệnh nhân kích thước gạc bao nhiêu, trên từng ca phẫu thuật khác nhau thì có dụng cụ đặc chủng khác nhau, từ đinh, nẹp, vít, cho đến lưới nhân tạo, mesche nhân tạo, ghim máy, kẹp cầm máu,….v.v. Mỗi loại có kích  thước và cách dùng khác nhau, mỗi Dụng cụ viên đều phải nắm rõ.

 

Trang thiết bị, dụng cụ ngày càng hiện đại yêu cầu mỗi Dụng cụ viên đều phải liên tục cập nhật kiến thức, vận hành các loại máy móc từ dao điện đơn cực, lưỡng cực rồi dao mổ siêu âm, dao mổ plasma, dao mổ Ligasure, máy lase, máy bơm nước tự động, hệ thống phẫu thuật nội soi. Cũng như các bác sĩ phẫu thuật, mỗi Dụng cụ viên đều phải nắm được cách vận hành máy để mỗi cuộc mổ đều được diễn ra một cách an toàn và nhanh chóng.

 

Những cuộc mổ phức tạp, những giai đoạn nguy hiểm nhưng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, tinh thần tập trung cao độ, để rồi khi đưa được bệnh nhân từ bên bờ vực tử thần trở về họ mới dám khe khẽ thở ra. Trước khi kết thúc cuộc mổ phải kiểm tra từng chi tiết, từng dụng cụ từng cây kim sợi chỉ để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

 

Khi bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi tỉnh, là lúc bệnh nhân đã an toàn qua cuộc phẫu thuật , các bác sĩ rời phòng mổ theo dõi bệnh nhân, gặp người nhà thông báo cuộc phẫu thuật đã thành công. Thì những con người ấy, những con người ở lại cuối cùng trong phòng mổ, với đôi tay nặng trĩu, đầu óc mệt mọi sau thời gian dài tập trung căng thẳng, họ vẫn phải tiếp tục xử lý sạch những dụng cụ vừa dùng, qua bước này đến bước khác, họ vẫn chưa được ngơi tay. Những đôi tay mệt mỏi bê những hộp dụng cụ nặng trĩu đến khu vực để dụng cụ phẫu thuật đã qua sử dụng.

 

 Trước khi những dụng cụ đó được tập hợp lại và mang đến máy hấp sấy vô trùng. Những Dụng cụ viên lại tiếp tục quay lại phòng mổ, xử lý máy móc, vệ sinh lại bàn phẫu thuật, sàn nhà đèn mổ…khi họ bước ra phòng mổ cả khu vực phẫu thuật đã lặng thinh, tắt đèn và bước những bước chân mệt mỏi về phòng nghỉ.

 

Họ chỉ muốn được nghỉ ngơi 5-10 phút sau hàng giờ dài căng thẳng ấy vậy mà nhiều khi điều đó cũng quá xa xỉ. Bác sĩ gây mê thông báo có một ca mổ nguy kịch đang được đưa lên. “Chuẩn bị mổ tối cấp”. Và như có sức mạnh nào đó thôi thúc họ buớc đi:  Là tính mạng bệnh nhân đang ngay bên bờ vực sinh tử, là phải dành giật từng giây từng phút với tử thần để giữ bệnh nhân ở lại, là hy vọng của những người nhà bệnh nhân mong bệnh nhân qua được nguy kịch, họ không được phép nghỉ ngơi, không được phép than vãn, và những bước chân đó lại cất bước đi rồi thành bước chân chạy thật nhanh, nhanh hơn và nhanh hơn nữa…!